Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 9-11, đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) đánh giá trong bối cảnh dịch bệnh làm thay đổi nhiều hoạt động truyền thống và để thích ứng với tình hình mới, “Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo bộ, ngành, địa phương tích cực ứng dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua cổng dịch vụ quốc gia và được minh chứng giá trị hiệu quả của dịch vụ công và thủ tục hành chính thời gian qua”.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: “Thực hiện một nền kinh tế không tiếp xúc và giao dịch không tiếp xúc là việc rất quan trọng, đặc biệt là khi chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19, một thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản và nền kinh tế của các quốc gia”.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết trong bối cảnh này, Thủ tướng đã chỉ đạo, giao Văn phòng Chính phủ xử lý cổng thông tin điện tử quốc gia, để người dân không phải đến cơ quan và không phải gặp cán bộ, công chức, viên chức thi hành công vụ cũng là một giải pháp để giãn cách xã hội. Cổng thông tin điện tử quốc gia phải bảo đảm giải quyết được bốn vấn đề: Hai vấn đề nội bộ của Chính phủ, đó là Chính phủ với các cơ quan hành chính nhà nước và Chính phủ với cán bộ, công chức, viên chức và giải quyết hai mối quan hệ bên ngoài là Chính phủ với người dân và Chính phủ với doanh nghiệp.
Cổng thông tin điện tử quốc gia đã đáp ứng được những yêu cầu như vậy. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Cổng thông tin điện tử quốc gia khai trương ngày 9-12-2019 có 8 dịch vụ, nhưng đến 19-8 năm nay, Thủ tướng đã chứng kiến việc khai trương 1.000 dịch vụ công và đến nay đã có 2.200, 774 của các bộ, ngành và 1.426 của các địa phương, tốc độ tăng 400% so với tháng 9 trước đó. Các thủ tục đã được công khai hóa, 85 triệu người truy cập, 25 triệu hồ sơ thực hiện trên trạng thái cổng và đã có 363.000 tài khoản đăng nhập một lần, với nguyên tắc người sử dụng dịch vụ công chỉ dùng một tài khoản duy nhất và đăng nhập một lần có thể đi vào bất cứ cổng dịch vụ công của các bộ, địa phương.
“Có thể nói là rất tiện lợi và được bảo mật rất chặt chẽ”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm nói về ưu điểm của các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, đến nay việc thanh toán khép kín để thực hiện cấp độ 4, phối hợp Ngân hàng nhà nước thực hiện tại 10 ngân hàng thương mại và các trung gian thanh toán, đã kết nối cho 40/46 ngân hàng tại Việt Nam. “Như vậy, có thể nói người dân ngồi một chỗ có thể kê khai tất cả các thủ tục và hoàn thành các thủ tục thanh toán như thuế, nộp tiền vi phạm phạt giao thông đường bộ. Ngay cả vấn đề đăng ký, xe biển số xe Bộ Công an cũng đã tham gia tích cực và vẫn đang thí điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.