Cơ quan Vận tải London (TfL) cho biết toàn bộ các tuyến tàu điện đều phải tạm dừng hoạt động một phần hoặc toàn bộ, trong khi nhiều tuyến xe buýt tại phía Tây thành phố bị gián đoạn.
Ước tính hàng chục nghìn nhân viên của mạng lưới đường sắt quốc gia đã đình công trong ngày 18/8 và sẽ tiếp tục đình công vào ngày 21/8.
Trong năm nay, người dân nước Anh đã nhiều lần đối mặt với tình trạng gián đoạn dịch vụ đường sắt do công đoàn tổ chức đình công nhằm yêu cầu cải thiện mức lương và điều kiện làm việc trong bối cảnh chi phí sinh hoạt leo thang vì ảnh hưởng từ lạm phát.
Các số liệu cho thấy lạm phát trong tháng 7 đã lên mức 10,1%, mức cao nhất kể từ tháng 2/1982. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã khiến giá năng lượng tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình và góp phần đẩy giá lương thực tăng vọt. Điều này dẫn đến căng thẳng giữa các doanh nghiệp, nghiệp đoàn và chính phủ.
Trong khi phía doanh nghiệp khẳng định việc chi phí gia tăng và nhu cầu đi xuống khiến họ khó có thể nhượng bộ, thì nghiệp đoàn cho rằng mức lương hiện nay là không phù hợp với người lao động, còn chính phủ lại lo ngại rằng việc tăng lương mạnh sẽ khiến lạm phát tăng thêm.
Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps cho biết chính phủ không muốn nền kinh tế rơi vào vòng xoáy lạm phát như hồi những năm 1970, khi việc tăng lương khiến lạm phát tăng theo.
Về phần mình, Liên đoàn Công nhân Hàng hải Đường sắt và Vận tải Anh (RMT) cho biết cuộc đình công này nhằm phản đối việc thiếu cơ chế đảm bảo việc làm và trợ cấp lương hưu từ TfL. Trong bối cảnh số lượng hành khách giảm đi hậu đại dịch Covid-19, chính TfL cũng đang đàm phán với chính phủ sau khi thỏa thuận trợ cấp khẩn cấp của nhà nước hết hiệu lực.
Không chỉ riêng trong ngành giao thông, người lao động trong các lĩnh vực khác của Anh cũng lên kế hoạch đình công như nhân viên tại các cảng, luật sư, giáo viên, y tá, nhân viên cứu hỏa, vệ sinh, nhân viên sân bay và bưu điện.