Về xưởng may ăn Tết

Qua Giao thừa đã lâu nhưng không khí của gần 30 con người tại hai xưởng may của người Việt ở ngoại ô Thủ đô Moscow (Nga) vẫn còn ngập tràn trong âm nhạc. Cuộc sống quanh năm chỉ biết đến máy may, vải vóc dường như khiến họ thấy quý hơn những giờ phút được thoải mái bộc bạch nỗi niềm. Trong những lúc tưởng như được sống cho bản thân nhiều nhất, họ lại dành phần nhiều tâm tư hướng về quê hương, gia đình.

Những giờ may cuối cùng trong năm Tân Sửu.
Những giờ may cuối cùng trong năm Tân Sửu.

Những ngày đã khác

Ngày 28 tháng Chạp, anh Đình Cường (quê Nghệ An) và chị Nguyễn Thị Hòa (quê Quảng Bình) cố giao nốt chuyến hàng lên chợ, rồi tranh thủ thu nợ để có tiền động viên công nhân. Trên đường về, hai chủ xưởng tạt qua chợ Chim (tên thường gọi của chợ Sadovod) để sắm đồ chuẩn bị đón Tết. “Nhanh nhanh để bọn tôi còn về. Ở nhà đang chờ”, họ giục. Lát sau, hàng đã nằm gọn ở thùng xe, đủ loại tiền vàng, mứt Tết, gà trống, nước mắm, gia vị, chuối, thanh long, phật thủ... Có cả cặp bánh chưng khách biếu chị Hòa mang về cho công nhân đón Tết.

Trước khi quyết định đi nhờ xe anh Cường xuống xưởng, tôi mới chỉ nghe kể về “xưởng may đen” của người Việt trong quá khứ, nằm dưới hầm đóng kín cửa, không lối ra. Công nhân nửa đêm phải đu dây, chạy trốn, co ro trong rừng tuyết. Chị Hòa quả quyết: “Quá khứ đó khiến nhiều người Việt giờ ngại sang Nga làm may, dù mọi thứ đang rất thuận lợi”. Chị Hòa cứ lăn tăn câu chuyện làm thế nào cho họ hiểu, nhiều thứ giờ đã đổi thay.

“Xưởng may trắng” (xưởng may hợp pháp) của anh Cường và chị Hòa nằm ngay gần bến xe trung tâm thành phố Voskresensk, cách Thủ đô Moscow khoảng 80 km, trong một tòa nhà hai tầng có mái tôn mầu xanh dài kiểu đặc trưng của xí nghiệp. Chị Hòa thuê mặt bằng này của chủ là người Việt Nam từ năm 2019, với khoảng 400 m2 diện tích sàn sản xuất, thêm từng ấy diện tích làm nhà cho công nhân. Anh Cường cũng thế. 

Hai gian đặt máy của anh Cường và chị Hòa nằm tầng hai, cách nhau một cánh cửa gỗ dường như chẳng đóng bao giờ. Khu nhà ở của công nhân được xây kiên cố, hành lang ở giữa trông như khu ký túc xá sinh viên. Công nhân hai xưởng sống chung trong một khu, song vẫn có những “ranh giới” riêng. Xưởng anh Cường dùng nhà vệ sinh bên phải, còn bên trái dành cho công nhân của chị Hòa. Trong bếp, công nhân của chị Hòa ăn uống, nấu nướng bên phải, còn bên trái của anh Cường. Riêng thì riêng vậy thôi, nhưng hầu như họ coi nhau như người trong một xưởng. 

Cởi áo khoác, chị Hòa chạy thẳng vào bếp. Mặt tường ngay cửa đã được trang trí cành đào giả và treo phông xanh da trời, có dán chữ “Chúc mừng năm mới 2022” đủ mầu sắc. Cùng tiếng nhạc xuân rộn ràng, một chiếc bàn được phủ khăn đỏ, trên trần trang trí dây tua óng ánh, khoảng chục công nhân đang ăn tối. Họ và vội bát cơm rồi chạy ù lên máy, tranh thủ may nốt số hàng còn dở để nghỉ Tết. Mỗi người một công đoạn, người cắt, người may, người xếp. Những người trẻ ngoài 20 tuổi xong việc của mình, nhanh tay giúp người khác để còn đóng máy nghỉ ngơi.

Một số người được nghỉ Tết từ sớm í ới gọi nhau dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Tại khu nhà ở này, mỗi phòng thường dành cho bốn người. Cũng có phòng riêng cho các cặp đôi, hay vợ chồng. Trong số những người làm cho anh Cường, có bốn cặp vợ chồng ở chung với nhau. Mỗi đôi một giường quây vải hồng, xếp bốn góc trong căn phòng rộng gần 40 m2 không vách ngăn. Tôi gặng hỏi một nữ công nhân sinh năm 1988 sang Nga làm may được hai năm: “Sống cùng thế có bất tiện không chị?”. “Giường cách giường cả mét mà anh, sống như thế cho gần gũi, tình cảm”, chị nói tự nhiên.

Chị Hòa bỏ bữa tối, đưa gạo nếp đã ngâm, thịt đã ướp ra bàn để gói bánh chưng. Công nhân đứng gần chị quan sát. “Mình gói bánh cho công nhân phấn khởi, Tết mà”, người phụ nữ năm nay ngoài 40 lâu nay chỉ sống cùng một chú mèo trắng tươi cười nói. Dùng chỉ hai lá dong cho một bánh, chị cố gói ghém cho kín kẽ. “Lá dong đắt, gói bốn lá thì được ít bánh lắm”, nói rồi chị dùng tấm bọc thực phẩm quấn một lớp ngoài bánh, sau đó dùng dây buộc lại chắc chắn. 

