Ưu tiên giải pháp “phòng hơn chữa”
Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên trang thông tin của Chi cục Kiểm lâm tỉnh và bám sát chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện Ðiện Biên Ðông về phòng, chống cháy rừng, gần hai tháng qua, các thành viên Tổ bảo vệ rừng của tổ dân phố 2, thị trấn Ðiện Biên Ðông, huyện Ðiện Biên Ðông làm việc hầu như không có ngày nghỉ.
Ông Cháng A Vàng, Tổ trưởng tổ dân phố 2 - thành viên tổ tuần tra bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, cho biết: Tổ dân phố 2 được giao quản lý, bảo vệ hơn 157 ha rừng song số thành viên thuộc tổ bảo vệ rừng chỉ có tám người.
Hiện tại là thời kỳ cao điểm mùa làm nương, lấy mật cho nên nguy cơ cháy rừng tăng rất nhiều, nhất là vùng trọng điểm ở khu vực giáp ranh với xã Keo Lôm. Ðể bảo đảm rừng được bảo vệ an toàn, Tổ bảo vệ rừng của ông Vàng đã lập kế hoạch và phân công theo từng nhóm luân phiên đi tuần tra rừng.
Nhóm trưởng do thành viên Tổ bảo vệ rừng đảm nhiệm, còn thành viên thì có cả đại diện các gia đình. Mỗi ngày đều có một nhóm đi tuần tra kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm nương đúng quy định. “Không riêng thành viên tổ bảo vệ rừng mà mỗi người dân ở địa bàn đều nắm rõ quy định đốt nương nên thực hiện vào cuối giờ chiều.
Trước khi đốt phải làm đường băng cản lửa cách bìa rừng từ 4-5 m; phải đốt từ trên xuống, khi lửa cháy được khoảng 30% diện tích nương thì tiếp tục đốt từ dưới lên. Ðặc biệt, người dân phải chờ cho lửa cháy hết mới được rời khỏi nương” - ông Vàng cho biết thêm.
Cũng chung tinh thần cảnh giác cao độ phòng, chống cháy rừng như các thành viên Tổ bảo vệ rừng ở tổ dân phố 2, thị trấn Ðiện Biên Ðông, suốt nhiều tháng qua, người dân trong bản Huổi Lóng, xã Na Sang, huyện Mường Chà đã “bật chế độ ăn rừng, ngủ rừng” để giữ vững ngôi vị “bản duy nhất trong xã không xảy ra cháy suốt 10 năm”.
Giải thích nghĩa của chế độ “ăn rừng, ngủ rừng”, ông Vừ A Lọi, Trưởng bản Huổi Lóng vui vẻ cho biết, đó là cách nói ngắn gọn mà dân bản Huổi Lóng đều hiểu phải tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng trước mỗi mùa làm nương. Giải thích cặn kẽ hơn, ông Lọi bảo rằng, cả bản có gần 90 gia đình sống ở rừng và sống dựa vào rừng để có ngô, có lúa bởi vậy mà việc phát cây, đốt cỏ trên nương là việc phải làm trước mỗi mùa gieo hạt.
Thế nhưng, nhờ tuân thủ đúng kỹ thuật phát đường băng cản lửa và thực hiện nghiêm quy định “đốt lửa tránh ngày nắng gió” nên đã 10 năm liền, bản Huổi Lóng không xảy ra cháy rừng. Ðặc biệt vào mùa làm nương, các gia đình trong bản đều “ăn và ngủ tại rừng” để tiện làm nương và trông rừng; phòng nguy cơ rừng bị cháy lan tại các khu vực giáp ranh thì sẵn sàng nhân lực ứng cứu.
Nhờ sự chủ động, ý thức tích cực của mỗi người dân nên dù là bản có 100% số gia đình là dân tộc H’Mông nhưng 10 năm qua, hơn 910 ha rừng của Huổi Lóng luôn được bảo vệ và phát triển tốt.
Tại bản Hồng Lệnh, xã Thanh Nưa, huyện Ðiện Biên, ngay khi nhận thông báo rừng của bản nằm trong khu vực có nguy cơ cháy cấp cực kỳ nguy hiểm thì thành viên Tổ bảo vệ rừng ở Hồng Lệnh đã chủ động rà soát toàn bộ dụng cụ chữa cháy chung; đồng thời mỗi gia đình trong bản tự trang bị thêm dụng cụ phòng cháy bảo đảm sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có tiếng kẻng báo cháy.
