Đi Nga làm đầu bếp

NDO - Có một nghề ở Nga được cho là thoải mái hơn và không vất vả bằng đi chợ bán hàng. Thu nhập cũng có phần tốt hơn. Nhưng không phải ai cũng làm được, vì công việc cần có tay nghề. Nghề đó mang tên đầu bếp.
0:00 / 0:00
0:00
Đi Nga làm đầu bếp

Cuộc sống thoải mái

Thanh ngồi ở bàn trong góc quán nhìn ra cửa. Quán vắng tanh. Những ngày hiếm hoi anh đầu bếp thảnh thơi, nhưng cảm giác không dễ chịu lắm. Ngày hôm nay không có khách. Nhân viên bảo với Thanh hôm nay là ngày lễ, nên anh tạm yên tâm.

Trần Nhật Thanh năm nay 30 tuổi, quê ở miền sông nước An Giang. Hồi mới 18 tuổi, Thanh đã rời quê lên thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Sau nhiều năm đứng bếp, một ngày, có người đề nghị Thanh đi Nga. Cậu muốn đi, nhưng vẫn còn lưỡng lự. Mấy ông thầy của Thanh hỏi: Chịu được lạnh không? Được - Thanh tự tin rồi lên đường.

Trong dự cảm của Thanh - người đã rời gia đình sớm ra đời lập nghiệp, mùa đông xứ Bạch dương có lẽ sẽ cắt da cắt thịt. Nhưng Thanh nghĩ, cảm giác đó chỉ là mường tượng. Nếu chỉ sợ cái điều chưa trải qua, thì sẽ mất cơ hội.

Mới đó mà Thanh đã có mùa đông thứ 4 ở Nga. Dù có sốc thời gian đầu, nhưng giờ với Thanh, mọi thứ đã trở nên quen thuộc và thoải mái. Nghề làm bếp quanh năm ở trong bếp, nên mùa đông khắc nghiệt với Thanh bỗng trở nên lãng mạn hơn. Đó là mùa của những bông tuyết bay nơi cửa sổ, những điều không bao giờ có ở An Giang quê nhà.

Đi Nga làm đầu bếp ảnh 1

Thanh (bên phải) trong nhà hàng. (Ảnh: THANH THỂ)

Học việc tại thành phố Hồ Chí Minh, rồi từng đứng bếp ở Malaysia, Singapore, hành trang đó giúp Thanh tự tin trong gian bếp phục vụ những người châu Âu xứ lạnh. Nhưng những công thức món ăn từ châu Á không hoàn toàn phù hợp ở Nga.

“Mình thiện chí lắng nghe, thiện chí điều chỉnh, với mong muốn đóng góp cho nhà hàng. Mất thời gian làm quen, mình không muốn bỏ đi như những người đầu bếp khác”. Thanh đang nhắc đến những đầu bếp giỏi, tay nghề cao, nhưng không phải ai cũng trụ lại được ở nước Nga. Lý do nhiều khi đơn giản là không có tiếng nói chung với chủ và quản lý.

Các nhà hàng Việt Nam ở Nga thường làm việc từ 11 giờ trưa đến tận 11 giờ tối. Xong việc, Thanh và những nhân viên khác nghỉ luôn ở nhà hàng. 12 tiếng trong bếp mỗi ngày, tháng 30 ngày như thế, nhưng Thanh không thấy vất vả.

“Làm ở đâu vất vả hay không cũng ở bản thân. Nếu mình biết sắp xếp, thì không cực. Hoặc cái giới hạn cực của mình cao hơn người bình thường. Việc mình làm mình không than. Đó là trách nhiệm”, Thanh nói.

Ở nhà hàng Cá Sông Lam nơi Thanh phục vụ, mỗi tháng đầu bếp có hai ngày nghỉ phép. Phòng việc cấp bách, bắt buộc nghỉ, Thanh mới nghỉ. Còn không, anh cứ làm việc quanh năm. Nếu không dùng đến phép, thì anh được lĩnh thêm tiền công từ ngày nghỉ đó. Có khách thì Thanh phục vụ, không có khách thì chuẩn bị hàng, dọn dẹp, vệ sinh bếp.

