Với mặt bằng chỉ khoảng 20 m², cao 3 m ở chợ Sadovod (hay còn gọi chợ Chim) ở Thủ đô Moscow, anh Vũ Việt Anh (35 tuổi, quê Hải Phòng) chỉ cần bốn bước để lên tầng hai bằng chiếc thang nhôm. Trên đó có kho hàng quần áo anh bán qua mạng. Đã bắt đầu từ khoảng 5 năm trước, nhưng thời gian gần đây, khi dịch Covid-19 khiến xã hội giãn cách, hình thức bán online nở rộ hơn tại chợ Chim. Theo anh Việt Anh, phải đến 70% số cửa hàng trong chợ áp dụng phương thức bán từ xa, khi nó tỏ ra hiệu quả hơn bán hàng truyền thống.
Bán hàng qua mạng đang giúp nhiều người Việt Nam tại Nga ăn nên làm ra. Chỉ cần lên Facebook, hay trang mạng xã hội VK của Nga, tìm kiếm từ khóa Sadovod, cả trăm nhóm hiện lên với đủ loại hàng hóa. “Khách có thể nhắn tin trực tiếp cho người bán hoặc liên hệ với những người trung gian”, anh Việt Anh giải thích.
Khi hình thức bán online được ưa chuộng, nhiều người Việt Nam trở thành những người trung gian. Họ lập nhóm, đầu tư quảng cáo để giành lợi thế thu hút người mua. Công việc của họ là lấy ảnh hàng hóa từ các cửa hàng đăng lên tài khoản của mình, hoặc đến cửa hàng lấy đúng sản phẩm được khách yêu cầu rồi gửi vận chuyển. Trong cả hai cách trên, họ đều thu phí 10%. “Tôi kiếm khoảng 1.000 USD/tháng từ việc này”, một người trung gian vào lấy hàng cho biết.
Cách chợ Chim không xa là đầu mối bán buôn mang tên Tổ hợp thương mại Moscow, hay còn gọi chợ Liu, nơi có hàng nghìn người Việt Nam làm ăn. Sau tháng 1 và tháng 2 “đuối” nhất năm, chợ Liu đang tấp nập vào vụ. Tiếng kéo băng dính đóng hàng xèn xẹt từ góc này sang góc khác. Hàng hóa luân chuyển liên tục, để tràn ra cả hành lang. Khách và chủ ai nấy đều đeo khẩu trang. Khi không khí có vẻ ngột ngạt, nhân viên bán hàng chỉ dám kéo khẩu trang xuống dưới mũi ít phút, rồi lại đưa lên vì sợ bị phạt.
Anh Nguyễn Hòa (quê Hà Tĩnh) cùng vợ nhớ lại quãng thời gian đầy lo lắng vào tháng 4, tháng 5 năm ngoái, khi dịch bùng phát mạnh ở Moscow khiến chợ đóng cửa. Với những người đi chợ, một ngày nghỉ là một ngày mất thu nhập. Hàng trăm triệu tiền thuế hằng tháng, cùng tiền ăn, tiền nhà, tiền nhân viên… khiến áp lực kiếm tiền trở nên ghê gớm. Từng “như ngồi trên lửa” khi hai tháng năm ngoái phải nằm yên ở nhà, giờ đây, anh Hòa cùng nhiều người Việt Nam tại chợ Liu lạc quan nhận định kịch bản chợ đóng cửa sẽ không lặp lại.
Nga bắt đầu tiêm chủng rộng rãi vaccine phòng Covid-19 từ giữa tháng 1 năm nay. Hai vợ chồng anh Hòa vừa qua cũng đã tiêm xong hai mũi vaccine Sputnik V. “Trong chợ cũng bảo ban nhau đi tiêm ngừa rất đông, hoàn toàn miễn phí”, anh Hòa chia sẻ đầy lạc quan và tin tưởng tuyệt đối vào chính sách chống dịch của nước Nga. Gia đình anh Hòa ở Việt Nam sau quãng thời gian lo lắng đến “không cả dám xem ti-vi phản ánh về tình hình dịch Covid-19 tại Nga”, giờ cũng yên tâm hơn nhiều. Còn bản thân anh Hòa, tiêm vaccine phòng Covid-19 vừa bảo vệ bản thân, vừa thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Việc Nga tạo ra vaccine phòng Covid-19 sớm là một “kết quả đáng ngưỡng mộ”, anh Hòa cho biết.
Mới đây, trong cuộc họp về kết quả chống dịch, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin nhận định, Thủ đô của nước Nga đã vượt qua giai đoạn khủng khiếp nhất của đại dịch Covid-19, sẵn sàng ứng phó tình hình dịch bệnh trong năm 2021. Ông Sergei Sobyanin cũng bày tỏ tin tưởng, ngay cả khi tình hình dịch Covid-19 trở nên xấu đi, Nga cũng đã có nhiều kinh nghiệm đối phó tốt hơn, từ chống dịch đến chữa trị.
Khi mà một số quốc gia châu Âu đang tiếp tục phải đóng cửa, cuộc sống ở Nga dường như đã trở lại bình thường, dù nhiều biện pháp giãn cách xã hội vẫn đang được triển khai”, anh Hòa nhận định. Dịch được khống chế và kiểm soát tốt giúp người Việt Nam tại Nga có thể yên tâm làm ăn và tiếp tục trông đợi vào những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế.