Cùng tham dự có đại diện một số Bộ ngành có liên quan; đại diện chủ đầu tư hai Dự án thành phần qua Bình Thuận là Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây.
Dự án đường cao tốc bắc - nam đi qua Bình Thuận gồm có hai Dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết và đoạn Phan Thiết – Dầu Giây có tổng chiều dài hơn 148 km. Trong đó đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết dài 100,8 km do Ban Quản lý Dự án 7 (Bộ GTVT) đại diện chủ đầu tư; đoạn Phan Thiết – Dầu Giây dài 47,67 km do Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) đại diện chủ đầu tư.
Theo báo cáo của các chủ đầu tư, tổng nhu cầu vật liệu đất đắp của cả hai dự án qua Bình Thuận là 11,7 triệu m³, trong đó đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết 9,2 triệu m³, đoạn Phan Thiết – Dầu Giây 2,5 triệu m3.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Thuận cho biết, theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây được duyệt thì trữ lượng của các mỏ trên địa bàn của tỉnh đáp ứng được chất lượng và nhu cầu đất đắp nền của dự án. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại các mỏ thì khối lượng đất và đất tầng phủ gồm có: đất, đất lẫn đá và đá phong hóa. Trong đó, đất lẫn đá và đá phong hóa của các mỏ là rất lớn, không bảo đảm yêu cầu làm vật liệu đắp nền theo yêu cầu kỹ thuật của dự án (tuy đã bảo đảm chỉ tiêu cơ lý nhưng không bảo đảm kích cỡ của đá lẫn đất). Vì vậy nhu cầu đất đắp của dự án tăng lên so với thiết kế kỹ thuật.
Theo báo cáo của Ban QLDA 7, kết quả kiểm tra đã xác định nguồn cung cấp vật liệu đắp nền đường đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết chủ yếu được xác định như sau: Mỏ vật liệu đang khai thác, đủ điều kiện cung cấp cho Dự án có năm mỏ với trữ lượng khoảng 1,1 triệu m3; mỏ đang làm thủ tục cấp phép, dự kiến hoàn thành trong và sau quý II là chín mỏ với trữ lượng khoảng 6,47 triệu m3; nghiền sàng đá tận dụng để đắp nền (Gói thầu XL01) khoảng 1,2 triệu m3. Như vậy, khả năng cung ứng của các mỏ vật liệu trên cơ bản đáp ứng (chỉ thiếu khoảng 0,45 triệu m3) nhu cầu của dự án, tuy nhiên phần lớn khối lượng dự kiến lại nằm tại các mỏ đang hoàn thiện thủ tục khai thác.
Ông Nguyễn Chung Khánh, Giám đốc Ban QLDA 7 cho biết, nan giải nhất hiện nay là nhu cầu đất đắp cho dự án. Công tác đấu giá cấp quyền khai thác các mỏ trong quy hoạch kéo dài; thủ tục cấp phép khai thác trải qua nhiều công đoạn, nhiều thủ tục pháp lý, nhanh nhất phải tám tháng. Những mỏ đang khai thác, có giấy phép thì trữ lượng còn rất ít, những mỏ đã đấu thầu, chưa cấp phép thì không xuất được hóa đơn. Với yêu cầu cơ bản hoàn thành dự án vào cuối năm 2022, kế hoạch là phải hoàn thiện toàn bộ nền đường trong năm 2021. Hiện nay, các nhà thầu đã đào bóc hữu cơ rồi, nhu cầu vật liệu đất đắp để hoàn thiện nền đường tập trung trong giai đoạn rất ngắn từ nay đến khoảng tháng 12-2021, bình quân mỗi tháng cần khoảng một triệu m3 (tháng cao điểm có thể cần đến hai triệu m3), với thực trạng các mỏ vật liệu đất đắp như hiện hữu là không thể đáp ứng khi dự án triển khai đồng loạt.
Đối với đoạn Phan Thiết – Dầu Giây qua tỉnh Bình Thuận, nhu cầu đất đắp khoảng 2,5 triệu m3. Hiện các nhà thầu đã ký kết hợp đồng với các chủ mỏ có giấy phép khai thác đủ điều kiện cung cấp cho dự án khoảng một triệu m3, còn lại là đất lẫn đá và đá phong hóa không sử dụng được theo tiêu chuẩn của dự án.
Đại diện Ban QLDA 7 và Ban QLDA Thăng Long cùng kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận sớm xem xét và cấp phép mở rộng và nâng công suất mỏ đang khai thác để đáp ứng nhu cầu vật liệu đất đắp. Kiến nghị Đoàn công tác có ý kiến tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN-MT rà soát và xem xét quy định nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cấp phép khai thác hoặc gia hạn khai thác trong thời gian sớm nhất, bảo đảm nguồn cung ứng vật liệu cho Dự án; rà soát và xem xét quy định về việc sử dụng nguồn vật liệu đất đắp từ tận thu đất, đá dôi dư trong quá trình cải tạo đất nông nghiệp.
Tại buổi làm việc, ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN-MT đã giải trình một số vướng mắc trong quy trình thủ tục cấp phép khai thác mỏ theo Luật Khoáng sản. Trình tự để cấp phép khai thác một mỏ mới có rất nhiều quy định, thời gian từ cấp phép thăm dò cho đến khi cấp phép khai thác, nhanh nhất cũng phải từ sáu đến chín tháng, kể cả trường hợp cấp phép không qua đấu giá. Thời gian qua, các địa phương đã có rất nhiều cố gắng, tích cực, giảm tối đa các thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian cấp phép. Qua ý kiến của nhiều địa phương, Bộ Tài nguyên Môi trường đã tổng hợp và đề xuất kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng Điều 64, 65 Luật Khoáng sản khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường nằm trong diện tích xây dựng công trình chỉ áp dụng cho riêng công trình thi công cao tốc bắc-nam này và cũng chỉ cấp đúng khối lượng theo nhu cầu của Dự án.