Cuộc sống Thanh thoải mái hơn những người khác, một phần cũng vì Thanh chưa áp lực nhiều vì gánh nặng gia đình. Còn độc thân, nhận lương khoảng 1.300-1.400 USD/tháng, Thanh gửi tiền về lo cho em ăn học. Không để bố mẹ phiền về mình, và lo được cho em ăn học là những điều Thanh cảm thấy tâm đắc khi lao động ở Nga.

Đi Nga làm đầu bếp ảnh 2

Thanh cho biết, làm đầu bếp ở Nga có cuộc sống thoải mái. (Ảnh: THANH THỂ)

“Nhiều người còn vợ con, lo cho cha mẹ, thậm chí nợ nần, nên cuộc sống gặp áp lực. Mình chưa vợ, chưa con, nên chắc đỡ hơn phần nào”, Thanh nói. Nhưng không phải thế là chàng trai 30 tuổi hưởng thụ cuộc sống. Thanh có mục đích riêng của mình. Qua 30 tuổi phải lấy vợ, sửa nhà. Năm nay đi lại khó khăn, Thanh dự định năm sau về lấy vợ. Những cố gắng ở nước Nga là viên gạch vững chắc để xây dựng tương lai tốt đẹp về sau.

Với những trải nghiệm thật của bản thân, Thanh chia sẻ với những người quen ở Việt Nam và giới thiệu công việc ở Nga, hy vọng mang lại cơ hội mới cho họ. Nếu chỉ đơn giản là một tin tức chia sẻ trên mạng tuyển người đi Nga, thì nhiều người ngần ngại. Họ phản ứng ngay, rằng đi Nga cực lắm, lạnh lắm, chưa kể bị lừa… Nhưng vì Thanh là người trực tiếp làm, trực tiếp giới thiệu, nên không ít người đã tin tưởng và quyết sang Nga lập nghiệp. Thanh mừng vì họ vẫn đang cảm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vừa làm chủ, vừa làm bếp

Nhiều năm gần đây, quán ăn Việt mọc lên “như nấm sau mưa”, nhất là trong các khu phục vụ đồ ăn nhanh. Phải có đến gần 1.000 cơ sở ẩm thực Việt tại thủ đô Moskva, nhưng không phải ai cũng thành công. Nhiều người phải nhượng quán, do không tìm được đầu bếp và kinh doanh không hiệu quả.

Sau 35 năm bươn chải tại các khu chợ Nga, năm 2022, anh Trần Hùng (sinh năm 1969) quyết định nhận lại một quán ăn từ người quen, khi tình hình chợ búa đã rất phập phù. Với số vốn bỏ ra chỉ khoảng 300-400 triệu đồng, ít hơn khoảng 6, 7 lần số tiền cần thiết cho một nhà hàng, anh Hùng bắt tay vào công việc mới, với sự tự tin vào tay nghề nấu nướng của người Huế.

Để tiết kiệm chi phí, anh Hùng vừa là chủ, vừa làm đầu bếp. Ở một quán khác, vợ anh cũng đứng quán như anh. Hai vợ chồng làm bếp từ sáng đến tối. Mỗi ngày 12 tiếng bán phở, mỳ xào.... Có tháng không nghỉ một ngày nào.

“Bán hàng ăn nhanh, nếu chưa thật sự đông khách, thì xác định lấy công làm lãi. Nếu thuê đầu bếp, thì chẳng dư ra được mấy. Làm một mình nhiều lúc cũng thấy cực. Chỉ mong có người giúp, để thỉnh thoảng có thể nghỉ ngơi nửa ngày”, anh Hùng nói hộ tâm tư nhiều người Việt vừa làm chủ, vừa làm đầu bếp chính hiện nay.

Đi Nga làm đầu bếp ảnh 4
Anh Trần Hùng tại quán ăn nhanh của mình. (Ảnh: THANH THỂ)

Để tiết kiệm chi phí, anh Hùng chọn cách thuê sinh viên phục vụ vào giờ cao điểm ăn trưa. Còn những thời điểm khác trong ngày, người đàn ông 54 tuổi tự nhận đơn, tự chuẩn bị món ăn, tự nấu và tự dọn dẹp.

