Công nhân Công ty Cổ phần cấp nước Điện Biên thi công đường ống dẫn nước phục vụ người dân huyện Mường Chà.
Công nhân Công ty Cổ phần cấp nước Điện Biên thi công đường ống dẫn nước phục vụ người dân huyện Mường Chà.

Điện Biên nỗ lực đưa nước sạch về vùng cao

Điện Biên - nơi thượng nguồn của nhiều con sông nhưng còn nhiều bản, xã ở các huyện vùng cao, như: Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Nhé… thiếu trầm trọng nước sinh hoạt. Song mấy năm gần đây, các cấp các ngành và các huyện trong tỉnh đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư các công trình, dự án đưa nước sạch về vùng cao. Nhờ vậy, toàn tỉnh Điện Biên hiện đã có 62/115 xã đạt tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt vệ sinh.

Căn cơ, dành nguồn lắp thêm đường dẫn nước

Là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh Điện Biên thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh nước sạch sinh hoạt, hiện Công ty Cổ phần cấp nước Điện Biên quản lý, vận hành 12 công trình. Trong đó, có 9 nhà máy nước đặt tại thành phố Điện Biên Phủ và các huyện, thị xã. Riêng huyện Điện Biên không có nhà máy nước vì nhà máy nước thành phố bảo đảm công suất cấp cho cả khu vực thành phố và trung tâm huyện Điện Biên.

Ngoài 9 nhà máy, từ năm 2021 Công ty được giao quản lý thêm 3 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tại các xã: Noong Luống, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Luông.

Điện Biên nỗ lực đưa nước sạch về vùng cao ảnh 1

Mỗi lần dẫn thêm đường nước về, hàng chục công nhân phải vận chuyển máy móc vào rừng phục vụ thi công...

Để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, Công ty Cổ phần cấp nước Điện Biên luôn quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình trọng điểm, cần thiết; khẩn trương khắc phục các sự cố bung, bục nước.

Trong 4 năm (2019, 2020, 2021 và 2022), Ban đã hoàn thành 22 dự án cấp nước cho cộng đồng dân cư ở các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Nậm Pồ, Tuần Giáo…

Ông Nguyễn Lệ Quế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, cho biết: Năm 2021 hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty khó khăn hơn các năm do ảnh hưởng dịch Covid-19, song Ban Giám đốc Công ty vẫn quyết định cân đối, dành nguồn đầu tư nâng cấp cải tạo và lắp đặt thêm đường ống cấp nước mạng cấp II, cấp III đưa nước phục vụ nhân dân bản Na Lanh (phường Thanh Trường); lắp đặt bơm tăng áp cấp nước cho nhân dân các xã: Sam Mứn, Pom Lót, Thanh Hưng, Thanh Luông và khu vực trung tâm huyện lỵ Điện Biên (huyện Điện Biên). Tại nhà máy nước trên địa bàn các huyện biên giới, vùng cao: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa, thị xã Mường Lay… Công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống giám sát chất lượng nước đầu vào, đầu ra bảo đảm chất lượng nước an toàn cho nhân dân.

Cũng là đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên giao thực hiện các công trình xây dựng cấp nước sinh hoạt cho nhân dân các huyện vùng sâu, vùng xa trong tỉnh Điện Biên, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), những năm qua, Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp tỉnh Điện Biên luôn nỗ lực từ khâu khảo sát, tham vấn ý kiến người dân, chính quyền địa phương để sao cho mỗi công trình được xây dựng đều đáp ứng nguyện vọng, phục vụ tốt nhất cộng đồng.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp tỉnh Điện Biên cho biết: Trong 4 năm (2019, 2020, 2021 và 2022), Ban đã hoàn thành 22 dự án cấp nước cho cộng đồng dân cư ở các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Nậm Pồ, Tuần Giáo…

Dù địa bàn triển khai các dự án hết sức khó khăn, xa trung tâm huyện, song với mong muốn đem nguồn nước hợp vệ sinh đến với bà con các dân tộc thiểu số, giúp bà con vơi bớt khó khăn do thiếu nước trong sản xuất, đời sống, Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp tỉnh Điện Biên đã tính toán hết sức căn cơ, sao cho mỗi công trình hoàn thành đều đem lại hiệu quả nhất, phát huy tối đa công suất phục vụ người dân. Do đó, mỗi công trình do Ban thực hiện đều đạt công suất, hiệu quả tối đa.

