Dấu ấn 6%

Đi trước với mục tiêu “bốn có”

Mô hình trồng dưa lê tại Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai, xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai). Ảnh: TÂN TÂN
Mô hình trồng dưa lê tại Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai, xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai). Ảnh: TÂN TÂN

Với 32 khu công nghiệp, Đồng Nai là tỉnh trọng điểm phát triển mạnh về công nghiệp. Trong cơ cấu GDP, công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng hơn 94%, nông nghiệp chỉ chiếm gần 6%. Nhưng nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của “tam nông”, từ 13 năm trước, người dân Đồng Nai đã biết đến cụm từ nông thôn “bốn có”: có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt; có môi trường sinh thái phát triển bền vững. Cụ thể hóa mục tiêu trên, Đồng Nai đã tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ để tăng nhanh thu nhập cho nông dân.

Ông Lý Phát Sinh, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, nhớ lại: “Tôi là một trong những nông dân đầu tiên được huyện Xuân Lộc cho sang Phi-li-pin học tập kỹ thuật trồng ngô. Khi về nước, tôi đã áp dụng trồng ngô tiên tiến gần bảy hec-ta, hiệu quả quá bất ngờ, năng suất nhảy vọt lên 12 tấn/ha, tăng gần gấp đôi so với trước. Thu nhập trên một đơn vị diện tích cũng tăng gấp hai lần so với phương thức canh tác truyền thống”. Sau khi ông đã tiên phong thực hiện và mang lại lợi nhuận mỗi năm hơn 500 triệu đồng, gần 400 hộ dân trong ấp đã chuyển đổi đồng loạt và hình thành vùng chuyên canh trồng ngô trọng điểm của Đồng Nai.

Nói về chủ trương “bốn có”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho biết: “Huyện đã tập trung đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học làm mô hình điểm sản xuất nông nghiệp phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng, sau đó nhân rộng. Đời sống nông dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân hiện nay đạt gần 126 triệu đồng một ha”.

Về đích sớm với “bốn chữ đồng”

Ở vị trí chiến lược giữa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh, có những khu công nghiệp lớn trên địa bàn, Long Thành định hướng phát triển trở thành huyện công nghiệp. Do có 85% dân số sống ở vùng nông thôn, để phát triển hài hòa, bền vững, huyện đã xác định phát triển công nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, tổng nguồn lực xây dựng nông thôn mới của toàn huyện đạt gần 9.233 tỷ đồng. Trong đó, vốn xã hội hóa chiếm tỷ lệ hơn 78%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt gần 41 triệu đồng/người/năm. Đây là con số khá ấn tượng nếu so với mặt bằng chung về mức thu nhập của tỉnh và là tiêu chí nổi bật để huyện về đích nông thôn mới giữa năm 2016.

Giai đoạn 2011-2015, Đồng Nai dành hơn 176 nghìn tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn huy động từ các doanh nghiệp và nhân dân gần 55 nghìn tỷ đồng. Đồng Nai kiên trì thực hiện phương châm: chủ động, tích cực, kiên trì, thường xuyên, với mục tiêu “bốn chữ đồng”: đồng lòng, đồng thuận, đồng hành và đồng tiến. Việc tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai xác định phải thực hiện có kết quả “bốn xóa”: Xóa tâm lý, tư tưởng ỷ lại, thụ động trông chờ vào ngân sách nhà nước và cấp trên; Xóa vườn tạp, độc canh năng suất thấp, hiệu quả kém; Xóa hủ tục, tập quán lạc hậu và tệ nạn xã hội trong từng gia đình, xóm ấp; Xóa hộ nghèo, người nghèo, xóm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Với 103/133 xã, trong đó có năm đơn vị cấp huyện (Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Thống Nhất, thị xã Long Khánh) đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 36 triệu đồng/người/năm, Đồng Nai phấn đấu về đích sớm, đạt tỉnh nông thôn mới vào năm 2019.