Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng vốn là thị trường có những yêu cầu vô cùng nghiêm ngặt về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho nên việc gạo Việt Nam được bày bán tại đây là bằng chứng rõ ràng về giá trị sản phẩm; đồng thời là cơ hội vàng để quảng bá thương hiệu gạo Việt ra toàn cầu.
Nhiều năm qua, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn giữ vị trí hàng đầu thế giới, nhưng hầu hết là xuất khẩu thô, chưa có thương hiệu riêng. Chính vì vậy, việc "Cơm Việt Nam Rice" tiếp cận các chuỗi phân phối nước ngoài, tới tay người tiêu dùng bản địa dưới thương hiệu Việt Nam được coi là một bước tiến mới của ngành hàng sản xuất và xuất khẩu lúa gạo.
Ðây cũng là phương thức phát triển bền vững hoạt động xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản khác và có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác xây dựng "Thương hiệu quốc gia Việt Nam". Trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ tháng 8/2020, thì đây chính là cơ hội để gạo Việt Nam tận dụng hiệu quả lợi thế về thuế quan.
Theo EVFTA, hiện EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm được hưởng thuế quan ưu đãi với thuế suất 0% và con số hạn ngạch này có thể tăng lên trong tương lai nếu gạo Việt Nam đáp ứng tốt các tiêu chuẩn của EU. Hiện nay, EU nhập khẩu khoảng hơn 2 triệu tấn gạo/năm từ các nước bên ngoài EU, cho nên dư địa cho gạo Việt Nam thâm nhập khu vực thị trường này còn rất lớn.
Trước xu hướng tăng xuất khẩu gạo vào các thị trường chất lượng cao, giá cao; xu hướng trồng lúa sạch, trồng lúa theo hướng hữu cơ, trồng lúa thông minh ứng phó biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy nhanh tiến độ triển khai Ðề án sản xuất bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu là xây dựng những vùng nguyên liệu gắn với hệ thống logistics phù hợp và các cơ sở chế biến sâu, tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao.
Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan để doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào quá trình thực hiện nhằm tạo ra chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ gạo hiệu quả, đủ sức thâm nhập vào các thị trường có yêu cầu, đòi hỏi khắt khe bậc nhất thế giới về chất lượng, mẫu mã; từ đó hình thành thương hiệu bền vững cho hạt gạo Việt Nam.
Ðiều này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mà còn có giá trị lớn trong việc tăng thu nhập và lợi nhuận cho người trồng lúa, giúp họ yên tâm sản xuất, vừa phục vụ cho hoạt động xuất khẩu vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.