Dịch giả Nguyễn Bích Lan và diễn giả Phan Đăng đã có buổi trò chuyện với độc giả trong dịp ra mắt cuốn sách “Sống mãnh liệt - Chúng ta có thể học được gì từ những người khuyết tật thành công?” của tác giả Rainer Zitelmann, do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành.
“Sống mãnh liệt” xây dựng chân dung 20 người khuyết tật đạt được những điều phi thường trong cuộc sống và đặt ra những cột mốc mà dường như ngay cả với hầu hết những người không khuyết tật cũng không dễ thực hiện được. Ở vào những điều kiện hết sức bất lợi, nhưng tất cả đều đạt được thành tích cao hơn nhiều so với mức trung bình, thường gần như là siêu nhân, mặc dù việc khuyết tật của họ được cho là mang lại ít cơ hội cho họ và khiến họ, ở nhiều khía cạnh, phụ thuộc vào những người chung quanh.
Cuốn "Sống mãnh liệt". |
Tác giả Zitelmann biết cách kết hợp tài năng kép của một nhà báo kể chuyện thú vị và khả năng phân tích nhạy bén của một nhà khoa học để cung cấp những hiểu biết quan trọng về câu chuyện thành công của những người đàn ông và phụ nữ này, những người đã phải đạt được nhiều thành tích hơn so với những người không bị khuyết tật - nhưng không bao giờ muốn để được đối xử khác với những người bình thường.
Tuy nhiên, cuốn sách của Zitelmann không chỉ là một bộ sưu tập tiểu sử truyền cảm hứng của những người thành công. Mỗi câu chuyện cũng nêu bật những đặc điểm tính cách cho phép những người thành công phi thường (có hoặc không có khuyết tật) vượt qua những rào cản thường ghê gớm. Cuốn sách hướng đến bất cứ ai không muốn an phận với một sự tồn tại trung bình. Đối với tất cả những ai muốn tận dụng cuộc sống của mình nhiều hơn, thậm chí có thể tạo ra một kiệt tác, kỳ tích.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan chia sẻ, chị bị căn bệnh hiếm gặp và bắt đầu mất dần khả năng đi lại từ năm 13 tuổi. “Khi đó tôi đang ở tuổi bắt đầu dậy thì, biết xấu hổ. Khi bắt đầu bị bệnh, tôi cứ ngã dúi dụi trước mặt mọi người một cách không thể kiểm soát được. Khỏi phải nói là tôi đã nhận được những tràng cười nhạo như thế nào với tình trạng như vậy” - Bích Lan kể lại.
Lúc thấy được tình trạng của mình, cũng là lúc nữ dịch giả tự buộc mình phải vượt lên. Chị cảm thấy mình không thể sống vô ích, không thể tiếp tục với một cuộc sống như thế, và phải tìm ra được một con đường. “Tôi đã dùng nỗi buồn mãnh liệt của mình để miệt mài tự học ngoại ngữ trong 6 năm. Và tôi cũng dùng nỗi buồn ấy để dịch sách, tính đến nay là 65 cuốn kể cả những sách chưa xuất bản” - dịch giả chia sẻ.
Bạn đọc xin chữ ký dịch giả Bích Lan. |
Diễn giả Phan Đăng nhận xét, dịch giả Bích Lan đã học được cách chuyển hóa năng lượng, biến những năng lượng tiêu cực thành những điều rất tích cực. “Stephen Hawking nói: ‘Hãy ngửa mặt lên trời để biết được còn có những ngôi sao’. Chúng ta thường ít khi ngửa mặt lên trời mà thường hay úp mặt vào những nỗi sân hận của chính mình”. Diễn giả Phan Đăng cũng chỉ ra rằng, nhiều thiên tài trên thế giới đã sử dụng chính khiếm khuyết của mình để thành công, thí dụ như Beethoven đã sử dụng tật điếc của mình để đào sâu vào thế giới bên trong, phát triển và trở thành một tài năng âm nhạc.
Chia sẻ về những năm tháng đầy khó khăn, tự mình phải vượt qua tất cả, dịch giả Bích Lan kể, thời đó chị học ngoại ngữ rất khó khăn, không có nhiều tài liệu, phương tiện hiện đại như bây giờ, không có internet, chỉ có sách cũ và radio. Có những lúc chị tưởng chừng bỏ cuộc vì thấy khó khăn quá. Nhưng niềm vui học và niềm khát khao được “bước tiếp” đã cho chị động lực để vượt qua tất cả.
“Tôi có niềm say mê mãnh liệt với sách và công việc dịch sách. Cuốn gần đây nhất tôi dịch dài tới 640 trang, tính trên máy tính là khoảng 240 nghìn từ. Khi nhìn lại những gì mình đạt được, tôi thấy mình hạnh phúc. Đó cũng là một niềm hạnh phúc khi bạn trải qua khó khăn bằng một niềm tin mãnh liệt” – Bích Lan chia sẻ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi vào năm chị mắc bệnh, bác sĩ từng bảo chị chỉ sống được tới 18 tuổi.
Độc giả tham dự buổi trò chuyện với dịch giả Bích Lan rất đông, nhiều người đứng nghe vì không còn chỗ ngồi. |
Đối với một người ở trong hoàn cảnh đặc biệt như Bích Lan, điểm tựa lớn nhất mà chị có thể dựa vào và tự vực dậy mình là chính bản thân mình: “Tôi không có điểm tựa nào ở bên ngoài đủ vững chắc cho trường hợp của mình. Điểm tựa bên ngoài lớn nhất chính là gia đình tôi, là nơi hỗ trợ cho tôi. Còn điểm tựa vững chắc cho bản thân tôi chính là điểm tựa bên trong, chỉ có thể dựa vào chính mình. Khi buồn hoặc gặp nghịch cảnh, phải gọi được lên tất cả những nỗi khao khát được sống để làm điểm tựa tinh thần”.
Mục tiêu của tôi là cố gắng mỗi ngày tạo ra một cái mới và giúp được một ai đó.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan
Chính vì thế, như nữ dịch giả chia sẻ, hiện tại cuộc sống của chị và gia đình không có sự tồn tại của khái niệm về một người bệnh ở trong nhà. “Cuộc sống của chúng tôi diễn ra hết sức bình thường. Tôi vẫn làm việc nhà, vẫn giúp đỡ mọi người, mỗi tối vẫn dành ra ít nhất là 30 phút cho bạn nhỏ nhất trong nhà để đọc sách. Cô con gái lớn nhất trong gia đình tôi Tô Yến Ly năm nay đã 22 tuổi, đã đồng hành cùng tôi trong nhiều dự án sách dịch, trong đó có “Cây cam ngọt của tôi”. Cháu cũng bày tỏ nguyện vọng muốn được theo công việc của tôi” - nữ dịch giả cho biết.
Mục tiêu của Nguyễn Bích Lan là mỗi ngày cố gắng tạo ra một điều mới và giúp được một ai đó. Với chị, niềm hạnh phúc không chỉ đến từ việc mình vượt qua được nghịch cảnh, mà còn từ việc mình đã tạo nên được những trái ngọt từ trồng cây.