Doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký quỹ 2 tỷ đồng

NDO -

Theo quy định của Nghị định số 112/2021/NĐ-CP mới ban hành, doanh nghiệp trong nước hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại ngân hàng.

Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021: Dolab).
Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021: Dolab).

Tăng mức ký quỹ với doanh nghiệp dịch vụ

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 112/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nghị định nêu rõ, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động nước ta đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là doanh nghiệp dịch vụ) thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (gọi tắt là ngân hàng nhận ký quỹ).

Hiện tại, mức tiền ký quỹ đang áp dụng là 1 tỷ đồng. 

Doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải ký quỹ thêm 500 triệu đồng với mỗi chi nhánh.

Doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ ký kết hợp đồng. Tiền ký quỹ được phong tỏa theo quy định của pháp luật, và chỉ được sử dụng theo yêu cầu bằng văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong các trường hợp sau.

Thứ nhất, doanh nghiệp dịch vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ được quy định tại điểm c, đ và h khoản 2 Điều 26 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thứ hai, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quy định tại các điểm e, g khoản 2 Điều 26 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Thứ ba, doanh nghiệp dịch vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ khác trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Sau 30 ngày kể từ ngày tiền ký quỹ được sử dụng, nếu doanh nghiệp dịch vụ không hoàn trả số tiền ký quỹ đã sử dụng và bảo đảm mức ký quỹ theo quy định, ngân hàng nhận ký quỹ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Quy định mức trần tiền ký quỹ của người lao động

Nghị định cũng quy định mức trần tiền ký quỹ, quản lý, sử dụng và hoàn trả tiền ký quỹ của người lao động

Mức trần ký quỹ của người lao động
+ Với tất cả các thị trường, người lao động đi làm thuyền viên tàu cá xa bờ và tàu vận tải: không ký quỹ.
+ Các ngành, nghề khác:
Thị trường Đài Loan (Trung Quốc): mức trần ký quỹ 12 triệu đồng.
Thị trường Hàn Quốc: mức trần ký quỹ 36 triệu đồng
Thị trường Nhật Bản, các nước thuộc khu vực châu Mỹ, Đông Nam Á, Trung Đông: mọi ngành, nghề không ký quỹ
Với các quốc gia và khu vực khác, các ngành, nghề khác: mức trần ký quỹ tương đương giá trị 1 lượt vé máy bay hạng phổ thông từ nơi làm việc về Việt Nam
(Nguồn: Nghị định số 112/NĐ-CP)

Doanh nghiệp dịch vụ và người lao động thỏa thuận về ngân hàng nhận ký quỹ, việc ký quỹ, trong đó tiền ký quỹ không vượt quá mức trần quy định tại Nghị định này. Đồng thời, phải được ghi rõ trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Người lao động, doanh nghiệp dịch vụ và ngân hàng nhận ký quỹ thỏa thuận ký kết hợp đồng ký quỹ để thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Việc ký quỹ chỉ được thực hiện sau khi doanh nghiệp dịch vụ và người lao động ký hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, và người lao động đã được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp thị thực nhập cảnh nước hoặc vùng lãnh thổ làm việc.

Tiền ký quỹ của người lao động được sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra đối với doanh nghiệp dịch vụ.

Doanh nghiệp dịch vụ và người lao động/hoặc người được người lao động ủy quyền thỏa thuận thống nhất về mức bù đắp thiệt hại của người lao động và ghi trong văn bản thanh lý hợp đồng.

Các trường hợp hoàn trả tiền ký quỹ của người lao động:
1.Người lao động hoàn thành hợp đồng hoặc chấm dứt Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trước thời hạn nhưng không gây thiệt hại cho doanh nghiệp; người lao động đơn phương chấm dứt Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 6 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2.Người lao động đã nộp tiền ký quỹ nhưng doanh nghiệp không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn đã cam kết hoặc quá thời hạn chờ xuất cảnh và người lao động không còn nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.
3.Các trường hợp người lao động không gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
4.Tiền ký quỹ của người lao động còn lại sau khi đã bù đắp thiệt hại phát sinh đối với doanh nghiệp do lỗi của người lao động gây ra theo Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Trong trường hợp doanh nghiệp phá sản bàn giao hồ sơ cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định, cơ quan này có văn bản gửi ngân hàng nhận ký quỹ về việc hoàn trả tiền ký quỹ cho người lao động.

Người lao động cũng cần đăng ký trực tuyến hợp đồng lao động tại Cổng thông tin điện tử www.dolab.gov.vn.

Trong 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đăng ký hợp đồng trực tuyến, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời việc tiếp nhận đăng ký hợp đồng trực tuyến, đồng thời thông báo cho Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước sở tại. Trường hợp không chấp thuận đăng ký hợp đồng, phải nêu rõ lý do.

Sau khi nhận được thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc chấp thuận đăng ký hợp đồng, người lao động thực hiện đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước bằng nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản.

Văn bản có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Nghị định số 38/2020/NĐ-CP ngày 3/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Thông tư liên tịch số 17/2007 ngày 4/9/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp và tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Giai đoạn từ 2015-2019, bình quân mỗi năm có hơn 100.000 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới thế giới, trong năm 2020, vẫn có hơn 78,6 nghìn lao động nước ta đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Mục tiêu đặt ra trong năm 2021 là đưa 90 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 580 nghìn người Việt Nam đang lao động ở nước ngoài, làm việc tại khoảng 43 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Luật Người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng được Quốc hội thông qua tháng 11 năm 2020. Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Luật có những nội dung sửa đổi quan trọng. Qua đó, góp phần bảo vệ tốt hơn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

(Nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)