Đìu hiu ga tàu Thái Nguyên

NDO - Thái Nguyên là một địa phương có tốc độ phát triển nhanh, nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa rất lớn, tuy nhiên lưu lượng vận tải bằng đường sắt đi và đến Thái Nguyên rất thưa vắng. Cơ sở vật chất, đất đai phục vụ đường sắt tuy lớn nhưng lại không được phát huy hiệu quả; đời sống cán bộ, nhân viên đường sắt khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Ga Lưu Xá thưa vắng tàu qua lại.
Ga Lưu Xá thưa vắng tàu qua lại.

Ga Lưu Xá ở thành phố Thái Nguyên được ví là cảng cạn tấp nập trong kháng chiến; thời kỳ vận chuyển đường bộ còn khó khăn, ga đường sắt này vận chuyển hàng hóa sôi động, hành khách đi lại nhộn nhịp. Vậy mà những năm gần đây, ga Lưu Xá trở nên đìu hiu đến lạ lùng.

Ga Lưu Xá sử dụng diện tích đất rộng 20ha, trên sân ga có hàng chục đường ray, bãi tập kết hàng hoá rộng rãi, cơ sở vật chất phục vụ đưa, đón khách khá đồng bộ. Thế nhưng Trưởng ga Ngô Quang Tiến bùi ngùi, năm 2021 không có hành khách nào đi tàu, không có hàng hóa vận chuyển đi các nơi và chỉ tiếp nhận tổng số hơn 540 tấn hàng đến. Các ga khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, như ga Đồng Quang, Quán Triều cũng trong tình trạng như vậy.

Dẫn ra những con số này, cho thấy vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường sắt từ Thái Nguyên đi và đến tỉnh này gần như không đáng kể. Nhưng ngành đường sắt vẫn phải duy tu, bảo dưỡng, duy trì hệ thống đường sắt bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật để đáp ứng chạy tàu.

Thái Nguyên là trung tâm vùng trung du miền núi Bắc Bộ, điểm trung chuyển hàng hóa giữa Thủ đô Hà Nội, đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi phía bắc. Nhưng hàng hóa vận tải bằng đường sắt trung chuyển đến Thái Nguyên chủ yếu là gạo, muối, sau đó vận chuyển lên Bắc Kạn, Cao Bằng.

Trên thực tế, lượng hàng hóa đi và đến tỉnh Thái Nguyên là linh kiện, than, quặng, phôi thép, thép, sản phẩm may mặc, các sản phẩm từ gỗ rất lớn, nhưng vận tải bằng đường sắt lại không đáng kể, nhất là thời gian gần đây và hiện nay giá xăng, dầu tăng cao, vận tải hàng hóa bằng đường sắt chỉ bằng khoảng 30-40% so đường bộ, nhưng gần như vẫn không ai nhòm ngó đến vận tải hàng hóa bằng đường sắt là điều đáng buồn.

Ông Ngô Quang Tiến lý giải, sự kết nối giữa đường sắt với đường bộ và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh rất thấp, phương tiện bốc dỡ tại ga thô sơ, nhân lực bốc dỡ thiếu, chi phí bốc dỡ tăng, mặc dù giá nhiên liệu tăng, nhưng vận tải bằng đường bộ nhanh, thuận tiện nên vận tải bằng đường sắt trên tuyến không cạnh tranh được.

Thưa vắng tàu qua lại, thu nhập thấp, Trưởng ga Ngô Quang Tiến có mức lương hơn 9 triệu đồng/tháng, nhưng do hoạt động chưa hiệu quả nên không tháng nào cơ quan trả đủ lương, như 2 tháng gần đây được trả gần 6 triệu đồng/tháng, trước đó là 5 triệu đồng/tháng. Tất cả 11 cán bộ, nhân viên ga Lưu Xá đang trong tình trạng chưa được trả đủ lương nên đời sống khó khăn. Dù vậy, đội ngũ cán bộ, nhân viên với nỗi buồn thưa vắng tàu trên sân ga rộng lớn vẫn chỉn chu để những chuyến tàu ít ỏi đến và rời ga Lưu Xá an toàn.

Cải thiện lượng vận tải hàng hóa bằng đường sắt với lợi thế giá rẻ, trọng lượng lớn, giảm áp lực đối với đường bộ, phát huy giá trị hệ thống hạ tầng đường sắt tuyến Thái Nguyên với Hà Nội và các tỉnh, là bài toán bấy lâu nay không chỉ đối với ngành đường sắt.