Xu hướng chuyển dịch xanh là tất yếu
Phát biểu tại diễn đàn, PGS, TS. Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, chia sẻ: “Với tinh thần khoa học và trách nhiệm, tôi mong rằng, các bài nghiên cứu, các tham luận về chuyển dịch xanh bao trùm từ các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, địa phương, doanh nghiệp sẽ cùng đóng góp tiếng nói chia sẻ quan điểm, kiến thức và đề xuất những biện pháp mới, có tính đột phá và thúc đẩy cao, đưa quá trình chuyển dịch xanh bao trùm Việt Nam vững vàng vượt qua mọi thách thức, giúp Việt Nam sớm đạt được mục tiêu về Phát triển bền vững như cam kết tại Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc”.
Các chuyên gia có những nhận định chung, phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia đều hướng tới. Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu phát triển không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, mà còn phải bảo đảm không gây tổn hại đến nhu cầu của các thế hệ tương lai.
Trên cơ sở đó, mục tiêu về phát triển bền vững đã được Liên hợp quốc xây dựng, nhằm kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa vấn đề tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Năm 2015, tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc, 193 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững…
Tại Việt Nam, chuyển dịch xanh nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, được hỗ trợ bởi khung khổ pháp lý, dẫn dắt bởi chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia.
Đồng thời, xác định tăng trưởng xanh là chìa khóa của phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.Chiến lược này đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển xanh, bền vững.
Để cụ thể hóa chiến lược về tăng trưởng xanh, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Trong đó, Việt Nam xác định rõ mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển dịch trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực sớm tiếp cận với các mô hình tăng trưởng xanh. Qua hơn 10 năm triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh kể từ năm 2012, có thể thấy rằng, nhận thức của người dân, của cộng đồng và toàn xã hội về ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được cải thiện rõ rệt thông qua các bước thay đổi hành vi sản xuất và kinh doanh bền vững, xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình kinh doanh tuần hoàn, an toàn, văn minh và thân thiện với môi trường.
Trong đó, Đại sứ Australia tại Việt Nam - Andrew Goledzinowski chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia Australia về chuyển dịch xanh, ông cho rằng Australia đã chuyển dịch chậm 10 năm, "đó là quãng thời gian Australia không bao giờ có thể lấy lại", Việt Nam nên rút kinh nghiệm từ bài học của chúng tôi.
Ông Goledzinowski nhận định, chuyển dịch năng lượng ảnh hướng nhiều ngành nghề, các lĩnh vực, do đó những nhà hoạch định cần lắng nghe các chuyên gia, ý kiến của cộng đồng, từ đó giành niềm tin của xã hội và phát triển theo hướng thích hợp với từng quốc gia.
Về phần mình, TS Vũ Tiến Lộc - nguyên Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, động lực chính của các quá trình chuyển đổi kinh tế là khu vực tư nhân, trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ là "xương sống" của nền kinh tế. Thế nhưng, nhận thức và khả năng thực thi của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuyển đổi xanh còn là vấn đề nan giải.
Toàn cảnh buổi diễn đàn. |
Bài toán của chuyển dịch xanh
Theo nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách, như rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam cũng đang gặp phải bài toán nan giải về tính bao trùm của chuyển dịch xanh. Trong đó, tính bao trùm của chuyển dịch xanh ở cấp độ địa phương, doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.
Tính bao trùm ở cấp độ địa phương: Tính đến năm 2021, GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân đầu người của các vùng kinh tế trong cả nước có sự phát triển không đồng đều.
Cụ thể, GRDP bình quân đầu người của khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng ở ngưỡng cao, lần lượt đạt 142,23 triệu đồng và 110,43 triệu đồng; trong khi khu vực Tây Nguyên chỉ đạt 53,09 triệu đồng và Trung du và miền núi phía bắc chỉ đạt 56,13 triệu đồng.
Kéo theo đó, năng suất lao động cũng có sự phân cực mạnh giữa các địa phương khi một số tỉnh thành có năng suất lao động ở mức rất cao, như: Bà Rịa-Vũng Tàu (561,2 triệu đồng/người), TP Hồ Chí Minh (305,5 triệu đồng/người), Quảng Ninh (350,03 triệu đồng/người), trong khi một số tỉnh, thành có năng suất lao động ở mức rất thấp, như: Điện Biên (73,88 triệu đồng/người), Bến Tre (75 triệu đồng/người).
