Cú giật mình của xuất khẩu

Những số liệu không khả quan của những ngành xuất khẩu chủ lực trong năm 2016 lại một lần nữa khiến nhu cầu tìm kiếm động lực thúc đẩy cho tăng trưởng xuất khẩu cấp thiết hơn lúc nào hết.

Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương) được chiếu xạ trước khi xuất khẩu sang Ô-xtrây-li-a. Ảnh: LÊ HIẾU
Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương) được chiếu xạ trước khi xuất khẩu sang Ô-xtrây-li-a. Ảnh: LÊ HIẾU

Tháng 7-2016, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trong một cuộc họp ngành đã nhấn mạnh, việc hoàn tất ký kết các hiệp định thương mại tự do mới, đặc biệt là Hiệp định TPP và Hiệp định Việt Nam - EU trong năm 2016 sẽ mở ra những cơ hội xuất khẩu lớn. Nhưng khó ai có thể lường được, tình hình thế giới lại có nhiều diễn biến bất định đến thế, chỉ trong vài tháng cuối năm. “Mũi nhọn” xuất khẩu trở nên “tù” đi...

Đối thủ mới của dệt may

Suốt một thời gian dài, xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng nhanh, thậm chí có mặt hàng lọt vào tốp đầu của thế giới, chủ yếu dựa vào số lượng. Xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt đã được nhận thức nhưng thực thi vẫn chậm. Đơn cử là hàng dệt may, tuy khối lượng xuất nhiều, nhưng sản phẩm hầu hết chỉ có duy nhất dòng chữ “Made in Vietnam” đính ở góc, dùng để phân biệt địa điểm sản xuất, chấm hết. Trong khi đó, điều mà người mua quan tâm, thậm chí bỏ rất nhiều tiền là thương hiệu.

Ở một khía cạnh khác, dệt may vốn tạo dựng lợi thế cạnh tranh từ nguồn nhân công lành nghề với mức giá rẻ... Thế nhưng, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo, máy móc tự động sẽ khiến 86% số công nhân ngành dệt may và giày dép Việt Nam có nguy cơ mất việc. Chính vì thế, để tránh được nguy cơ ấy, chỉ có cách đầu tư vào nghiên cứu phát triển, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tỉnh thức để quyết liệt thoát bẫy gia công.

Định vị lại hạt gạo

Năm 2016 cũng là năm buồn của xuất khẩu gạo khi mà tổng khối lượng xuất khẩu cả năm chỉ đạt khoảng 5 triệu tấn, thấp kỷ lục kể từ năm 2009 trở lại đây. Nghịch lý thay, chúng ta phải sang Cam-pu-chia, một nước chỉ mới tham gia thị trường lúa gạo thế giới trong vài năm qua để... học cách làm thương hiệu. Cam-pu-chia đã có lựa chọn đúng khi đầu tư vào giống lúa bản địa tốt, đầu tư đi dự thi tại các cuộc hội chợ quốc tế trong ba năm liền (từ 2012 - 2014) và đều đoạt giải gạo ngon nhất thế giới. Bước tiếp theo là thanh lọc và mở rộng diện tích gieo trồng giống lúa này. Hiện nay, các giống lúa thơm Cam-pu-chia chiếm khoảng 40% diện tích gieo trồng và ngày càng tăng lên.

Ngoài ra, Cam-pu-chia tổ chức xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ, với khoảng 100.000 hộ nông dân sản xuất trên 50.000 ha. Gạo hữu cơ của nước này được xuất khẩu tới 53 thị trường trên toàn thế giới, trong đó có những thị trường khó tính nhất, có loại mức giá lên tới 1.475 USD/tấn.

Một cán bộ trong đoàn học tập đã phải thốt lên, những gì nước bạn làm nghe ra đơn giản, nhưng việc chúng ta có “học” được không còn là câu hỏi ngỏ: Làm thế nào để có được một chiến lược quốc gia cho hạt gạo Việt định danh trên thế giới?

Và chính sách “thoát FDI”

Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tỷ trọng giá trị gia tăng trong lĩnh vực chế biến chế tạo của khu vực đầu tư nước ngoài trong tổng xuất khẩu của Việt Nam hiện chiếm khoảng 48,8%. Trong khi đó, hàm lượng giá trị gia tăng nội địa trong xuất khẩu vẫn chỉ chiếm 12,7%.

Trong bối cảnh rất nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký, đã và sẽ có hiệu lực, DN xuất khẩu trong nước nếu không nhanh chóng thay đổi, thì lợi thế sân chơi của Việt Nam sẽ được các doanh nghiệp FDI tận dụng. Khi đó, xuất khẩu lại càng phụ thuộc hơn vào các doanh nghiệp FDI.

Khi được hỏi về vai trò Nhà nước, một chuyên gia đã chia sẻ mô hình của Hàn Quốc. Từ năm 1966, họ đã đề ra hướng phát triển công nghiệp cho 20 năm sau của ba lớp kỹ nghệ: các ngành phôi thai non yếu như thép, đóng tàu, phân bón và lắp ráp, chế tạo điện tử; Các ngành có khả năng cạnh tranh là dệt sợi, áo quần hay giày và cuối cùng là các ngành có thể tự túc. Cứ 5 năm, sự hỗ trợ của Nhà nước và các tập đoàn sản xuất của tư nhân phải nâng ngành ở lớp dưới lên lớp trên. Tiêu chí đặt ra phải bắt kịp và vượt Nhật Bản trên thị trường xuất khẩu. Kết quả là sau nửa thế kỷ, những sản phẩm Hàn Quốc như xe hơi hay điện thoại đang chiếm thị phần rất cao trên thị trường thế giới.

Động lực cho xuất khẩu phải là một chiến lược dài hơi, nhất quán chứ không chỉ là những giải pháp tình thế hay cát cứ trong từng ngành!