Tháo gỡ khó khăn trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm cao-su tại khu vực miền núi phía bắc

NDO - Kịp thời tháo gỡ khó khăn trong chế biến, quản lý nguồn nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cao-su tại khu vực miền núi phía bắc, ngày 20/12, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam tổ chức hội thảo đánh giá toàn diện thực trạng sản xuất nguyên liệu, chế biến sản phẩm mủ cao-su của 9 công ty đóng chân trên địa bàn 6 tỉnh trong khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện lãnh đạo các công ty cổ phần cao-su khu vực miền núi phía bắc dự hội thảo.
Đại diện lãnh đạo các công ty cổ phần cao-su khu vực miền núi phía bắc dự hội thảo.

Ông Trương Minh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam cho biết, khu vực miền núi phía bắc hiện có 9 công ty nằm trên địa bàn các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái có hoạt động trồng, khai thác, chế biến mủ cao-su. Trong đó, tại tỉnh Điện Biên có hai công ty; tỉnh Lai Châu có 3 công ty; các tỉnh: Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái đều có 1 công ty.

Dù gặp rất nhiều khó khăn do tình hình thời tiết diễn biến bất lợi, thời gian khai thác trong năm ngắn hơn các nơi khác, nhưng các công ty trong khu vực miền núi phía bắc đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất khai thác, do vậy, sản lượng mủ nguyên liệu trong năm 2023 đạt 21 nghìn tấn (đạt 95% kế hoạch Tập đoàn giao).

Tuy nhiên sản lượng mủ chế biến tại các nhà máy trong cụm mới đạt 56,51% tổng sản lượng mủ của khu vực. Khối lượng mủ các công ty phải gửi đi chế biến ở khu vực khác chiếm 29,58% tổng sản lượng mủ của khu vực; bán mủ nguyên liệu chiếm 13,91%.

Thực tế này không chỉ khiến các công ty gặp khó khăn trong quản lý gia công, tăng chi phí vận chuyển, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh, mà việc một số đơn vị phải bán mủ nguyên liệu đã làm giảm sản lượng mủ chế biến, không tối đa hóa lợi nhuận chung của Tập đoàn.

Để nâng cao giá trị sản phẩm đầu ra, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đại diện lãnh đạo 9 công ty cổ phần cao-su khu vực miền núi phía bắc đều cho rằng, cần coi trọng thực hiện giải pháp tăng cường quản lý chất lượng mủ nguyên liệu đi gia công; tại nhà máy sản xuất cần coi trọng quản lý, bảo trì, thay thế máy móc đúng quy định; theo dõi, phân công lao động hợp lý; kiểm soát, phân loại chất lượng nguyên liệu đầu vào chặt chẽ, có sự giám sát của ba bên…

Tháo gỡ khó khăn trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm cao-su tại khu vực miền núi phía bắc ảnh 1

Công nhân cao-su Điện Biên cạo mủ tại vườn cây Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, kinh nghiệm thiết thực từ thực tiễn của lãnh đạo các công ty, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam đề nghị các công ty cần bám sát kế hoạch sản xuất nguyên liệu, kế hoạch chế biến, kế hoạch phát triển sản phẩm mới được Tập đoàn phê duyệt để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, chế biến của đơn vị.

Quá trình thực hiện cần thường xuyên cập nhật thông tin sản xuất của ngành cao-su trong nước, khu vực, thế giới để có giải pháp tham mưu, đề xuất phù hợp thực tiễn.

Để hạn chế việc các công ty phải đem nguyên liệu đi gia công tại các nhà máy ngoài khu vực làm tăng chi phí sản xuất, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam đề nghị Công ty Cổ phần Cao-su Điện Biên đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy chế biến tại Điện Biên, bảo đảm công suất chế biến hết sản lượng mủ của Công ty cổ phần cao-su Điện Biên và Công ty Cổ phần cao-su Mường Nhé.

Đồng thời, Tập đoàn đề nghị các đơn vị thuộc Tập đoàn hỗ trợ Công ty Cổ phần cao-su Điện Biên trong đào tạo công nhân, kỹ thuật để sẵn sàng vận hành chế biến khi nhà máy hoàn thành đi vào hoạt động.

Trong suốt quá trình thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất kinh doanh phải luôn coi trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho người lao động là con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở Điện Biên và các tỉnh trong khu vực; từ đó xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa công ty, tập đoàn với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương.