Doanh nghiệp tiên phong thực hiện kinh tế xanh

Sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế tuần hoàn… đang dần trở thành các tiêu chuẩn khi doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã kịp thời chuyển đổi và thích ứng nhanh với xu hướng này.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy tái chế nhựa Duy Tân tiên phong trong việc thu gom và tái chế nhựa.
Nhà máy tái chế nhựa Duy Tân tiên phong trong việc thu gom và tái chế nhựa.

Đi đầu trong việc tái chế chai nhựa, thời gian qua, Công ty cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân (quận Bình Tân) thực hiện chiến lược phát triển xanh bằng việc cho ra đời nhà máy nhựa tái chế với công suất hơn 30.000 tấn nhựa/năm. Nhà máy tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ tái chế “Bottle to Bottle”. Theo đó, chai nhựa đã qua sử dụng được thu gom về nhà máy, sau đó được phân loại, xử lý, chế biến thành các hạt nhựa tái sinh.

Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2023, doanh nghiệp này đã thu gom, tái chế 18.200 tấn (tương đương 1,6 tỷ chai). Số lượng chai nhựa đã được tái chế không chỉ cung cấp nguyên liệu cho các công ty tại Việt Nam, mà còn xuất khẩu sang 12 quốc gia ở châu Âu, Mỹ với 9.100 tấn (chiếm 56% sản lượng nhà máy). Hiện tại, nhà máy có thể thu gom, xử lý, sản xuất 30.000 tấn nhựa/năm và đang dự kiến tăng gấp hai lần công suất.

Giám đốc phát triển bền vững Lê Anh cho rằng: Gần đây câu chuyện kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, phát triển bền vững được nhắc rất nhiều lần. Là doanh nghiệp lâu năm trong ngành nhựa, Duy Tân đang phát triển, tái tạo vòng đời mới cho ngành nhựa, góp phần giúp Việt Nam trở nên xanh, sạch, đẹp hơn”.

Tại Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) - chuyên chế biến nha đam xuất khẩu đều tận dụng triệt để các phụ phẩm trong quá trình chế biến, sản xuất. Tất cả vỏ, bẹ nha đam từ nhà máy được thu gom, ủ men vi sinh, phối trộn cùng phân gia súc để tạo ra phân hữu cơ bón cho vùng nha đam nguyên liệu, vườn nho, vườn táo…

Nhờ tận dụng nguồn phế phẩm này, mỗi năm doanh nghiệp tiết kiệm được hơn một tỷ đồng chi phí mua phân hữu cơ và cả trăm triệu đồng chi phí vi sinh phục vụ ủ phân và trồng trọt lẫn chăn nuôi. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty GC Food Nguyễn Văn Thứ cho biết: Lợi ích của mô hình không chỉ giúp công ty tiết kiệm chi phí, thân thiện với môi trường mà còn tạo được thiện cảm đối với đối tác quốc tế. Hiện nay, các sản phẩm chế biến từ nha đam của doanh nghiệp đã có mặt tại nhiều thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Còn Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt chia sẻ: Công ty đã thực hiện “xanh hóa” nhà máy và sản phẩm bằng cách lắp đặt điện mặt trời gắn trên mái nhà xưởng để phục vụ sản xuất, giảm tiêu thụ năng lượng điện lưới, góp phần giảm chi phí và phát thải ra môi trường. Nguyên liệu vải cũng được chọn lọc theo các tiêu chí thân thiện với môi trường và có khả năng tái sử dụng, kéo dài vòng đời sử dụng của sản phẩm.

Cùng với đó, công nghệ nano cũng giúp giảm tới 95% lượng hóa chất cho khâu nhuộm so với trước đây; các công nghệ ozon, laser giúp giảm bớt phần lớn hóa chất trong quy trình sản xuất. Với việc đầu tư đồng bộ những công nghệ này, nhà máy của công ty đã tăng năng suất, sản phẩm làm ra có chất lượng ổn định. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận việc hướng tới tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn vô cùng quan trọng, không làm bây giờ thì sẽ quá muộn. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhận thức sớm, đi tiên phong, làm khá nhiều việc hướng tới kinh tế xanh.

Thực tế, những doanh nghiệp làm kinh tế xanh tốt thì nâng cao được năng lực cạnh tranh, thuyết phục và tạo niềm tin lớn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi xanh, gồm tài chính, công nghệ, thể chế, đặc biệt trong liên kết các bên…

Liên quan đến giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng: Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đối với việc chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Các cơ quan phải xây dựng lộ trình chuyển đổi. Thành phố cũng đã phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện “Chiến lược tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn thành phố đến năm 2030”.

Theo đó, thành phố sẽ tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân; tăng cường quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên; bảo đảm mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Thành phố đang tập trung xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước gắn kết với các mục tiêu tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh; tích hợp tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy cho tăng trưởng xanh, hội nhập và hợp tác quốc tế…

Thành phố cũng chủ động làm việc với Ngân hàng Thế giới, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng danh mục các dự án chuyển đổi xanh và mời gọi các nhà đầu tư tham gia; đồng thời, phối hợp với các định chế tài chính khác để hỗ trợ về mặt chính sách, tín dụng để chuyển đổi kinh tế xanh.

Nghị quyết số 98/2023/QH15 có chương trình kích cầu đầu tư; trong đó, các dự án chuyển đổi xanh sẽ được ưu tiên hỗ trợ 100% lãi suất để thực hiện chuyển đổi mô hình. “Các doanh nghiệp hiện nay đã nhận thức đầy đủ các hoạt động này và đang có những kế hoạch triển khai. Hiệp hội cũng tích cực vào cuộc bằng cách thành lập tổ công tác để kết nối và lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp trong quá trình triển khai”, ông Nguyễn Ngọc Hòa khẳng định.