Điện Biên thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp sở, huyện, xã, phường

NDO -

Chiều 25/5, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô đề nghị, trong năm 2022, các cấp, các ngành trong tỉnh phải tập trung xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp sở, huyện, xã, phường tiến tới nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn tỉnh.

Công an phường Thanh Bình (TP Điện Biên Phủ) hướng dẫn nhân dân trên địa bàn sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Công an phường Thanh Bình (TP Điện Biên Phủ) hướng dẫn nhân dân trên địa bàn sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Điện Biên, đến nay, 100% cơ quan, đơn vị các cấp trên địa bàn triển khai ứng dụng chữ ký số; tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt hơn 95%. Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên mức độ 4 và tiếp nhận 133.370 hồ sơ; xử lý hồ sơ đúng hạn, sớm hạn đạt hơn 96,63%. Số hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt gần 25%, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100%.

Mục tiêu năm 2022 có 50% hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến và đến 2025, số hồ sơ giải quyết trực tuyến chiếm 80%. Khẩn trương thực hiện số hóa hồ sơ và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp tỉnh từ ngày 1/6/2022, cấp huyện từ ngày 1/12/2022, cấp xã từ ngày 1/6/2023.

Tuy đã có những kết quả ban đầu, Hội nghị cũng đánh giá chuyển đổi số tại Điện Biên còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể như: việc ứng dụng công nghệ thông tin còn rời rạc, cơ sở dữ liệu còn phân tán, chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung, dẫn tới việc kết nối, chia sẻ và khai thác được cơ sở dữ liệu liên ngành còn hạn chế; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến còn thấp; điều kiện hạ tầng, thiết bị còn rất khó khăn, đặc biệt ở vùng cao, vùng sâu, biên giới; năng lực bảo đảm an toàn, an ninh mạng còn yếu. Thực trạng thiếu đội ngũ chuyên gia, kỹ sư chuyển đổi số ở các sở, ngành, địa phương cũng ảnh hưởng rất nhiều đến triển khai

Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số cần lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số.

Với mục tiêu thực hiện chuyển đổi số toàn dân, tỉnh Điện Biên sẽ nghiên cứu việc thành lập các Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại 100% các xã, phường, thị trấn để làm lực lượng nòng cốt triển khai chuyển đổi số ở cấp cơ sở. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, huy động các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phổ biến, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, các cấp, các ngành phải tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số, bao gồm: tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; tiếp cận thông tin về quy hoạch, đầu tư, đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh; tham gia sàn thương mại điện tử…