Di tích Làng Cả trong vùng kinh đô Văn Lang xưa

Di tích khảo cổ học Làng Cả nằm trên một quả đồi thấp (đồi Nhãn) xưa thuộc Kẻ Gát - Thọ Xuân, sau là xã Chính Nghĩa, nay là phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, cách Khu di tích lịch sử Ðền Hùng 13 km về phía đông nam, cách cầu Việt Trì theo đường quốc lộ số 2 gần 2 km.

Di tích Làng Cả được giới khảo cổ học biết tới từ năm 1959 khi bắt đầu xây dựng khu công nghiệp Việt Trì, song đến năm 1976, trong quá trình xây dựng Nhà máy mì chính Việt Trì đã làm xuất lộ khu mộ táng trên diện tích rộng đã buộc các nhà khảo cổ học của Viện Khảo cổ học Việt Nam và Sở Văn hóa - Thông tin Phú Thọ (Vĩnh Phú trước đây) phải tiến hành "khai quật chữa cháy".

Từ đó đến nay, qua ba lần khai quật: 1976-1977-2005 cho thấy: Làng Cả là khu di tích thuộc giai đoạn văn hóa Ðông Sơn lớn nhất hiện biết. Chiều dài Làng Cả khoảng hơn 1.000 m, rộng gần 300 m. Với 336 mộ táng, trong đó có 328 mộ văn hóa Ðông Sơn và nhiều dấu tích cư trú của con người thời Ðông Sơn được phát hiện. Mộ phần lớn được chôn cất theo hướng tây bắc và đông bắc.

Trong một số huyệt mộ tìm thấy các đinh đồng hình chữ U - đó là chứng tích của việc dùng đinh lắp ghép ván quan tài trước khi chôn.

Ðồ tùy táng phát hiện được tương đối phong phú về số lượng cũng như loại hình. Hiện vật chủ yếu là đồ đồng, đồ đá và đồ gốm.

Phân tích bộ sưu tập hiện vật được phát hiện tại di chỉ khảo cổ học Làng Cả, Giáo sư Hoàng Xuân Chinh - Viện Khảo cổ Việt Nam, nhận định: "Làng Cả trước khi được sử dụng làm mộ địa đã là một khu cư trú của cư dân Ðông Sơn... Làng Cả là di tích quý nhất của văn hóa Ðông Sơn, có thể sánh ngang với chính di tích Ðông Sơn và gần đó là di tích Thiệu Dương bên bờ sông Mã - Thanh Hóa" (Kinh đô Văn Lang, trang 54, Sở Văn hóa - Thông tin Vĩnh Phú xuất bản 1996).

Còn Tiến sĩ Nguyễn Ðức Giảng công tác tại Thành ủy Việt Trì lại cho rằng: "Khu vực Làng Cả là một trong những trung tâm quần cư lớn của thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc ta". (Kinh đô Văn Lang, trang 69, Sở Văn hóa - Thông tin Vĩnh Phú xuất bản 1996).

Và gần đây sau đợt khai quật lần thứ ba cuối năm 2005, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Sinh - Viện Khảo cổ Việt Nam tiếp tục nhận định: "... Ðây không chỉ là một khu mộ lớn nhất thời Hùng Vương mà còn là khu mộ của những thời đại sau này. Chứng tỏ đây là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa sầm uất và có tính liên tục: Thời Hùng Vương - thời Bắc thuộc - thời phong kiến tự chủ. Có thể truyền thuyết, thư tịch từng đề cập đến một kinh đô của nhà nước sơ khai thời Hùng Vương ở vùng ngã ba sông, hàm chứa một phần sự thật lịch sử, trong đó di tích Làng Cả trở thành di tích nổi nét để nghiên cứu thời này" (Báo cáo sơ bộ cuộc khai quật địa điểm khảo cổ học Làng Cả năm 2005, trang 4).

Từ kết quả các cuộc khai quật và nhận định của các nhà khoa học ta có thể thấy rõ: Làng Cả là một trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa quan trọng nhất thời bấy giờ. Từ đây sẽ thu nhận những tinh hoa văn hóa, cũng là nơi phát tán văn hóa ra chung quanh và cả những nơi khác xa hơn.

Niên đại của khu mộ Làng Cả được các nhà khoa học xác định kéo dài vài thế kỷ (khoảng từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 2 - trước Công nguyên). Còn niên đại của các di chỉ cư trú có sớm hơn, có thể vào khoảng thế kỷ 5 đến thế kỷ 4 trước Công nguyên.

Như vậy Làng Cả là di tích của người Việt cổ sống trong khoảng thế kỷ 5 đến thế kỷ 2 - trước Công nguyên, tương đương với thời đại các Vua Hùng dựng nước Văn Lang.

Truyền thuyết, thư tịch và phong tục tập quán truyền thống của nhân dân Phú Thọ được các nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội dày công sưu tầm, nghiên cứu luôn hướng về Phú Thọ, hướng về Ðền Hùng với sự tôn vinh là Ðất Tổ - đất gốc, nơi phát tích của dân tộc Việt Nam. Việt Trì ngày nay chính là đất cố đô của nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng.

Cuối thế kỷ 15, sử thần Ngô Sĩ Liên đã chép trong Ðại Việt sử ký toàn thư - bộ sử vào loại xưa nhất còn lưu lại đến ngày nay thuộc di sản văn hóa dân tộc: "Con Lạc Long Quân, đóng đô ở Phong Châu - nay là huyện Bạch Hạc" (Ngô Sĩ

Liên - Ðại Việt sử ký toàn thư, trang 133, quyển I - Hà Nội, 1998).

Khu di chỉ khảo cổ học Làng Cả là một di sản, tài sản văn hóa có vai trò đặc biệt của quốc gia. Ðây là khu di tích khảo cổ học thuộc giai đoạn văn hóa Ðông Sơn lớn nhất ở tỉnh Phú Thọ, có giá trị khoa học đặc biệt để nghiên cứu về thời đại Hùng Vương và nhà nước Văn Lang.

Hiện nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Văn hóa - Thông tin đang chỉ đạo Sở Văn hóa - Thông tin Phú Thọ lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa quốc gia và lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát triển khu di tích khảo cổ học Làng Cả.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích khảo cổ học Làng Cả không chỉ góp phần khẳng định và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa vùng Ðất Tổ mà còn tạo dựng môi trường để phát triển du lịch, xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Gắn kết nhiệm vụ tiếp tục thám sát, khai quật và nghiên cứu tìm thêm những phát hiện mới với khai thác triệt để những kết quả đã đạt được; kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng phát triển kinh tế với bảo tồn, tôn tạo di tích khảo cổ Làng Cả để lập quy hoạch tổng thể, xây dựng bảo tàng ngoài trời, phù hợp cảnh quan và điều kiện kinh tế - xã hội, chúng ta sẽ xây dựng được một bức tranh toàn cảnh sinh động về thời các Vua Hùng dựng nước trên đất Việt Trì, thông qua đó khẳng định, Làng Cả - Việt Trì là một trong những dấu tích lịch sử thời đại Hùng Vương hiện còn lại, nằm trong khu vực tục truyền là kinh đô của nước Văn Lang.

PHẠM BÁ KHIÊM
Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Phú Thọ

--------------------------

Tin bài liên quan:
- Phát hiện nhiều di chỉ văn hóa Đông Sơn tại Phú Thọ  (15-12)