Doanh nghiệp cần được tự định giá bán lẻ xăng dầu

NDO - Ngày 14/2, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ Công thương tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia và đại diện bộ, ngành liên quan.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Bộ Công thương tóm tắt dự thảo Nghị định sửa đổi.
Đại diện Bộ Công thương tóm tắt dự thảo Nghị định sửa đổi.

Trình bày tóm tắt dự thảo sửa đổi, Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước Hoàng Anh Tuấn cho biết, mục đích sửa đổi, bổ sung Nghị định nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, nhất là các quy định về thời gian điều hành giá xăng dầu, quỹ bình ổn giá; việc phân công quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu; các điều kiện kinh doanh, quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối,... bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.

Theo đó, những nội dung chính đề xuất sửa đổi như về công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu, thời gian điều hành giá, quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn, quyền nghĩa vụ của thương nhân phân phối và tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu,... Mỗi nội dung đều có các phương án phân tích các mặt ưu, nhược điểm và được đề xuất lựa chọn nhằm hoàn thiện khung pháp lý để nâng cao công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu,...

Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Thanh Tùng, Công ty TNHH Thương mại Vận tải xăng dầu Hà Giang cho biết, theo quy định, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên dù lời hay lỗ doanh nghiệp vẫn buộc phải bán hàng, nếu ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt. Thời gian qua, dù phải chịu mức chiết khấu 0 đồng, nhà cung cấp tự kê phí vận chuyển lên quá cao so với phí vận chuyển thực tế nên các doanh nghiệp bán lẻ đang lỗ rất nặng nhưng vẫn phải duy trì kinh doanh. Mặt khác, doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu, thương nhân phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận. Kể cả sau 1, 2 năm đổi nhà phân phối khác thì vẫn bị chèn ép chiết khấu. Bởi nhà phân phối biết rằng, nếu doanh nghiệp bán lẻ không lấy hàng của họ thì cũng không thể lấy hàng của nhà phân phối khác.

“Doanh nghiệp bán lẻ đang ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu. Mặc dù kinh doanh thì có lúc này lúc khác, nhưng cả năm nay lỗ rồi. Cũng là thương nhân kinh doanh, có những thương nhân có lãi cả ngàn tỷ, còn các cửa hàng bán lẻ thì lỗ, đứng trước nguy cơ trả giấy phép, ngừng kinh doanh. Chuỗi cung ứng có thể bị đứt gãy”, ông Tùng nhấn mạnh.

Ông Tùng cũng mong muốn, Nghị định sửa đổi cần công nhận sự tồn tại của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, từ việc công nhận vị trí đến sở hữu tài sản; doanh nghiệp bán lẻ cần có chiết khấu, chi phí, định mức lợi nhuận hợp lý trong bối cảnh nhà nước vẫn đang kiểm soát giá. Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ phải được lấy hàng từ nhiều nguồn nhằm xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần được tự định giá bán lẻ xăng dầu ảnh 1

Đại diện doanh nghiệp phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Tương tự, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bội Ngọc (tỉnh Trà Vinh) khẳng định, Nghị định sửa đổi cần thiết phải quy định chiết khấu tối thiểu; cho phép doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ít nhất là 3 nơi và Nhà nước nên cho doanh nghiệp đầu mối tự định giá bán lẻ,...

Về quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối xăng dầu, đại diện doanh nghiệp phân phối xăng dầu cũng kiến nghị, theo dự thảo Nghị định chỉ cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu từ 3 đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu theo hợp đồng mua bán xăng dầu. Việc quy định này chưa hợp lý và có nhiều bất cập vì nếu khống chế việc mua xăng dầu của thương nhân phân phối sẽ ảnh hưởng đến việc tạo nguồn, chủ động nguồn cung và chưa bảo đảm tính cạnh tranh,...

Tại hội thảo, đại diện doanh nghiệp và các chuyên gia cũng đưa ra các góp ý về quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, phương thức phân giao tổng nguồn xăng dầu,...

Đại diện doanh nghiệp và các chuyên gia đồng thời nhấn mạnh, dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực có tính chất quan trọng, rất phức tạp tác động lớn đến nhiều đối tượng và xã hội. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan hữu quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, tiếp tục nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến đối với các đối tượng bị tác động trực tiếp và mở các cuộc họp, hội nghị để lấy ý kiến nhằm tiếp thu hoàn thiện trình Chính phủ xem xét ban hành theo tiến độ.