Rừng hương ở làng Grôn

Rừng hương quý hiếm được dân làng Grôn chăm sóc, bảo vệ.
Rừng hương quý hiếm được dân làng Grôn chăm sóc, bảo vệ.

Tấm lòng của người dân

Grôn là một làng nghèo thuộc xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ, Gia Lai). Nhưng nhiều người biết đến Grôn bởi người dân nơi đây từ hàng chục năm nay dành tâm sức giữ rừng. Trên một vùng đồi đất pha cát, sát cạnh khu dân cư là khu rừng có tới cả nghìn cây gỗ hương, từ vài chục đến cả trăm năm tuổi, với diện tích gần bốn héc-ta. Những cây lớn đường kính gần một mét, nhiều cây đường kính từ 60 đến 70 cm. Cây bên cây, vươn thẳng tắp giữa trời xanh. Giữa những cây cổ thụ là cây non mới mọc, hứa hẹn sẽ thay thế lớp cây già như một truyền thống ngàn đời của đại ngàn.

Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng Rơ Mah Lel cho biết: “Từ những năm 80 của thế kỷ trước, chính dân làng Grôn phát hiện cánh rừng hương đặc biệt này. Theo nguyện vọng của người dân, những người già trong làng lên gặp chính quyền và cũng từ đó dân làng tự nguyện cùng chính quyền chung tay bảo vệ, ngăn chặn những người xấu ở nơi khác đến chặt phá. Gia Lai chỉ còn duy nhất xã mình có rừng hương đặc biệt như thế này thôi. Bà con mình tự hào lắm!”.

Bây giờ, thật quá khó để tìm được một cánh rừng nguyên sinh đặc hữu toàn cây hương ở mảnh đất Tây Nguyên như tại làng Grôn. Theo lời anh Rơ Mah Kem, người già ở làng kể lại rằng: “Khi biết tin làng Grôn có rừng hương, đám “lâm tặc” đến làng nhiều lần lắm. Chúng mua rượu, mua thịt vào mời những người già. Nhưng gặp ai chúng cũng bị la mắng. Không mua chuộc được người già, chúng quay sang lôi kéo đám trai làng. Có đứa lưỡng lự... Tin đến tai người già, họ gọi các anh đến răn dạy: Nếu đứa nào giúp “lâm tặc” chặt rừng hương thì đừng quay về nhìn mặt người làng nữa. Cái bụng đám thanh niên biết sợ, biết nghe theo lời người già!”. Chủ tịch Rơ Mah Lel chia sẻ thêm, người dân ở đây được tuyên truyền rất tốt nên hiểu lắm. Người dân ở cả tám thôn đều ý thức được việc quản lý bảo vệ rừng nói chung và khu rừng hương nguyên sinh của làng không chỉ thuộc trách nhiệm của chính quyền mà là trách nhiệm chung của cộng đồng.

Chính quyền chung sức

Để cùng dân làng Grôn bảo vệ rừng hương, huyện Đức Cơ đã trích kinh phí làm một ngôi nhà nhỏ và thuê hai anh Nguyễn Hữu Mạnh và Rơ Mah Uyn canh giữ 24/24 giờ. Anh Nguyễn Hữu Mạnh kể: “Tôi canh giữ rừng hương từ hơn mười năm nay. Đã không ít lần, “lâm tặc” đưa cưa máy, phương tiện vào rừng rắp tâm chặt hạ những cây hương quý hiếm còn sót lại của làng. Mỗi lần như vậy, dân làng Grôn quyết liệt ngăn chặn”. Anh Trịnh Xuân Hữu, cán bộ Hạt Kiểm lâm Đức Cơ kiến nghị: “Nếu có thêm dự án, nguồn vốn để đầu tư, bảo vệ rừng hương này nữa thì quá tốt. Chẳng hạn như làm rào chắn, cho phép chăn nuôi dưới tán rừng, ươm thêm cây hương để nhân giống ra nơi khác”.

Mùa hoa dã quỳ, nơi đây rực một mầu vàng. Những đàn chim cả ngàn con đến làm tổ. Từ bao đời nay, đất, rừng và người Tây Nguyên hợp thành một không gian sinh tồn. Ia Kriêng nay đã đổi thay. Cạnh rừng cổ thụ, đã có nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang. Nhưng rừng hương vẫn vẹn nguyên như một minh chứng thuyết phục, một bài học quý về phương cách giữ rừng. Bởi giữ rừng là giữ mạch sống, giữ cội nguồn, giữ một nếp văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.