Đi tìm “bà đỡ”…

Đang có những doanh nghiệp tìm thấy cơ hội kinh doanh mới mẻ từ những hợp đồng mua bán chất xả thải. Nhưng để tạo nên một thị trường nguyên vật liệu cho nền kinh tế tuần hoàn, cơ quan quản lý sẽ cần phải “nóng” cùng những bước chuyển đổi của doanh nghiệp.

Nhu cầu phát triển nguồn điện đáp ứng yêu cầu của tăng trưởng kinh tế khiến Việt Nam phải đa dạng hóa các nguồn điện, trong đó, nhiệt điện có vai trò không nhỏ, xét cả trong dài hạn. Trung bình, mỗi năm có hơn 15,7 triệu tấn tro xỉ được thải ra từ 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với mức tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm. Dự kiến đến năm 2020, sẽ có thêm 12 dự án nhiệt điện than được đưa vào vận hành, nâng tổng công suất nguồn nhiệt điện than khi đó đạt 24.370 MW, lượng tro xỉ thải ra môi trường lên tới hơn 25 triệu tấn/năm.

GS, TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam khẳng định, đối với thế giới, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than được coi như một nguồn nguyên liệu quý của ngành sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD). Cứ một triệu tấn tro xỉ có thể làm ra khoảng 600 triệu viên gạch không nung. Nhiều nước đã cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu này… Trong khi đó, ở Việt Nam, đây vẫn là chất thải nguy hại và được xử lý theo cách chôn lấp, đắp đống. Nhiều nhà máy đau đầu với thực trạng không còn khu chứa thải.

Không còn là chuyện xa vời khi tro xỉ trở thành VLXD, khi những bao bì nhựa, túi nhựa phế thải lại được chuyển đổi sang nhiên liệu, hay nước thải đô thị được sản xuất thành hơi nước cung cấp cho các nhà máy sản xuất… Theo Quỹ Ê-len Mắc A-thơ (Ellen MacArthur), các chuỗi cung ứng tuần hoàn khi tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và tái sản xuất có thể tạo ra hơn 1.000 tỷ USD/năm vào năm 2025.

Xin trở lại với câu chuyện của tro xỉ. Một số nhà máy tiên phong trong mua bán tro xỉ như Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Vũng Áng... cũng đã phải dừng lại vì Nghị định số 38/2015/NĐ-CP (NĐ 38) quy định các nhà máy sản xuất VLXD phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường ghi rõ có sử dụng tro xỉ của nhà máy nhiệt điện làm đầu vào... “Nút thắt” này là bởi khi xây dựng NĐ 38, các nhà làm chính sách chưa tính hết được sự vận động của thực tế.

Thị trường mua bán tro xỉ đang phải tạm dừng chờ Thông tư hướng dẫn NĐ 38… Nhiều ngành khác cũng ngóng khung khổ pháp lý đồng bộ để kích hoạt được thị trường mới mẻ này. Vai trò “bà đỡ” đối với nền kinh tế tuần hoàn, được thể hiện bắt đầu từ việc đưa ra những quy định chặt chẽ cho cả bên bán - bên mua, tạo nên cơ chế hỗ trợ cho đối tượng sản xuất bằng vật liệu mới, và làm sao thay đổi thói quen của người sử dụng.

Khi có được thiết chế vận hành thị trường mua bán nguyên liệu xả thải, doanh nghiệp sẽ không coi khoản đầu tư ban đầu cho chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là gánh nặng. Trái lại, họ sẵn sàng cho một cuộc đua tìm kiếm giải pháp hình thành các chu kỳ tài nguyên khép kín.