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, qua theo dõi thực tế, chưa có một khối đất ngoại lai nào từ các mỏ để đưa vào đắp công trình, trừ những đoạn tận dụng vật liệu đào đắp tại chỗ. Vấn đề vì sao thiếu nguồn nguyên liệu đất đắp có liên quan đến tính sẵn sàng cung cấp vật liệu của các chủ mỏ; thủ tục cấp phép khai thác mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường hoàn toàn không khác thủ tục cấp phép khai thác mỏ than hoặc mỏ sắt… trong khi đây chỉ là vật liệu đất đắp công trình, chính vì vậy thời gian cấp phép bị kéo dài. Trên địa bàn tỉnh khả năng cung cấp đất đắp cho dự án là không thiếu. Vì vậy, phải tập trung cao độ cho việc giải quyết nguồn đất đắp cho Dự án, nếu không Dự án chậm lại thì sẽ làm chậm lại sự phát triển kinh tế của tỉnh Bình Thuận cũng như của các tỉnh khác trong khu vực, nên phải ưu tiên cấp phép cho những mỏ cung cấp vật liệu cho dự án và sẵn có. Bộ cũng đã quyết định cho xay đá tại chỗ theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Dự án, tận dụng tối đa những vật liệu đào ra để đắp, vừa giảm tác động về môi trường, giảm chi phí. Riêng về việc sử dụng tro bay từ các Nhà máy nhiệt điện để làm nền đường, san lấp, căn cứ theo các tiểu chuẩn quy định thì có ba yếu tố không thể áp dụng cho làm đường cao tốc được, đó là: cường độ chịu lực đối với cao tốc không đạt; tính trương nở rất nhạy với nước, khi có nước sẽ bị nở ra; yếu tố môi trường, qua thí nghiệm hầu hết không đạt. Do đó tro xỉ chỉ dùng cho làm đường cấp thấp hoặc san nền thông thường.
Báo cáo với Đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong cho biết, về cơ bản nguồn vật liệu đất đắp nền đường phục vụ thi công cao tốc tuyến qua tỉnh không thiếu, có thể giải quyết được. UBND tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành có liên quan phối hợp với các Ban QLDA làm việc với các chủ mỏ xác định chính thức mỏ nào cần nâng công suất, quy mô cần lấy, mỏ nào cần đề xuất đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác, xác định rõ trữ lượng là bao nhiêu để tỉnh sẽ chỉ đạo làm nhanh thủ tục những mỏ đã đấu giá rồi. Nếu thiếu thì sẽ tính tới việc chỉ định thầu, đề xuất chỉ định mỏ bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, trữ lượng và cự ly. Làm thủ tục cấp phép đối với các mỏ cung cấp vật liệu cho cao tốc phải xong trong quý II.
Về các thủ tục liên quan đến cấp phép mỏ, đề nghị Bộ TN-MT cho phép rút ngắn và đơn giản hóa, gọn hơn các hồ sơ thủ tục; đối với các mỏ nằm trong khu vực quy hoạch đấu giá, nếu thuận lợi cho cao tốc thì cho chỉ định thầu phục vụ riêng cho cao tốc với khối lượng đủ dùng cho cao tốc, khi hoàn thành cao tốc xong sẽ đóng cửa mỏ và sau đó thực hiện đấu giá theo quy định.
Sau khi nghe các đại biểu, các thành viên trong Đoàn công tác phát biểu ý kiến, thay mặt Đoàn Công tác, Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao nỗ lực, sự đóng góp rất trách nhiệm, tâm huyết, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Thuận, là một trong những địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng nhanh nhất để có mặt bằng sạch bàn giao chủ đầu tư dự án. Việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là đường dây 500kV và 220kV, đề nghị tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ gửi lên Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN, cùng với báo cáo của Đoàn, Chính phủ sẽ có chỉ đạo Bộ Công thương xem xét để giải quyết nhanh thủ tục này. Đề nghị Bình Thuận hoàn thành các thủ tục hồ sơ, phê duyệt các bãi đổ thải phục vụ thi công dự án trong tháng 6 tới.
Việc giải quyết nguồn vật liệu đất đắp phục vụ dự án, những gì thuộc về thẩm quyền của địa phương thì phải làm hết trách nhiệm, thẩm quyền như cấp phép nâng công suất, mở rộng quy mô mỏ… cấp phép mỏ đã đấu giá. Các ban QLDA phải chủ động tích cực trong việc khảo sát mỏ, trữ lượng cụ thể, tiêu chuẩn có đạt hay không để đề nghị UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền, chỉ đạo các Sở ngành xử lý hoàn thành các thủ tục cấp phép trong thời gian sớm nhất. Đoàn cũng ghi nhậnvà nghiên cứu những kiến nghị của tỉnh đề xuất gỡ vướng mắc trong quá trình cấp phép mỏ hoặc chỉ định mỏ đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ dự án và sẽ có ý kiến để xử lý vấn đề này theo phương án nhanh nhất có thể được, nếu thuộc thẩm quyền của địa phương thì địa phương làm, nếu phải báo cáo Thủ tướng thì Đoàn sẽ báo cáo để Thủ tướng quyết định.
Trước đó, chiều 13-4, Đoàn công tác đã đi giám sát hiện trường tại một số gói thầu thi công dự án; một số mỏ có khả năng cung cấp nguồn vật liệu đất đắp nền đường phục vụ cao tốc đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết.