Tuy vậy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Điện Biên vẫn yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố và mỗi người dân cần nêu cao cảnh giác, chủ động thích ứng diễn biến mới để bảo vệ sức khỏe bản thân, cộng đồng…
Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Điện Biên, trong gần một tháng (từ ngày 1-28/11) Điện Biên đã ghi nhận 393 người mắc Covid-19, chủ yếu tại 3 ổ dịch thuộc huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ và huyện Mường Nhé. Đáng lo ngại là 2 ổ dịch được phát hiện ở huyện Điện Biên (xã Na Tông, xã Mường Nhà) và ổ dịch ở huyện Mường Nhé đều thuộc địa bàn các xã biên giới, xa xôi, hẻo lánh; nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế và điều kiện chống dịch của người dân, chính quyền sở tại hết sức khó khăn.
Vì thế, ngay khi phát hiện các ca mắc mới tại 2 ổ dịch này, chính quyền hai huyện Điện Biên và Mường Nhé đã lập tức kích hoạt Trung tâm Chỉ huy từ huyện đến xã địa bàn có dịch; đồng thời huy động tối đa nhân lực, vật chất, phương tiện cho công tác khoanh vùng, dập dịch.
Tại huyện Điện Biên, ngoài Trung tâm Chỉ huy tại UBND huyện do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện còn thành lập thêm một Trung tâm Chỉ huy đặt tại tâm dịch ở Mường Nhà, do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bùi Xuân Trường làm Chỉ huy trưởng. Tâm dịch Mường Nhà, Na Tông những ngày đầu tháng 11 như “nóng” hơn chảo lửa, bởi số ca F0 tăng nhanh cùng lúc ở nhiều bản, trong khi đường về bản lại gian nan, cách trở.
Huy động tối đa nhân lực ngày đêm truy vết, xét nghiệm, ngành y tế Điện Biên còn dành máy móc tốt nhất trong khả năng có thể để phục vụ điều trị cho bệnh nhân tại Mường Nhà. “Lấy phòng khám đa khoa khu vực Mường Nhà làm cơ sở điều trị cho các bệnh nhân ở 2 xã Na Tông, Mường Nhà; cùng lúc tăng cường ngay máy móc, thiết bị lập Trạm y tế lưu động đặt tại bản Gia Phú A, xã Na Tông để điều trị cho F0 thuộc 2 bản Gia Phú A và Gia Phú B là việc mới, lại dồn dập, đòi hỏi mỗi y, bác sĩ làm việc tối đa công suất”, ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế Điện Biên, cho biết.
Ở huyện biên giới Mường Nhé, địa bàn xa xôi, khó khăn nhất trong tỉnh, ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại huyện (đêm 12/11) lại là F0 cộng đồng ở bản Nậm Sả, xã Mường Toong với nguồn lây không rõ ràng. Chỉ vài ngày sau, Mường Nhé lại phát hiện ổ dịch tại một bản nhỏ, nghèo nhất huyện của đồng bào dân tộc Si La ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải; nâng số ca nhiễm toàn huyện lên 43 trường hợp. Chỉ đạo kích hoạt ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện, xã, đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cũng đồng thời chỉ đạo từ huyện đến xã và từng thôn, bản phải xây dựng kịch bản cụ thể cho từng cấp độ dịch theo tinh thần “4 tại chỗ”; trong đó nêu rõ vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng bộ phận, cá nhân. Theo đúng tinh thần chỉ đạo đó, cùng với sự vào cuộc trách nhiệm của người đứng đầu, đến ngày 28/11, Mường Nhé đã cơ bản kiểm soát dịch trên địa bàn; công tác khoanh vùng, cách ly, điều trị được bảo đảm và ý thức phòng dịch trong bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số dần được nâng lên.
Đánh giá cao sự chủ động của cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố đã khẩn trương khoanh vùng, khống chế dịch, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Điện Biên chiều 28/11, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên đánh giá cao cách làm linh hoạt, sáng tạo thích ứng điều kiện đặc thù vùng cao và tập quán đồng bào dân tộc thiểu số. Với mô hình cách ly tập trung tại bản Gia Phú A, Gia Phú B và mô hình Trạm y tế lưu động đặt tại bản Gia Phú A, xã Na Tông do huyện Điện Biên thực hiện, ông Nguyễn Văn Thắng đề nghị các huyện, thị xã đã hoặc chưa có dịch cần tham khảo để chủ động thực hiện, nếu dịch xảy ra ở thôn, bản có điều kiện địa lý tương đồng. Tuy nhiên, lập khu cách ly tại bản là giải pháp cần để dập dịch, chứ tối ưu nhất vẫn là coi trọng ý thức phòng dịch từ mỗi người dân, cộng đồng thôn, bản; chính quyền, các tổ chức đoàn thể cơ sở phải sâu sát, chủ động từ khâu phòng dịch chứ đừng để khi dịch xảy ra mới sát địa bàn.
Rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mà nhiều xã còn lúng túng khi địa bàn có ca nhiễm; một số địa phương chưa chủ động nâng cao cảnh giác, giám sát cộng đồng phát hiện sớm các ca nhiễm, nhất là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như tại các chợ; tình trạng một bộ phận người dân đi nơi khác về khai báo không trung thực, đồng chí Nguyễn Văn Thắng yêu cầu thành viên Ban chỉ đạo chống dịch các cấp, nhất là lực lượng công an địa bàn phải kiểm soát tốt di, biến động dân cư trên địa bàn; động viên người dân khai báo đầy đủ thành viên trong gia đình vắng mặt, lịch trình trở về.
Cùng với đó, phải ứng dụng công nghệ thông tin quản lý người vắng mặt ở địa bàn để tăng cường khả năng kiểm soát. Trên biên giới, bộ đội biên phòng Điện Biên phải kiểm soát chặt đường biên; gắn công tác điều tra, tấn công trấn áp các loại tội phạm với công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không được để phát sinh, lây nhiễm các ca bệnh từ đối tượng xâm nhập biên giới hoặc tội phạm từ biên giới.