Đi tìm giấc mơ kơrla

Nơi đó, phía thượng nguồn sông Ðồng Nai, dãy Bù Sa Lu Xiên tự nghìn đời đã có, suối Ðạ Roòng vẫn hiền hòa tuôn chảy. Không biết từ bao giờ, ở xứ sở quanh năm "mây ấp núi" này, người Mạ đã quần tụ sinh sống. Chiều buông tĩnh lặng, trong nhà dài truyền thống, già Ðiểu K’Bôi đang tự sự cùng gòng kơrla (hay dindg kơrla-đàn ống tre), thanh âm thong dong qua đỉnh núi lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Già K’Vệ hướng dẫn các bạn trẻ cách chơi đàn ống tre.
Già K’Vệ hướng dẫn các bạn trẻ cách chơi đàn ống tre.

Sinh ra và lớn lên ở miền đất gian lao mà anh dũng Ðồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, Lâm Ðồng; qua những mùa hội buôn làng, được đắm chìm trong những nốt trầm bổng nhịp chiêng, tiếng kèn bầu, điệu khèn môi… làm Ðiểu K’Bôi mê mẩn những nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. "Mình còn nhớ và chơi thuần thục nhiều bài chiêng cổ, rồi chỉnh chiêng, chế tác kèn bầu, đàn t’rưng… gòng kơrla mình cũng biết chế tác và chơi được", Ðiểu K’Bôi chia sẻ. Dứt lời, già K’Bôi trải lòng bằng những thanh âm tỉ tê, da diết qua nhạc cụ bằng ống tre già. Này điệu tự sự chậm, buồn, thao thiết; điệu ru con đong đưa, nhẹ nhàng; điệu tiễn đưa nỉ non, day dứt… Ðó là những câu chuyện được kể bằng âm thanh, những điệu thức không có ghi chép. Ðó là mạch nguồn hồn nhiên tự chảy trong huyết quản của những người con trên miền rừng xanh, núi đỏ.

Những dải mây trắng ủ ấp trên cao nguyên B’Lao. Hương chè dìu dịu trên cung đường về xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, Lâm Ðồng. Trong nhà dài truyền thống người Mạ, già K’Vệ đang nhóm bếp, lũ trẻ quây quần nghe kể khan, học đánh chiêng, chơi m’buốt, dindg kơrla… Ông mở lời: "Xưa, ở xứ Mạ này rất nhiều đàn ông biết thổi sáo bre, chơi dindg kơrla…, giờ thì hiếm rồi". Gảy nhẹ những cung đàn, già K’Vệ nhẩn nha kể, loại đàn ống tre như dindg kơrla của người Mạ khá phổ biến ở nhiều dân tộc thiểu số phía nam, như người Cơ Ho, Chu Ru, Xtiêng, Chơ Ro…và cây đàn rất nhiều người biết là chapi của người Raglay, nhờ bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Tiến.

Gòng kơrla rất giống với tọ (đàn-tiếng Raglai) chapi. Cấu tạo đàn khá độc đáo, một ống tre già, lớn; dây đàn được tách ra sáu sợi từ phần vỏ ống tre với khoảng cách đều nhau và được kê kích ở hai đầu để làm dây khảy, đầy đủ các thang âm, sau này nhiều người chế tác bằng bộ dây khác. "Thẩm âm gòng kơrla cũng là nghệ thuật, đôi tai phải tinh và đôi tay phải thật nhuần nhuyễn", già K’Vệ nói. Ðồng bào Nam Tây Nguyên thường chơi đàn ống tre trong những cuộc vui gặp gỡ bạn bè, lúc lên rẫy, khi quây quần bên bếp lửa nhà dài, có khi lại một mình tình tự.

Mặt trời bắt đầu gác núi. Thanh âm thao thiết như níu giữ giấc mơ "ai nghèo cũng có cây đàn kơrla", lúc trầm tỉ tê, da diết như con thú hoang gọi bầy về nơi ẩn trú; lúc rạo rực như con chim rừng cùng nhau bay về tổ ấm; lúc khoan nhặt như giọt nắng buông lơi cuối ngày. Hôm tôi đến, trên gác bếp của già K’Vệ, già Ðiểu K’Bôi, những ống tre già đang được hong khô đúng lửa. Già Ðiểu K’Bôi bảo, làm đàn thì nhanh, nhưng tìm được những ống tre ưng ý mới khó. Gòng kơrla đơn giản chỉ là ống tre gai già, đường kính khoảng 8 đến 10cm, phơi khô trong vòng bốn, năm tháng mới đưa ra làm đàn, càng khô thì âm càng hay. Không kể thời gian hong tre, Già K’Bôi nói chỉ mất khoảng một khắc giờ là đã có một cây đàn kơrla, còn chơi hay dở là ở cái lòng của người chơi, giống người Cơ Ho chơi gòng kơrla; người Ba Na chơi k’long put, hay người Jrai chơi đàn goong vậy.

Mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có một loại nhạc cụ đặc trưng để phục vụ cho các lễ hội dân gian: Người Ê Ðê, Ba Na có đàn t’rưng, người Chăm có khèn saranai, trống paranưng… Không kể đến loại thông dụng như chiêng (đồng bào Raglai gọi là mã la), phần đa các dân tộc Việt Nam đều có, thì tọ chapi là "hồn người Raglai" và với đồng bào dân tộc Nam Tây Nguyên, gòng kơrla cũng thế.

Theo già K’Vệ, trước đây, ở các buôn làng Nam Tây Nguyên hầu như nhà nào cũng có đàn ống tre. Chiều về, bên hiên những ngôi nhà dài, người già, người trẻ có thể mượn điệu gòng kơrla tỉ tê, tâm sự. Nhưng nay, chỉ số ít người già ở các buôn làng còn biết làm và chơi được, gòng kơrla vì thế cần có giấc mơ tiếp nối, trao truyền.