Thay cho mục tiêu bảo đảm cấp nước cho 12 nghìn đầu mối với khoảng 54 nghìn người sử dụng thì 22 công trình khi hoàn thành đã cấp nước cho gần 20 nghìn đầu mối với gần 100 nghìn người thụ hưởng. So với kế hoạch giao thì kết quả cụ thể đạt 130%!.

Nguyễn Hữu Hiệp - Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp tỉnh Điện Biên

Địa phương chủ động lồng ghép vốn từ các chương trình

Đánh giá kết quả đầu tư, xây dựng các công trình cấp nước sạch, nước sinh hoạt đạt chuẩn trên địa bàn, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, cho rằng: Với điều kiện đặc thù là tỉnh miền núi khó khăn, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số lại sống phân tán, tập trung chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, địa hình đồi núi chia cắt, phức tạp... cho nên mục tiêu đưa nước sinh hoạt về vùng sâu, vùng xa phục vụ nhân dân luôn được cấp ủy, chính quyền và các ngành đặc biệt quan tâm. Từng bước hoàn thành mục tiêu cấp nước sinh hoạt về các địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp tỉnh, Công ty Cổ phần cấp nước Điện Biên và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải thường xuyên rà soát nhu cầu, cân đối nguồn ưu tiên kinh phí đầu tư xây mới, sửa chữa các công trình cấp nước cho nhân dân.

Đến nay toàn tỉnh Điện Biên đã có gần 1.100 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, bảo đảm cấp nước sạch cho 99,6% dân số khu vực thành thị và cấp nước hợp vệ sinh cho 84,92% dân số khu vực nông thôn; toàn tỉnh có 62/115 xã đạt tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt vệ sinh. So với năm 2015 tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đã tăng 9,59% (năm 2015 đạt mới đạt 75,33%).

Cùng với đó, các ngành và các địa phương phải chủ động lồng ghép nguồn từ các chương trình, dự án khác đầu tư xây dựng thêm công trình cấp nước sinh hoạt, nước sạch đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; coi đây là điều kiện cơ bản trong thực hiện tiêu chí nước sinh hoạt thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới.

Dưới sự chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán trong sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, đến nay toàn tỉnh Điện Biên đã có gần 1.100 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, bảo đảm cấp nước sạch cho 99,6% dân số khu vực thành thị và cấp nước hợp vệ sinh cho 84,92% dân số khu vực nông thôn; toàn tỉnh có 62/115 xã đạt tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt vệ sinh. So với năm 2015 tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đã tăng 9,59% (năm 2015 đạt mới đạt 75,33%).

Với các hộ dân khu vực nông thôn sử dụng hệ thống cấp nước quy mô hộ gia đình thì thường xuyên được cán bộ chuyên trách ngành chức năng tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng nước đúng cách, bảo đảm sức khỏe, hiệu quả sản xuất.

Điện Biên nỗ lực đưa nước sạch về vùng cao ảnh 2

Công nhân nhà máy nước thành phố Điện Biên Phủ hướng dẫn người dân xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên theo dõi, quản lý đồng hồ nước.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 100% dân số khu vực thành thị được sử dụng nước sạch sinh hoạt và 85% dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tiếp tục chỉ đạo các ngành, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố phải cụ thể mục tiêu cấp nước thành tiêu chí trong nghị quyết Đảng bộ từng cấp, từng ngành.

Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh giao ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Điện Biên, ủy ban nhân dân 10 huyện, thị xã, thành phố phải tiếp tục coi trọng mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng để đến năm 2025 tỷ lệ che phủ của Điện Biên đạt 45,5%. Bởi giữ rừng cũng đồng thời là mục tiêu bảo vệ môi trường sống, giữ môi trường sống trong lành và giữ nước nguồn bảo đảm cấp nước hiệu quả các công trình đã, đang được đầu tư.

back to top