Ông Lò Văn Xuân, Tổ trưởng Tổ quản lý bảo vệ rừng bản Hồng Lệnh, cho biết: Theo thông báo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, khu vực rừng của bản Hồng Lệnh quản lý nằm trong diện cảnh báo cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm, do vậy cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng cháy đến nhân dân thì chúng tôi rất coi trọng rèn luyện kỹ năng xử lý sự cố do cháy rừng theo đúng phương châm “bốn tại chỗ”. Và yêu cầu mỗi người dân trong bản đều phải thuộc lòng phương châm này để sẵn sàng tinh thần cứu rừng như cứu người!
Xử lý nghiêm các hành vi sử dụng lửa không đúng quy định
Ðánh giá cao sự chủ động, tinh thần tích cực của các tổ bảo vệ rừng ở Ðiện Biên Ðông, huyện Ðiện Biên, huyện Mường Chà,… ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Ðiện Biên, cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 1.231 tổ, đội phòng cháy, chữa cháy rừng cấp thôn, bản với gần 12.800 thành viên luôn thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng và luôn sẵn sàng ứng cứu, chữa cháy bảo vệ rừng.
Trong thời gian cao điểm bảo vệ rừng (thường bắt đầu từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 4 hằng năm) là mùa khô trùng với thời gian người dân sản xuất trên nương, chuẩn bị đất gieo vụ mới thì các tổ bảo vệ rừng đều phải thường xuyên đi tuần tra, bảo vệ.
Hơn ai hết, gần với người dân nhất, chính thành viên tổ bảo vệ rừng là những người hiểu rõ tập quán, thói quen và chu kỳ sản xuất của người dân địa phương, bởi vậy công tác tuần tra, bảo vệ rừng của các tổ bảo vệ có vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý, bảo vệ rừng; đặc biệt trong mùa cao điểm.
Bởi vậy, ngoài các biện pháp mà tổ bảo vệ rừng đã được giao theo quy định thì trong thời gian cao điểm phòng, chống cháy rừng hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ðiện Biên còn đề nghị tổ bảo vệ rừng thôn, bản và chủ rừng căn cứ điều kiện, khí hậu thời tiết thực tế có thể lập chốt kiểm soát người ra-vào rừng ở khu rừng có nguy cơ cháy cao để bảo đảm rừng được bảo vệ an toàn, tốt nhất. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi thực hiện không đúng quy định về sử dụng lửa khi đốt nương, đốt thực bì gây hại đến rừng.
Thông tin thêm về nguy cơ cháy rừng tại địa bàn, ông Hồng nói rằng, ngành chức năng và các địa phương đã dốc toàn lực để chủ động, sẵn sàng các phương án bảo vệ rừng, thế nhưng với hơn 426 nghìn ha rừng hiện có trải đều khắp 10 huyện, thị xã, thành phố thì công tác bảo vệ, phòng, chống cháy cực kỳ gian nan.
Ông Hồng phân tích: Toàn bộ diện tích rừng ở Ðiện Biên được chia thành ba tiểu vùng, gồm: Tiểu vùng thung lũng Ðiện Biên có ba huyện, thành phố (Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông và thành phố Ðiện Biên Phủ); tiểu vùng khu vực Tuần Giáo có ba huyện (Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Ảng); tiểu vùng khu vực Mường Lay có ba huyện, thị xã (Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà và thị xã Mường Lay), thì hiện cả ba tiểu vùng đều được dự báo nguy cơ cháy cấp cực kỳ nguy hiểm. Với thực trạng đã nhiều ngày không mưa lại nắng nóng kéo dài trong mùa làm nương của đồng bào các dân tộc thiểu số càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng cháy rừng.
Ðể bảo vệ rừng trước nguy cơ cháy, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ðiện Biên đã yêu cầu các hạt, đội kiểm lâm và các chủ rừng trên địa bàn triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo Công điện số 1356/CÐ-UBND ngày 5/4/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh; kiểm soát chặt chẽ việc đốt dọn thực bì, đốt nương và các hoạt động có nguy cơ phát sinh cháy trong rừng.
Riêng với ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng cấp xã và các tổ, đội bảo vệ rừng thôn, bản thì Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu bố trí lịch trực 24/24 giờ; đồng thời sẵn sàng phương tiện, lực lượng ứng phó kịp thời khi cháy xảy ra.
Với mong muốn bảo vệ rừng an toàn trước nguy cơ cháy luôn rình rập, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ðiện Biên cũng kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng, bảo đảm an toàn cho rừng và tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.