Ngã ba đường
Với đặc thù địa lý và phong tục tập quán của đa phần các dân tộc thiểu số, trẻ em ở miền núi đã quen với lao động từ sớm và có xu hướng ngừng học giữa chừng để mưu sinh với gia đình. Ruộng đất ít, canh tác vất vả, đường sá xa xôi nên vào tuổi 15-16, nhiều em vào nam để tìm nghề nghiệp rồi lên các vùng đồng bằng để làm thuê. Thiếu kinh nghiệm, vốn văn hóa ít, nhiều người thì bị lừa bán, nhiều người bị cò ăn chặn. Sau nhiều năm bán sức lao động, không có tích lũy, không có kỹ năng, không có nghề, nay họ trở về quê đứng giữa ngã ba đường.
Moong Văn Nghĩa rời quê nghèo xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An từ năm lớp 9 để đi làm tiêu, điều ở Tây Nguyên. Xa quê mấy năm, Nghĩa không giữ được đồng nào. Năm nay, dịch bệnh, Nghĩa lại về quê nhờ bố mẹ gửi tiền vào cứu trợ. Nghĩa tâm sự: “Ngây ngô đi làm từ sớm nên thấy nhỏ quá, em thường bị ăn hiếp, lấy hết tiền. Bọn em có người đi lâu nhất, lúc đó là 9 tháng cũng chỉ được 10 triệu đồng. Bố mẹ thắc mắc, em chẳng biết nói gì, chỉ nói thanh niên nhiều bạn bè nên tiêu nhiều!”. Nay, Moong Văn Nghĩa trăn trở: Ở nhà giúp bố mẹ làm nương rồi năm nay lấy vợ hay lại đi làm xa tiếp. Từ đô thị ồn ào nay về bản nghèo, không đường giao thông, không sóng điện thoại, lòng em ngổn ngang...
Phần lớn các thanh thiếu niên khu vực miền Tây Nghệ An như Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông đều bỏ học sớm để đi làm ăn xa. Rời bản vào nam lúc 16 tuổi, trong vòng 5 năm, Vi Văn Hiếu, bản Mọi, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An lang thang nhiều nơi, làm nhiều việc nhưng em vẫn chưa biết hợp đồng lao động là gì. Năm nào Hiếu cũng đi vài tháng rồi lại về. Ở đâu có tiền công trả cao thì em lại đi. Giờ do dịch bệnh, Hiếu trở về và không biết làm gì. Hiếu cho biết: “Em vào nam làm cốt pha nhưng do dịch bệnh nhiều quá nên đợt này không có công việc gì và không kiếm được đồng nào”.
Lối thoát học nghề
Câu chuyện của Nghĩa, Hiếu đặt ra dấu hỏi về việc: Làm thế nào để hạn chế được việc những lao động trẻ từ 15-16 ở những vùng khó khăn miền núi lang thang đi làm thuê khắp nơi, khi trở về thì sức khỏe lụi tàn, đau ốm, không có tích lũy, không có kỹ năng, không có tri thức. Trong khi đó, cũng ở độ tuổi này, em gái của Nghĩa đang có một cơ hội tốt đẹp nhờ được học nghề.
Học xong lớp 9, Moong Thị Hoa đăng ký học trung cấp nghề điện tử ở TP Vinh, cách nhà gần 200 cây số. Hoa là một trong những người đầu tiên ở vùng lõi nghèo của huyện Tương Dương đi học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Ở trường Hoa mới hiểu được giá trị khi người lao động có kỹ năng, cơ hội việc làm và thu nhập ổn định. Hoa cho biết: “Học xong, thầy cô sẽ tìm việc làm cho mình luôn. So với anh trai thì sau khi tốt nghiệp THCS, em có việc làm và mức lương cũng khá ổn”.
Còn từ Mù Cang Chải, Yên Bái, Giàng A Lúa người H’Mông ở xã Chế Tạo chọn nghề mộc. Lúc mới xuống, Lúa thật vất vả để học nói, viết tiếng phổ thông thông thạo và học thêm cả tiếng Anh. Giờ Lúa đã tự tin hơn khi được chọn vào lớp học nghề trọng điểm theo chuẩn châu Âu. Sang năm, Lúa có cơ hội được tuyển sang Đức làm việc. Lúa vui mừng: “Em học cả tiếng Anh, nâng cao tiếng phổ thông nữa. Học nghề này, em rất cố gắng để mong được vươn xa tới các nước châu Âu, vừa có hiểu biết, vừa không phải lao động vất vả như ở quê”.
Ông Lê Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Yên Bái cho biết: “Nhà trường cam kết, sẽ kết nối doanh nghiệp để tìm việc cho các em. Còn các em sau khi tốt nghiệp cũng rất tự tin nếu tự đi tìm việc và phát huy được khả năng, vai trò của mình ở trong doanh nghiệp”.
Là con lớn trong nhà, từ bé Lý Thị Đào, bản Tái Thiều, xã Nam Lư, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã rất chăm chỉ làm việc nhưng mảnh nương ngô và ruộng gừng nhỏ không đủ nuôi cả nhà bảy người. Ở vùng cao này, chuyện nghỉ học rồi lấy chồng sớm, không hiếm. Đào biết, sớm muộn mình cũng phải rời nhà. Đào tâm sự: “Phải ở nhà suốt ngày làm lụng vất vả nên em muốn đi học để đổi đời, với lại em không muốn ở mãi quê nữa, muốn lên thành phố để làm việc, học hỏi”. Cuối cùng Đào cũng chọn học trung cấp du lịch để mong muốn lên Sa Pa tìm việc, vừa gần nhà, vừa dễ kiếm thu nhập. Ngoài việc được miễn học phí, ăn ở, trường còn giúp học viên vùng xa làm thêm để có thêm thu nhập, giúp đỡ gia đình.
Rất nhiều học sinh ở vùng cao đã tìm được lối thoát bằng việc đăng ký học nghề từ trung cấp đến cao đẳng ngay từ khi tốt nghiệp THCS. Ông Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Lào Cai đánh giá: “Đào tạo nghề cho lao động trẻ ở vùng núi vừa giúp xóa đói, giảm nghèo bền vững, còn giúp công tác an ninh nông thôn được tốt hơn, giảm bớt các tệ nạn”.
Lý Thị Đào phấn khởi: “Em chọn nghề này là phù hợp nhất bởi vì mình học ra có thể kiếm việc làm ngay. Công việc ổn định hơn hẳn các bạn ở quê phải làm việc chân tay. Nghề này ở Lào Cai đang rất phát triển. Mình học nghề sẽ thay đổi cuộc sống”.