Nguyễn Bích Lan: Mong văn trẻ hãy mở rộng hơn…

NDO - NDĐT – Đón tôi ở đầu cầu thang tầng 5 của khu tập thể cũ kỹ, giản dị là một cô gái mảnh dẻ và “trong suốt” ngoài sức tưởng tượng. Cô là tác giả của hàng chục đầu sách dịch, giải thưởng văn học dịch của Hội Nhà văn năm 2010 và là khách mời tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc vào ngày 7-9 tới.

Đón tôi ở cầu thang tầng 5 khu tập thể cũ kỹ là một cô gái mảnh dẻ đến "trong suốt" ngoài sức tưởng tượng. Nguyễn Bích Lan chầm chậm di chuyển cơ thể bé nhỏ chỉ có 28kg của mình. Cô nói rất nhẹ, em chỉ có thể đón chị ở đây thôi. Vừa bước từng bước một theo cô dọc hành lang để vào căn hộ nhỏ mà cô đang sống cùng mẹ và vợ chồng người em trai, trong đầu tôi vừa nghĩ đến rất nhiều những đầu sách và giải thưởng cô đã đạt được trong mấy năm qua. 23 đầu sách dịch - một con số đáng nể, kể cả với những người sức khoẻ bình thường, trong đó Triệu phú khu ổ chuột là tác phẩm nổi tiếng nhất. Cũng chính với cuốn sách này, Bích Lan nhận được Giải thưởng Hội Nhà văn dành cho tác phẩm dịch năm 2010. Tác phẩm sáng tác đầu tiên của Lan cũng vừa cho ra mắt bạn đọc trong tháng 7-2011.

Bích Lan kể, thời gian gần đây mệt nhiều hơn, nên cô không làm việc được mấy. Em cũng không nói chuyện nhiều được. Là khách mời của Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc, nhưng lịch trình hội nghị lại qua mấy tỉnh, nên Lan không dám mạo hiểm vì sức khoẻ của mình. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn nói rằng, BCH hội rất trân trọng tài năng và sức làm việc của Lan, tạo mọi điều kiện để Lan có thể tham dự, kể cả bố trí người chăm sóc và nhân viên y tế…

Lan bảo, cô rất cảm động vì điều đó. Nhưng cô chỉ có thể đến vào đêm trước, khi mọi người đang ở Hà Nội, để có thể gặp gỡ, chuyện trò một lúc… Lan nói từng chữ một, nhẹ như gió thoảng, đôi khi cũng như tiếng gió, dừng lại ở quãng nào đó xa xăm tôi không thể nào nắm bắt được. Chỉ còn đôi mắt to và sâu thẳm với ánh nhìn ấm áp.

17223.jpg

Lan bị loạn dưỡng cơ từ năm 13 tuổi và sau đó còn bị thêm bệnh suy tim. Cơ thể cô gầy mảnh như một chiếc lá. Đôi tay Lan gần như trong suốt, gương mặt cũng hanh hao. Vậy nhưng Lan là người thực tế, không lấy làm quá phiền lòng vì hoàn cảnh số phận mình, cũng không quá mộng mơ ảo tưởng những chuyện xa xôi. Bình thường thì Lan làm việc nhiều lắm, dịch mỗi ngày chín, mười tiếng. Năm 2010, cô cho in bốn đầu sách, ba cuốn dịch và một cuốn sáng tác. Nhưng năm nay thì Lan mệt hơn, mỗi ngày chỉ có thể làm việc vài tiếng, còn lại thì ngồi chơi với đứa cháu. Lan không nghĩ tới những điều mình không có được như những người bình thường, không nghĩ tới những việc mà mình không thể làm được. Cuộc sống là vô cùng quý giá và Lan cho rằng không việc gì phải phí thời gian vào việc ngồi nghĩ ngợi về những thiệt thòi mất mát mà mình phải chịu đựng.

Tôi hỏi, khi em mệt nhiều như vậy thì làm sao. Lan nói, thật đơn giản, em sẽ nằm xuống và đợi. Chờ đợi cho cơn mệt sẽ qua đi. Có khi, mẹ em rất lo lắng, nhưng em luôn trấn an cả nhà bằng cách đó. Không lo lắng không hoảng hốt, cứ nằm xuống và chờ đợi… Lan hiểu cô bị bệnh tim, và người bị bệnh tim thì luôn phải được nương nhẹ . Lan luôn luôn nương nhẹ với chính mình.