Đặc biệt, theo báo cáo về Chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI) 2022, kết quả trung bình của 63 tỉnh/thành trên cả nước năm 2022 đạt 52,53, tăng 1,15 điểm so với năm 2021. Tuy nhiên, sự chênh lệch về phát triển giữa các địa phương còn lớn. Nếu như những tỉnh dẫn đầu có kết quả vượt trội, Quảng Ninh (với 66,46 điểm), Hải Phòng (65,50 điểm) và vị trí thứ ba thuộc về Đà Nẵng (65,00 điểm), thì ở phía cuối bảng xếp hạng, nhóm các địa phương, như: Điện Biên, Gia Lai, Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông và Lai Châu có mức điểm thấp dưới 40.
Điều này cho thấy, các địa phương cần tiếp tục tích cực, nỗ lực nhiều hơn nữa trong tiến trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.
Tính bao trùm ở cấp độ doanh nghiệp: Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021, số lượng doanh nghiệp và lao động làm việc trong khu vực ngoài nhà nước và FDI tăng nhanh, trong khi khu vực nhà nước giảm rõ rệt. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có khả năng đạt được cam kết phát thải bằng 0 nhanh hơn khối các doanh nghiệp trong nước.
Các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh do hạn chế về có kinh nghiệm, vốn, và công nghệ. Do vậy, còn nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa “bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững.
Tính bao trùm ở cấp độ người dân: Tỷ lệ lao động đang làm việc hàng năm trên tổng dân số của Việt Nam giảm từ 57,3% năm 2011 xuống còn 49,82% năm 2021. Tương ứng với đó, tỷ lệ lao động thất nghiệp trong độ tuổi lao động có xu hướng gia tăng, từ 2,22% năm 2011 lên 2,48% năm 2020 và đạt đỉnh 3,2% năm 2021.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Viện Công nhân và Công đoàn, cuối năm 2016, Việt Nam có khoảng khoảng 13 triệu người thuộc nhóm lao động yếu thế. Trong đó, 4,2 triệu lao động là người khuyết tật, 6,5 triệu lao động nghèo, 1 triệu lao động di cư, 180.000 lao động nhiễm HIV, 190.000 lao động nghiện ma túy.
Sau đại dịch Covid-19, số lao động yếu thế có xu hướng tăng với minh chứng là tỷ lệ lao động thất nghiệp có xu hướng tăng lên. Một số mất việc do doanh nghiệp, cơ sở kinh tế bị thu hẹp hoạt động; một số sức khỏe bị ảnh hưởng nên không thể tiếp tục công việc đã từng làm, giờ thất nghiệp hoặc phải làm việc trái tay; một số từng về quê tránh dịch nay phải đến nhiều khu vực khác nhau để tìm việc trong bối cảnh việc làm ngày càng khó tìm; một số lao động tự do phải nghỉ việc giờ muốn quay trở lại làm việc cũng đang gặp khó khăn.
Theo GS, TS Giang Thanh Long, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Trong các xu hướng lớn trên toàn cầu và ở Việt Nam (gồm có xanh hóa; số hóa; đô thị hóa; trung lưu hóa và già hóa dân số), luôn có những nhóm dân số yếu thế, có nguy cơ bị gạt ra ngoài lề và phải đối mặt với nhiều rủi ro. Do đó, dù nền kinh tế có đi theo hướng nào, thì việc bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là an sinh thu nhập, phải là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng và phát triển bao trùm. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đưa ra những định hướng quan trọng cho lĩnh vực này.
Việt Nam là một trong những nước có tốc độ dân số già hóa nhanh nếu xét theo vị thế của một nước có thu nhập trung bình. Nguy cơ “già trước khi giàu” là hiện hữu nếu như thu nhập không được cải thiện nhanh chóng. Dù tăng trưởng và phát triển theo xu hướng lớn trên toàn cầu nào đi nữa, thì an sinh xã hội vẫn luôn là trụ cột quan trọng, hướng tới bảo vệ những nhóm dân số dễ tổn thương nhất, dễ bị gạt ra ngoài lề nhất trong các xu hướng đó.