Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh:

Định giá đất phải sát thị trường, chống tham nhũng, tiêu cực

NDO - Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, việc áp dụng 4 phương pháp định giá đất sẽ bao trùm được tất cả những trường hợp về đất đai. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định thực hiện phương pháp nào, với yêu cầu bảo đảm không có tiêu cực, phòng, chống tham nhũng, sát nhất với thị trường và công bằng.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo giữa các luật

Chiều 21/6, tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án luật đang được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo giữa Luật Đất đai (sửa đổi) với các bộ luật khác, dự thảo luật lần này dựa trên nguyên tắc đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý là những luật nào đã ban hành trước khi Luật Đất đai có hiệu lực sẽ rà soát, luật nào có quy định mâu thuẫn, xung đột thì phải quy định sửa đổi bổ sung, bãi bỏ ngay tại dự thảo luật.

Bộ trưởng cho rằng, điều này để nhằm bảo đảm tính đồng bộ, khả thi. Riêng đối với các luật đã có trong chương trình xây dựng pháp luật như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu thì rà soát, sửa đổi ngay.

Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, sau khi có ý kiến các đại biểu, Bộ sẽ rà soát cụ thể về chi phí đất đai, giá đất đai…, bởi đây là tài nguyên cho nền kinh tế, cần phát huy cao nhất nguồn lực cho phát triển, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất, nhà đầu tư.

Theo Bộ trưởng, thảo luận về Luật Đất đai, nhiều đại biểu quan tâm phương pháp định giá đất, và đặt câu hỏi tại sao có 4 phương pháp xác định giá đất?

“Luật Đất đai bỏ khung giá đất và sẽ xây dựng bảng giá đất hằng năm. Bảng giá đất quá trình xây dựng đầu tiên sẽ rất khó khăn nhất, dự kiến sẽ xong vào năm 2025 và bảng giá đất đầu tiên này sẽ sát đúng, sau đó giao cho địa phương quản lý, cập nhật sự thay đổi hằng năm trong bảng giá đất”, Bộ trưởng cho biết.

Định giá đất phải sát thị trường, chống tham nhũng, tiêu cực ảnh 2

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Giải thích về lý do dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra 4 phương pháp tính giá đất gồm: phương pháp so sánh trực tiếp, phương pháp chiết trừ, phương pháp thu nhập và phương pháp hệ số điều chỉnh, Bộ trưởng cho rằng, 4 phương pháp này bao trùm tất cả các trường hợp đất đai.

“Chúng ta so sánh trực tiếp sát với thị trường, đầu vào phải sát. Hiện chúng ta có bảng giá đất hằng năm, khi ký hợp đồng giao dịch, quy định hiện nay là căn cứ vào bảng giá đất hằng năm. Nếu có các phương pháp tính giá đất sát thị trường sẽ giảm bớt hiện tượng “2 giá” đất trong giao dịch, Nhà nước thất thu thuế, người bán và người mua hưởng lợi”, Bộ trưởng nêu rõ.

Về định giá đất cụ thể, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, tùy theo từng trường hợp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định thực hiện phương pháp nào, yêu cầu là bảo đảm không có tiêu cực, phòng, chống tham nhũng, sát nhất với thị trường và bảo đảm công bằng.

Về thứ tự ưu tiên trong phương pháp tính giá khi thu hồi đất, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, nhiều đại biểu quan tâm là ưu tiên đấu giá hay đấu thầu nhượng quyền sử dụng đất. “Chúng ta sẽ ưu tiên đấu giá đất để tăng nguồn thu cho ngân sách triệt để”, Bộ trưởng nói.

Nhưng “đấu giá đất phải là đất sạch, Nhà nước đứng ra đấu giá đất theo đúng quy hoạch. Tuy nhiên, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nên giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định đó là những dự án trọng điểm, cần thiết của địa phương”, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Bảo đảm người dân thu hồi đất có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ

Định giá đất phải sát thị trường, chống tham nhũng, tiêu cực ảnh 3

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó Nghị quyết 18 định hướng phải bảo đảm cho người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, trong Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ cố gắng đưa các điều khoản này vào và đặc biệt muốn có cuộc sống bằng hoặc hơn nơi ở cũ ở đây không phải chỉ có điều kiện sống về hạ tầng.

“Cho nên cần điều tra xã hội học, chọn vị trí vừa ở, vừa sản xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa, tính cộng đồng, dân tộc. Như vậy, chính quyền địa phương phải quyết định được nơi tái định cư như thế nào, từ đó sẽ tham khảo, đối thoại với nhân dân để quyết định nơi tái định cư”, Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phải được thực hiện sao cho tốt hơn nơi ở cũ, song bảo đảm được sinh kế của nhân dân mới chính là giải pháp về lâu dài.

“Thí dụ, như những thế hệ trẻ chúng ta tiếp tục đào tạo, hỗ trợ lao động theo mức tuổi lao động. Vấn đề này trong điều khoản luật cũng sẽ cố gắng để cụ thể hóa hơn như ý kiến của các đại biểu đã nêu”, Bộ trưởng nêu rõ.

Liên quan khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp, Bộ trưởng cho rằng phải có một phương châm khuyến khích giải quyết việc tranh chấp từ cơ sở, không để lên cấp cao hơn và đặc biệt càng không để lên cấp Trung ương.

“Cho nên hòa giải và tranh chấp thì chúng ta cố gắng khuyến khích bên tranh chấp tự hòa giải và công dân có quyền lựa chọn Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tòa án. Như vậy chúng ta giải quyết được ở cơ sở thì có thêm cơ quan Nhà nước tham gia hòa giải và đấy chính là tôn trọng quyền tự do của nhân dân”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh phân tích.

Về một số ý kiến khác như thu hồi đất kinh tế, tách dự án giải phóng mặt bằng, hành lang an toàn giao thông, cơ sở dữ liệu đất đai, các hành vi bị cấm…, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu và tổng hợp đầy đủ.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, gắn với Luật Đất đai hiện nay, cơ quan soạn thảo đang dự thảo cơ bản xong nghị định, tiếp theo là thông tư để khi Quốc hội bấm nút thông qua thì nghị định và thông tư cũng sẽ tiến hành ban hành, qua đó có sự đồng bộ để triển khai Luật Đất đai ngay khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực.