Định hướng, tầm nhìn phát triển bền vững Đồng Nai

NDO - Với nhiều lợi thế tài nguyên thiên nhiên và nằm ở lõi Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nhưng Đồng Nai đang có dấu hiệu phát triển chững lại, tụt hậu về kinh tế so các tỉnh lân cận. Do vậy, Đồng Nai cần định hướng, tầm nhìn phát triển bền vững trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Tỉnh ủy Đồng Nai.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Tỉnh ủy Đồng Nai.

Sáng 30/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức hội nghị triển khai chuyên đề “Định hướng, tầm nhìn phát triển bền vững của Đồng Nai”.

Hội nghị được tổ chức từ điểm cầu chính Trụ sở Tỉnh ủy đến 14 điểm cầu các Đảng bộ trong toàn tỉnh.

Tại hội nghị, cán bộ chủ chốt 3 cấp: tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh đã được đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai quán triệt những định hướng, tầm nhìn để Đồng Nai phát triển bền vững.

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Đồng Nai nằm trong vùng tứ giác kinh tế, gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, là trung tâm kết nối các vùng kinh tế, nguyên liệu và nhân lực.

Ngoài ra, Đồng Nai lại nằm ở lõi của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, với giao thông thuận lợi, đa dạng với đủ các loại hình từ đường bộ, đường sắt, đường sông. Đặc biệt, cửa ngõ giao thông quốc tế đường hàng không quan trọng hàng đầu cả nước, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động những năm tới.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, tỉnh Đồng Nai đang gặp những thách thức, đó là sự tụt hậu về kinh tế so với một số tỉnh lân cận như Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu; chậm phát triển hạ tầng, chăm lo cho người dân; tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn phức tạp và khả năng hành động của đội ngũ cán bộ.

Định hướng, tầm nhìn phát triển bền vững Đồng Nai ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai trình bày chuyên đề.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, để Đồng Nai phát triển bền vững cần phát huy cao nhất về lợi thế, tiềm năng. Quá trình phát triển, không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế và tăng trưởng kinh tế đi đôi với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm tiến bộ công bằng xã hội. Cùng với đó, không được để lại hệ lụy cho tương lai và phải được xã hội đồng thuận.

Trước tiên, về kinh tế, cũng như xu hướng trên thế giới và nước ta, Đồng Nai phải phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số.

Cụ thể, là thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, chọn lọc thu hút đầu tư. Bởi, sau 30 năm phát triển công nghiệp, Đồng Nai đã tăng dân số cơ học khoảng 1 triệu người, trong khi hạ tầng xã hội không bảo đảm.

Đồng Nai phải phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; phải có tư duy chọn lọc, cái gì có lợi cho người dân, cho mảnh đất này thì quyết tâm làm, còn những gì có hại kiên quyết từ chối.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh

Do vậy, đòi hỏi thu hút đầu tư có chọn lọc, nguồn lao động phải qua đào tạo, đồng nghĩa thu nhập ngày càng cao: “Phải có tư duy chọn lọc, cái gì có lợi cho người dân, cho mảnh đất này thì quyết tâm làm, còn những gì có hại kiên quyết từ chối”, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Các trụ cột kinh tế của Đồng Nai được xác định trong giai đoạn tới là công nghiệp; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; logistic, dịch vụ, du lịch, cảng hàng hải, hàng không và xây dựng. Tỉnh xây dựng chiến lược phát triển bằng các nguồn lực từ ngân sách, xã hội hóa và đất đai.

Định hướng, tầm nhìn phát triển bền vững Đồng Nai ảnh 2

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Tỉnh ủy Đồng Nai.

Về chăm lo mục tiêu phát triển con người, Đồng Nai phải chứng minh được đây là vùng đất người dân sống hạnh phúc trên cơ sở các tiêu chí cụ thể về tuổi thọ, y tế, giáo dục... Ngoài ra, người đứng đầu Đảng bộ Đồng Nai nhấn mạnh, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh là yếu tố quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của địa phương trong thời gian tới, trong đó, đội ngũ cán bộ phải tận tâm phụng sự xã hội, phục vụ nhân dân.