‘Heidi” là cuốn sách văn học thiếu nhi kinh điển, được viết từ cách đây hơn 100 năm, của tác giả người Thụy Sĩ Johanna Spyri.
“Heidi” kể về một cô bé mồ côi, được dì đưa đến sống cùng ông nội ở một nơi hẻo lãnh bên dãy Alps hùng vĩ. Bằng sự hồn nhiên và lòng tốt tràn đầy, cô bé đã thay đổi rất nhiều điều trong cuộc sống của nhiều người chung quanh cô.
Cuốn tiểu thuyết thiếu nhi trên nền phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của Thụy Sĩ này đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng và được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ chính trên thế giới.
Chỉ riêng tiếng Anh đã có tới 13 bản khác nhau, trong khoảng thời gian từ năm 1882-1959. Trải qua 100 năm, “Heidi” đã được in ra tới 50 triệu bản trên khắp thế giới và trở thành tác phẩm văn học kinh điển dành cho thiếu nhi.
Năm nay, “Heidi” trở lại với bạn đọc nhí trong một diện mạo mới do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành, dịch giả Nguyễn Bích Lan chuyển ngữ.
Dịch giả Bích Lan chụp ảnh cùng bạn đọc. |
Nguyễn Bích Lan là cái tên quen thuộc đối với những độc giả yêu mến văn học dịch, đặc biệt là văn học thiếu nhi. Nữ dịch giả chia sẻ, khi quyết định chuyển ngữ Heidi, dịch giả Nguyễn Bích Lan thực sự mong muốn đi tìm những món quà ở-trẻ-thơ.
Với chị, cuốn sách không chỉ “dành cho trẻ em” mà ngược lại, chính nhân vật cô bé Heidi đã trao tặng chị, tặng bạn đọc biết bao món quà đáng giá. Đó là cái nhìn sáng trong, chẳng vướng vào định kiến; niềm nhiệt huyết, quyết tâm khi bắt tay làm mọi sự; tính trung thực... và đặc biệt, lòng tin - lòng tốt.
Nữ dịch giả chia sẻ, cuốn sách đưa những thông điệp giáo dục tới trẻ nhỏ một cách hết sức tự nhiên và gần gũi. Với trẻ em, những câu chuyện trong sách rất dễ hình dung và rất dễ giáo dục, những việc lấy trộm đồ của bạn, gian dối, làm hỏng một đồ vật gì đó. Một cuốn sách rất trong trẻo, đem lại giá trị giáo dục và những bài học cho mọi lứa tuổi. Đó chính là lý do mà dịch giả Bích Lan gọi “Heidi” là cuốn sách cho mọi người chứ không chỉ cho trẻ em.
Những em bé còn rất nhỏ cũng tham gia giao lưu với cô Bích Lan và Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. |
Kể chuyện Heidi để nhắc tới chính bản thân mình, nữ dịch giả Nguyễn Bích Lan từng bị chẩn đoán là sẽ không qua được tuổi 18. Nhưng chính lòng tốt của những người chung quanh chị đã giúp chị có nghị lực và niềm tin về cuộc sống. “Cả niềm tin của những độc giả đối với các tác phẩm dịch thuật của tôi cũng đã đem lại cho tôi niềm tin rằng mỗi giây phút sống của tôi không hề bị lãng phí một chút nào. Đó cũng chính là hơi ấm của lòng tốt mà chúng ta truyền cho nhau”.
Hy vọng những gì đọng lại sau buổi giao lưu không chỉ là vị kem ngọt ngào mà là những hạt mầm của lòng tốt được ủ ấm và nhân lên trong mỗi người.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan
Chị Nguyễn Bích Lan cũng chia sẻ, những tác phẩm văn học mà chị tham gia chuyển ngữ cũng là động lực lớn khơi dậy trong chị niềm tin yêu vào cuộc sống và nuôi dưỡng lòng tốt để truyền tới mọi người.
Dịch giả Bích Lan cho biết, chị có thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ, chính thói quen này đã góp phần hình thành nên tính cách và con người chị ngày nay. Và cho đến bây giờ, chị vẫn áp dụng thói quen này với các bạn nhỏ ở nhà. Chị cho rằng, thói quen đọc sách được rèn từ càng nhỏ càng tốt, và bố mẹ cũng phải làm gương cho con bằng việc đọc sách.
Các độc giả nhí ăn kem Tràng Tiền trên sân khấu cùng cô Bích Lan. |
“Đó chính là lý do tôi luôn kêu gọi mọi người hãy khuyến khích, hướng dẫn và cùng con mình đọc sách. Hãy cố gắng cùng với con kiên trì đọc sách, hoàn toàn không có thiết bị điện tử, điện thoại thông minh trong 20 phút đó, và các bạn sẽ thấy những điều kỳ diệu” - nữ dịch giả chia sẻ.
Trong buổi giao lưu ra mắt sách, dịch giả Bích Lan đã bất ngờ dành tặng món quà là 200 que kem Tràng Tiền tới các độc giả nhí và phụ huynh.