Liên tục đón tin vui, gạo Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường thế giới

NDO - Liên tục những ngày này, gạo Việt Nam đón tin vui khi được hàng loạt thị trường ưa chuộng lựa chọn nhập khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
Gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua được nhiều thị trường ưa chuộng.
Gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua được nhiều thị trường ưa chuộng.

Gạo Việt được thị trường nước ngoài ưa chuộng

Gạo Ông Cua ST25 tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường thế giới khi ngày 8/9 vừa qua, Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và EUTEK Group đã ký kết phân phối độc quyền gạo Ông Cua ST25 tại thị trường Anh. Đây là minh chứng cho việc khẳng định chất lượng và vị thế gạo Việt Nam trên thương trường thế giới.

Theo ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Phát triển kinh doanh EUTEK Group, sau khi nhập lô hàng gạo Ông Cua ST25 đầu tiên vào thị trường Anh, đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng người châu Á tại "xứ sở sương mù".

Đây là minh chứng cho thấy chất lượng và sự ưa chuộng của thị trường với sản phẩm gạo ngon nhất thế giới. Do đó, sắp tới, chiến lược phát triển của EUTEK Group là tập trung quảng bá để phân phối các sản phẩm gạo và đặc sản từ Việt Nam tại thị trường Anh.

Không chỉ tại Anh mà tại thị trường Pháp, sản phẩm gạo Việt Nam mang thương hiệu “Cơm Vietnam” của Tập đoàn Lộc Trời cũng vừa được quảng bá tại đại siêu thị Carrefour Ormesson và E.Leclerc Viry Chatillon.

Liên tục đón tin vui, gạo Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường thế giới ảnh 1
Gạo Hạt ngọc trời xuất khẩu sang châu Âu đầu năm 2022.

Sau sự kiện, sẽ có khoảng 860 tấn gạo Jasmine sẽ được bán trên toàn hệ thống của E.Leclers cho phân khúc vừa. Trong thời gian tới, E.Leclerc dự kiến sẽ nhập gạo chất lượng cao hơn để phục vụ phân khúc cao trong tuần hàng Việt Nam vào tháng 11 và dịp Tết Nguyên đán.

Việc gạo Việt Nam xuất hiện tại Pháp cho thấy sự nỗ lực của Việt Nam và Pháp trong việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại. Ngoài ra cũng cho thấy gạo Việt Nam đã đáp ứng được tiêu chuẩn ngặt nghèo của châu Âu.

Với gần 800 đại siêu thị và hơn 3.000 siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích trên toàn nước Pháp thuộc hệ thống phân phối Carrefour và E.Leclerc, đây là những bước tiến đầu tiên, mang tính lâu dài và đầy tiềm năng cho gạo Việt Nam khẳng định thương hiệu của mình trên trường thế giới. Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng vốn là những thị trường khó tính với những yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm.

Tại Nhật Bản, ngày 2/9 vừa qua, món cơm chiên tại Văn phòng Nội các Nhật Bản đã được sử dụng nguyên liệu là gạo ST25 của Việt Nam.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho hay, đây là thành quả sau một thời gian dài Công ty Nikkokutrust - một doanh nghiệp lớn chuyên cung cấp suất ăn tại các trường học, cơ quan công sở ở Nhật Bản - đã thành công khi đưa hạt gạo ST25 vào bếp ăn của Nội các Nhật Bản để sử dụng chế biến các món ăn cung cấp cho cán bộ của cơ quan này.

Dù sản lượng chưa nhiều, nhưng đây thực sự là tin vui cho hạt gạo Việt Nam bởi vì để đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe cùng yêu cầu rất cao của người tiêu dùng Nhật Bản.

Do đó, việc xuất khẩu gạo ST25 sang thị trường Nhật Bản là một minh chứng cho thấy Việt Nam không chỉ xuất khẩu gạo nhiều mà còn xuất khẩu gạo ngon, đáp ứng được các tiêu chuẩn rất cao của thị trường Nhật Bản.

Việc gạo Việt Nam liên tục đón tin vui thời gian vừa qua đã góp thêm thành tích cho hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũy kế đến trung tuần tháng 8, xuất khẩu gạo đạt hơn 2,3 tỷ USD, tăng 18,1% về lượng và tăng 8,1% về giá trị so cùng kỳ năm trước.

Liên tục đón tin vui, gạo Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường thế giới ảnh 2

Chất lượng cao, gạo Việt Nam ngày càng định vị tốt trên thị trường.

Đáng chú ý, thời gian vừa qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt 479 USD/tấn, giảm hơn 8,8% so cùng kỳ năm ngoái. Do đó, việc thị trường các thị trường cao cấp như Anh, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản tăng nhập khẩu gạo Việt Nam, giá lúa gạo tại các thị trường này mà tăng, thì chắc chắn giá gạo xuất khẩu của chúng ta có nhiều thuận lợi.

Khi đó, xuất khẩu gạo không những đạt được những thành tích mà ngành lúa gạo cũng cần nhiều giải pháp để nâng cao sản lượng, chất lượng, xây dựng thương hiệu.

Tỏa sáng thương hiệu gạo Việt

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, đến thời điểm này, ngành trồng trọt và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn bảo đảm được kế hoạch sản xuất, gieo trồng khoảng 7,24 triệu ha, với sản lượng hơn 43 triệu tấn thóc.

Do đó, nếu không có bất thường thời tiết, dịch bệnh, chúng ta hoàn toàn có đủ sản lượng thóc để bảo đảm xuất khẩu gạo từ 6,5 triệu đến 6,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,2 đến 3,3 tỷ USD.

Đáng chú ý, việc các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như FTA Anh-Việt Nam (UKVFTA), EVFTA, CPTPP có hiệu lực sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại nhanh chóng giữa Việt Nam các thị trường nói chung và thương mại gạo nói riêng.

Gạo Việt Nam khi được chấp nhận vào các thị trường khó tính, cộng thêm các chính sách giảm thuế từ các chương trình sẽ giúp hạt gạo Việt Nam đầy cơ hội ở thị trường các quốc gia này.

Ông Hồ Quang Cua, "cha đẻ" của thương hiệu gạo ST25 cho biết, trước đơn hàng với Vương quốc Anh, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cũng đã xuất khẩu 2 container gạo Ông Cua ST25 vào Australia và nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.

"Hiện, một số nước cũng đang đặt vấn đề mua gạo ST25. Tôi đang cân nhắc về sản lượng trước khi ký hợp tác", ông Hồ Quang Cua cho hay.

Chất lượng gạo ST25 đã được công nhận trên thị trường quốc tế khi xuất sắc đạt danh hiệu "Gạo ngon nhất thế giới 2019" tại Philippines và giải nhì tại cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới 2020" được tổ chức tại Mỹ.

Hiện nay, gạo cũng là mặt hàng mũi nhọn được triển khai trong Chương trình thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài của Bộ Công thương. Do đó, trong thời gian tới, có thể kỳ vọng gạo mang thương hiệu Việt Nam sẽ có mặt ở nhiều thị trường lớn hơn nữa.