“Người Việt ở Nga làm gì có ngày nghỉ”. Anh Hùng nói bằng điệu bộ vừa hài hước, vừa chua chát. Đi chợ, hay làm hàng ăn, anh Hùng vẫn quần quật cả năm như thế. Nhưng với anh, đi chợ vất vả hơn, vì áp lực đồng tiền căng thẳng. Còn làm quán, chủ yếu là bỏ sức. Đầu óc vì thế nhẹ nhàng hơn.

Anh Hùng bật mí, mỗi ngày chỉ cần bán khoảng 20 nghìn ruble là có lãi, tính ra chỉ khoảng 40 bát phở. Mà người Nga đang yêu món phở Việt lắm, nên anh Hùng chẳng sợ phá sản. Anh chỉ mong có sức khỏe, để lo cho hai con ăn học xong thì có thể sống cuộc sống nhàn nhã hơn.

Đi Nga làm đầu bếp ảnh 5

Quán ăn của anh Hùng. (Ảnh: THANH THỂ)

Đầu tư vào quán ăn nhanh vẫn đang là phương án được nhiều người Việt chọn, trong bối cảnh kinh doanh truyền thống ở chợ không còn như xưa. Anh Hùng chia sẻ, người có vốn có thể đầu tư một chuỗi ăn nhanh, thuê nhân công. Còn người không dư giả thì tự đứng quán, tự chăm chút cho từng nồi nước hầm, từng cốc trà, miễn sao là mình còn khỏe và còn thấy phù hợp với công việc này.

Cố gắng duy trì các nhà hàng

Tháng 7/2022, theo khảo sát do Ngân hàng Home Credit thực hiện, gần một nửa (49%) số người Nga được hỏi cho biết ít đến các nhà hàng và quán cà phê hơn. 64% số người trả lời cho biết họ đến quán cà phê và nhà hàng để dùng bữa hằng ngày.

Đáng chú ý, các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống phổ biến nhất đối với người Nga là quán đồ ăn nhanh (40%), trong khi nhà hàng hoặc quán cà phê chỉ có 13% số người lựa chọn.

Thông tin này làm anh Lưu Anh Tuấn không vui. Sở hữu nhiều nhà hàng Việt Nam tại trung tâm thủ đô Moskva, công việc làm ăn từng suôn sẻ trước dịch Covid-19, song trải qua ba năm vất vả gần đây, anh Tuấn cho biết, dù khó khăn nhất đã qua, song thời điểm hiện tại vẫn chỉ đang cố gắng duy trì chuỗi nhà hàng.

Sau nhiều năm làm nghề, anh Tuấn khẳng định, các nhà hàng hiện có thể tồn tại nếu đối tượng khách hàng là người dân lao động. Còn nếu hướng đến phân khúc khách hàng sang trọng, thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Anh Tuấn lấy dẫn chứng từ một cuộc khảo sát cho biết, số tiền trung bình mà người Nga tiêu vào một lần đến các dịch vụ ăn uống là 1.035 ruble (khoảng 350 nghìn đồng). Trong khi đó, để vào nhà hàng sang trọng, mỗi người cần khoảng 2.000 ruble. Chưa kể, nhiều người Nga thừa nhận bắt đầu phải tiết kiệm trong năm 2022.

“Nếu bây giờ chọn đầu tư, thì mình vẫn lựa chọn các quán ăn nhỏ, phục vụ đồ ăn nhanh. Mô hình này cần ít vốn, chi phí rẻ, mang lại lợi nhuận tốt”, anh Tuấn nhận định.

Đi Nga làm đầu bếp ảnh 7

Khách Nga tại quán Cá Sông Lam. (Ảnh: THANH THỂ)

Với anh Tuấn và nhiều quán ăn Việt ở Nga, hơn hai năm qua là quãng thời gian vất vả trong việc tìm đầu bếp có tay nghề. Nhiều cơ sở buộc sử dụng những nhân viên tay nghề thấp, thậm chí cho sinh viên đứng bếp, đã khiến chất lượng món ăn giảm, kéo theo mất khách.

Nhu cầu về đầu bếp của anh Tuấn và những ông chủ nhà hàng Việt ở Nga vẫn có. Tuy nhiên, họ thừa nhận không dễ tuyển được nhân viên từ Việt Nam. Lý do là gì thì anh Tuấn cho biết, như đầu bếp Thanh đã chia sẻ, người Việt vẫn có những nỗi sợ, mà đôi khi chỉ là tưởng tượng.