Khi bác sĩ thông báo tình trạng bệnh tật với cô vào năm 13 tuổi, việc cô bị sốc, hay buồn, hay tuyệt vọng… như mọi người thường nói, diễn ra rất ngắn ngủi. Từ khi bắt đầu tự mày mò học tiếng Anh, rồi dạy một lớp tiếng Anh trẻ em tại nhà… Lan đã không bao giờ còn thời gian để buồn hay nghĩ ngợi hay tuyệt vọng nữa.

Lan học chuyên văn từ bé. Nhưng nếu không bị suy tim, công việc dạy học không bị bắt buộc phải dừng lại thì Lan sẽ không bước sang con đường văn chương dịch thuật. Bây giờ, thì Lan đã dịch xong 23 cuốn sách, hiện đang dịch tập truyện ngắn của Tagore, và đang viết dở cuốn tự truyện. Khi cuốn thơ -truyện ngắn của cô vừa ra đời, một số nhà phê bình đã cho rằng, người đọc có thể đọc cô mà không cần nghĩ đến việc cô là một người bị bệnh nan y. Cô thực sự có tố chất của một tài năng văn chương.

Trong công việc dịch thuật, Lan luôn là người nghiêm túc và cẩn trọng. Đọc tác phẩm của cô, có thể thấy cô bình đẳng với những dịch giả chuyên nghiệp, chứ không phải là một người biết ngoại ngữ “rẽ tay ngang” hoặc vì số phận đưa đẩy. Rất nhiều đầu sách của Lan dịch đều là những tác phẩm “đinh” của một số công ty, nhà sách, bán chạy. Riêng Triệu phú ổ chuột thì đã được tái bản nhiều lần và được khẳng định bằng một giải dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam, cũng đủ để nói lên điều đó.

Lan nói, Lan luôn là người chọn tác giả và tác phẩm. Bằng cách này, cô cũng liên lạc với nhiều tác giả lớn trên thế giới. Cô thích những cuốn sách viết sâu về một nền văn hóa. Không dịch những cuốn sách chỉ viết về những chuyện thường ngày. Cô chọn những tác phẩm mà đằng sau những câu chuyện riêng tư, những nhân vật, số phận, là cả một xã hội, là tầng sâu văn hóa, chính trị. Vì vậy, công việc dịch thuật cũng đã đưa Lan đi rất xa. Mặc dù giới văn chương đánh giá Lan là người sống khép kín, ít tiếp xúc và cô cũng không muốn nói nhiều về số phận đặc biệt của mình.

Tôi hỏi Bích Lan, nếu em đến hội nghị thì em có tham luận hay bày tỏ mong muốn gì không. Cô nhìn xa xăm, cô không mong muốn gì cho riêng mình cả. Văn chương dịch thuật đều là tự thân, Lan chưa bao giờ mong đợi có sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Những ghi nhận và đón đợi của bạn đọc là phần thưởng lớn nhất của cô. Tuy nhiên, nếu có thể có lời nói giữa hội nghị, thì Lan mong các nhà văn trẻ hãy cứ viết câu chuyện riêng nhưng hãy mở rộng “cái phông” của mình, xa hơn sâu hơn, để bạn đọc thấy giới trẻ trong đó, xã hội trong đó, thấy được những vấn đề chung của nhiều người, của dân tộc . Chứ bây giờ Lan thấy cái “phông” trong câu chuyện mà văn trẻ kể chưa được rộng lắm. Mở rộng được “phông” thì sẽ dẫn được chính mình và bạn đọc đi xa hơn. 

Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976 tại Hưng Hà, Thái Bình. Bắt đầu dịch sách văn học từ năm 2002, cho đến nay, Lan đã có 23 đầu sách được xuất bản trong đó có nhiều tiểu thuyết được độc giả yêu thích: Từ sông Nile đến sông Jordan, Nghìn khuôn mặt của đêm, Hứa yêu, Vũ điệu của trái tim, Mạch buồn, Người đàn ông hoàn hảo, Triệu phú khu ổ chuột… Với Triệu phú khu ổ chuột, Nguyễn Bích Lan đã được trao Giải thưởng Văn học năm 2010 về dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm sáng tác đầu tiên của Lan có tiêu đề “Sống trong chờ đợi” vừa được NXB Trẻ ấn hành, đã nhận được nhiều khen ngợi của các nhà phê bình. Đây là lần đầu tiên Nguyễn Bích Lan tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc.

Tạo diễn đàn và lắng nghe văn trẻ

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: Gánh nặng tương lai trên vai văn trẻ