Về xưởng may ăn Tết -0
Chị Hòa gói bánh chưng cho công nhân đón Tết.  

Phút Giao thừa xúc động

Chung quanh câu chuyện rôm rả cuối năm trong bếp, chị Hòa quả quyết đi may giờ sướng hơn đi chợ. Những ám ảnh về xưởng may bất hợp pháp ngày một phai mờ. Chị Hòa giải thích kỹ hơn: “Người làm xưởng may hợp pháp ngày càng nhiều, với cơ sở khang trang, giấy tờ công nhân hợp lệ. Công nhân bây giờ buổi tối có thể yên tâm ngủ ngon. Họ cũng đi lại không còn dè dặt như trước. Về lương, mỗi tháng có thể dành ra khoảng 1.000 USD/người. Riêng cái khoản được nghỉ Tết âm lịch cả tuần thì buôn bán ở chợ không thể có được”, chị Hòa nói.

Buổi sáng cuối cùng trong năm, tiếng nhạc xuân vang cả khu hành lang từ sớm. Chỉ còn một vài công nhân cặm cụi ở xưởng, xếp nốt mấy trăm chiếc quần thành phẩm vào túi để kịp đóng kiện. Công nhân hai xưởng hò nhau dậy. Một số tập hợp giữa lối đi trước khu tắm giặt, cắt tóc cho nhau. “Có cần đẹp đâu, gọn gàng đón Tết là được”, một “thợ” cắt tóc nói. 

Phụ nữ vào bếp nấu nướng. Đàn ông xúm lại làm thịt lợn, thịt gà. Họ vừa làm vừa nhấp nhổm điện thoại. Chuông điện thoại đổ liên tục từ quê nhà. Chị Nguyễn Thị Thùy, 31 tuổi, sang Nga đã gần bốn năm, cầm điện thoại ngồi giữa sàn nhà ngắm nghía, trò chuyện với đứa con gái sáu tuổi đang ở quê với bà: 

- “Mẹ ơi mẹ ăn Tết chưa?”, con gái hỏi chị. 

- “Bên mẹ đã tối đâu con. Con mặc đồ đẹp chưa? Ăn ít kẹo thôi nhé... Tí nữa con có thức đón Giao thừa không? Con vào quay bàn thờ bố cho mẹ xem nào. Đi vào nữa đi, mẹ chưa thấy gì cả...”.

Chồng chị Thùy mất vì đuối nước trong lúc khai thác cát ở sông cách đây đã sáu năm. Bàn tay nhiều năm qua dò từng đường chỉ vẫn còn đeo nhẫn cưới, chỉ vì “ngày mất, anh ấy vẫn đang đeo mà”. Anh mất được thời gian, chị quyết định sang Nga làm thợ may. Tiền lương được bao nhiêu, chị Thùy gửi về hết để lo cho hai con. Lại thêm một cái Tết chị xa nhà. Sự kết nối duy nhất lúc này là những cuộc điện thoại video, được thấy con mình ngoan, khỏe mạnh, vâng lời bà. 

Tranh thủ lúc bố mẹ còn khỏe, nhờ ông bà chăm cháu để vợ chồng đi xa làm ăn là lựa chọn của nhiều người. Vợ chồng anh Tạ Hữu Tuấn (36 tuổi, quê Nghệ An), là họ hàng chị Thùy, cũng ngóng con qua điện thoại. “Xa nhà, xa con buồn lắm. Con cái cứ lớn dần lên. Làm bên này dù mỗi ngày mười mấy giờ đồng hồ, song có đồng ra đồng vào. Hai vợ chồng tiết kiệm, cuối tháng gửi về nuôi con ăn học”, anh Tuấn kể.

Bản thân anh Tuấn hay nhiều công nhân khác trong xưởng đều không biết bao giờ mình sẽ trở về. Công việc có vất vả, nhưng làm lâu cũng quen. Họ tự bảo nhau rằng, chỉ tranh thủ kiếm tiền khi các con còn nhỏ, rồi khi con lớn, họ phải về chứ. “Được đồng tiền nhưng con hư thì cuộc đời này vô nghĩa. Bố mẹ sẽ hối hận lắm. Mình cố gắng từng ngày. Đời mình khổ rồi, nhưng nhất quyết không để con cái khổ như mình nữa”, anh Tuấn chia sẻ.

Chị Hòa đi qua nghe anh Tuấn nói, liền vỗ vào vai anh bày tỏ đồng cảm. Anh Tuấn là công nhân của anh Cường, nhưng nhiều người nói anh Cường với chị Hòa thì có khác gì nhau đâu. Họ lo cho công nhân từng chút một. Nhất là lúc ốm đau, bệnh tật. Công nhân đi Nga làm may, gặp được chủ tốt, cảm thấy cuộc đời này còn nhiều may mắn. Thêm được đồng hương tốt, bạn bè tốt, thì những khó khăn nơi đất khách quê người chẳng là gì với họ. Họ cứ luôn miệng dặn bà cháu ở nhà giữ gìn sức khỏe, bên này anh chị em lo cho nhau, đùm bọc như người thân. 

Trong mâm cơm Giao thừa quây quần bên nhau, những người phụ nữ rụt rè diện những bộ đồ mới. Cánh đàn ông thấy lạ, ồ lên. Họ vừa ăn vừa để ý điện thoại, tranh thủ trò chuyện cùng người thân nơi quê nhà. Đến khi chắc chắn ở quê đã đi ngủ, họ mới ở lại cùng nhau, thành thật với nhau trong từng câu chuyện, cảm ơn vì đã coi nhau như người một nhà, không quên chúc nhau năm tới mạnh khỏe để tiếp tục ước mơ cho con cái đổi đời.