Đến nay, hệ sinh thái nông nghiệp đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh đang dần định hình với các trụ cột là Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất…
Tạo chuỗi giá trị cho lan Dendrobium
Hợp tác xã nông nghiệp Vườn lan Việt (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những đơn vị tiên phong trong việc xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ cao để tạo ra chuỗi giá trị hoa lan Dendrobium. Chuỗi giá trị này gồm bốn thành phần chính: Cơ sở sản xuất cây giống nuôi cấy mô hoa lan; vườn sản xuất cây giống hoa lan; vườn sản xuất hoa lan; cửa hàng liên kết, phân phối hoa lan Dendrobium. Theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vườn lan Việt Liêu Thị Kim Phượng, hoa lan Dendrobium có giá trị kinh tế cao, nhưng cây giống chất lượng cao còn khan hiếm. Để giải quyết vấn đề này, hợp tác xã đã liên kết với phòng thí nghiệm nuôi cấy mô để sản xuất cây giống hoa lan Dendrobium chất lượng cao. Vườn lan Việt tận dụng hiệu quả các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để sản xuất cây giống hoa lan Dendrobium chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường và của người tiêu dùng.
Để trồng và chăm sóc hoa lan đạt năng suất, chất lượng cao, người nông dân cần có kỹ thuật chuyên môn tốt. Do đó, việc chuyển giao ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa lan Dendrobium là giải pháp quan trọng, giúp giảm đến mức thấp nhất chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm. Nhận thức được điều này, hợp tác xã thường xuyên tổ chức lớp tập huấn, phổ biến, tuyên truyền các kiến thức, kỹ thuật mới về hoa lan Dendrobium cho các nhà vườn. Đồng thời, hỗ trợ các nhà vườn tiếp cận các cơ sở vật chất, kỹ thuật để ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất hoa lan.
Bà Liêu Thị Kim Phượng cho biết thêm, thời gian tới, hợp tác xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ chuyển giao khoa học-công nghệ hoa lan Dendrobium cho các nhà vườn, doanh nghiệp, cá nhân nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập. Đồng thời, tăng cường liên kết với các nhà vườn, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp tiêu thụ hoa lan để tạo thành chuỗi giá trị hoa lan Dendrobium bền vững.
Hướng đến nông nghiệp đô thị hiện đại
Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2024 đã sưu tầm 39 giống rau ăn quả thích nghi với canh tác tại thành phố; lai tạo thành công tám dòng dưa lưới, 12 dòng dưa lê, cà chua bi thuần. Đồng thời, lai tạo thành công 28 tổ hợp lai dưa lưới, 15 tổ hợp lai dưa lê, 15 tổ hợp lai cà chua bi. Trung tâm chọn được ba dòng dưa leo đơn tính cái, trong đó có hai tổ hợp lai có triển vọng để chọn làm giống mới có tiềm năng thương mại hóa cao.
Đối với giống hoa, cây cảnh, cũng trong năm 2024, Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh đã sưu tầm được 26 giống hoa, cây cảnh lá mới bổ sung vào bộ sưu tập. Đến nay, trung tâm đã duy trì bộ sưu tập hoa, cây cảnh lá hơn 410 mẫu giống hoa lan, 179 giống cây cảnh lá, 47 giống hoa hồng, 153 giống hoa nền; xây dựng thành công hai quy trình chăm sóc giống cây cảnh lá hậu cấy mô; ba quy trình nhân giống invitro (nuôi cấy mô) hoa lan (lan Dendrobium nắng King 3, lan Dendrobium Enobi, lan Thiên Nga đỏ); triển khai thực hiện hai mô hình sản xuất thử nghiệm sáu dòng lan Dendrobium lai đã được cấp bằng bảo hộ giống mới…
Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hải An cho biết, trong năm 2024, trung tâm chú trọng triển khai các chương trình trọng điểm về phát triển giống cây, con giống và nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ… Để phục vụ nền nông nghiệp đô thị hiện đại, đơn vị sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, lai tạo các giống rau ăn quả, hoa, cây cảnh và chuyển giao các giống mới có tiềm năng cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường nhân giống vô tính các giống hoa, cây cảnh và dược liệu cung cấp cho thị trường; nghiên cứu và sản xuất các giống cá cảnh có giá trị bằng sinh sản nhân tạo; chuyển giao các quy trình sản xuất nông nghiệp tiên tiến…
Phát triển nông nghiệp nhanh, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông nghiệp xanh, công nghệ cao là mục tiêu của ngành nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Cụ thể, trong năm 2025, ngành nông nông nghiệp địa phương đặt mục tiêu tăng giá trị sản xuất nông nghiệp từ 1-1,5%; giá trị sản xuất bình quân từ 650-750 triệu đồng/ha.
Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Hoàng cho biết: Ngành nông nghiệp thành phố đã tập trung phát triển ứng dụng công nghệ, các giải pháp kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân trên địa bàn. Để hướng nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng hiện đại, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số với mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, nâng cao tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học vào sản xuất. Ngoài ra, ngành cũng chú trọng phát triển các mô hình sản xuất theo hướng sinh thái gắn với du lịch, chuyển đổi số phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại đa giá trị…■