"Phát triển công trình xanh thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng: Cơ hội và thách thức" là chủ đề Phiên toàn thể đã thu hút hơn 1.000 đại biểu làm việc trong các lĩnh vực tư vấn thiết kế, kiến trúc, bất động sản, vật liệu xây dựng, thiết bị, công nghệ, sản phẩm cơ điện… tham gia.
Trong bối cảnh thế giới đang gánh chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động của biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, thiếu nguồn cung năng lượng, áp lực của gia tăng dân số và đô thị hóa nhanh, các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đều có định hướng chính sách phát triển theo hướng xanh, thông minh, phát thải thấp hướng đến bền vững.
Ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Xây dựng thông tin: Qua hơn 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện đạt khoảng trên 300 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng.
Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước về số công trình xanh với 67 công trình và đứng thứ 2 về diện tích sàn xây dựng được chứng nhận công trình xanh với tổng diện tích sàn được chứng nhận là 1,264 triệu m2.
Các loại hình công trình xanh đã mở rộng từ công trình văn phòng, trụ sở cơ quan đến khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, nhà xưởng công nghiệp.
Số lượng công trình xanh dù đã tăng lên đáng kể hằng năm nhưng so với tổng số công trình được xây dựng thì con số này còn khá khiêm tốn, đòi hỏi cần có thêm nhiều sự nỗ lực, cố gắng để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển công trình xanh trong thời gian tới.
Khách mời quan tâm đến những vật liệu xây dựng thân thiện và bảo vệ môi trường được trưng bày tại Chương trình. |
Cũng theo Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Tường Văn, chuyển đổi xanh đang là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đề ra nhiệm vụ “Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.
Chuyển đổi xanh đang là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam.
Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Tường Văn
Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TW khóa XIII về tiếp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ và quan điểm về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với chuyển đổi nền kinh tế sang hướng xanh, bền vững.
Phát biểu chia sẻ tại Phiên toàn thể, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết: Trải qua hơn 10 năm thực hiện thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng, Thành phố đã tăng cường kiểm tra việc tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD và QCVN 09:2017/BXD trong cấp phép xây dựng, phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế và kiểm tra nghiệm thu công trình.
Đồng thời, các cơ quan chuyên môn đã tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước thực hiện việc thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, kiểm tra nghiệm thu công trình.
Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy công bằng và công lý
Mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 đã thu hút nhiều chuyên gia, diễn giả, doanh nghiệp với chủ đề: “Tăng trưởng xanh, hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không”, qua đó nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Ông Nguyễn Hồng Hải-Viện Khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng cũng chia sẻ việc “Khử các-bon và không sử dụng nhiên liệu hoá thạch trong tương lai” để khử các bon trong công trình xây dựng nhằm hạn chế sự nóng lên của toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Theo số liệu nghiên cứu và đánh giá do Bộ Xây dựng cung cấp, lĩnh vực xây dựng tiêu thụ khoảng 37 đến 40% tổng tiêu thụ năng lượng và phát thải khoảng trên 30% tổng lượng khí nhà kính.
Do đó, việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải dòng bằng không đã và đang là một trong những ưu tiên của của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023 bao gồm chuỗi các sự kiện hội nghị, hội thảo, tọa đàm, khóa đào tạo tăng cường năng lực, cuộc thi kiến trúc xanh sinh viên được tổ chức tại nhiều địa phương trên cả nước trong đó các hoạt động cao điểm diễn ra vào ngày 27-28/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh các hoạt động chính, trong khuôn khổ sự kiện còn có các hoạt động bên lề như: Toạ đàm trao đổi chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh, các hội thảo, khóa đào tạo chuyên sâu, chương trình tham quan thực địa, giải thưởng báo chí cho các tác phẩm báo chí tiêu biểu về công trình xanh, cuộc thi kiến trúc xanh sinh viên…
Sự kiện còn có sự cộng tác, phối hợp của các cơ quan, tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Tài chính Quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (IFC-WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)…