Chuyện bán hàng ở chợ Nga

Anh Hà Văn Quốc không nhớ rõ chính xác thời điểm đặt chân lên nước Nga làm ăn, chỉ mang máng đã hơn chục năm rồi. Từng ấy thời gian anh chủ yếu quanh quẩn trong chợ, rồi về nhà. Mỗi năm chỉ vài ngày nghỉ, nhưng vì đồng tiền gửi về giúp đỡ bố mẹ và tích lũy làm vốn, cuộc hành trình bán hàng ở chợ của anh và nhiều người Việt dù có những tâm tư song có lẽ vẫn còn tiếp tục kéo dài.
0:00 / 0:00
0:00
Người Việt Nam buôn bán tại chợ Liu.
Người Việt Nam buôn bán tại chợ Liu.

Sống chung một nhà

Khu chợ Liu (tên gọi tắt của Tổ hợp Thương mại Moscow) không xa lạ gì với người Việt ở Nga. Đây là một trong những khu chợ bán sỉ lớn nhất Thủ đô Moscow, phân phối hàng đi toàn quốc. Khi chợ Vòm nổi tiếng được giải tỏa từ cách đây hơn chục năm, nhiều người Việt đã chọn chợ Liu để tiếp tục trụ lại. Anh Hà Văn Quốc (quê Hà Tĩnh) quyết định sang Nga theo đề nghị của một người anh trong họ, từ lúc mọi người rời chợ Vòm chuyển sang chợ mới.

Anh Quốc tạm biệt quê hương lúc ngoài đôi mươi, rồi sau đó nhiều người trong họ hàng anh, cả bên ngoại lẫn bên nội, cũng nối gót theo. Để phát triển công việc kinh doanh, dần dần họ có một gia đình lớn nơi Thủ đô Moscow nhiều cơ hội.

Mới 5 giờ sáng, cả nhà kéo nhau dậy. Căn chung cư nam, nữ ở chung, ba phòng, nằm cách chợ khoảng hai đến ba km chỉ có một phòng vệ sinh. Không có quy định, mỗi người tự biết phải làm vệ sinh cá nhân nhanh nhất có thể. Những người chưa đến lượt, hoặc ra bếp, hoặc đứng dựa vào tường gắng chợp mắt thêm một chút. Họ đánh răng vội, rửa mặt vội, rồi cũng vội gọi taxi ra chợ. Tới 5 giờ 30 phút sáng, họ mở cửa ki-ốt.

Trước đây, thời chợ còn tấp nập, từ 4 giờ 30 phút sáng những người như anh Quốc đã phải có mặt ở chợ, nói như ngôn ngữ của họ là để “bắt gà” sớm. Rồi họ ở ngoài đó một mạch hơn 12 tiếng, đến năm hay sáu giờ chiều. Một năm hơn 360 ngày như thế, trừ ngày Tết dương, Tết âm… Có hôm họ ở đấy đến tận khuya để đóng hàng cho khách. Về nhà cơm nước xong, chợp mắt vài tiếng đã lại thấy họ ở chợ rồi.

Mùa hè 10 giờ đêm trời mới tối hẳn, nên cảm giác ngày dài hơn và cuộc sống của họ có phần đỡ buồn tẻ. Hôm nay từ chợ về, không đi đá bóng, anh Quốc cùng mấy anh em trong nhà rủ nhau đi câu cá ngay con mương gần nhà. Chín giờ tối họ mới về, mang theo một túi cá sàn sàn hai ngón tay. Họ chiên cá, rồi ngồi ăn với cơm, gật gù khen ngon.

Trước đây, khi mợ là vợ của người cậu trong gia đình chưa sang nấu ăn cho cả nhà, chiều về, anh em phải phân nhau ra nấu bữa tối, rồi nấu luôn cho cả bữa trưa ngày hôm sau để sáng mai mang đi chợ. Giờ có mợ lo cơm nước, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Mợ dậy từ bốn giờ sáng, chuẩn bị cơm cho anh em mang đi làm. Giữa buổi, mợ gọi taxi mang cơm ra chợ. Nên ngày ba bữa, họ ăn cùng nhau. “Nếu đồng ruble ở mức 60 ruble đổi một USD, thì mặt bằng chung một người làm thuê ở chợ mỗi tháng có thể tích lũy 1.000 USD. Con số đó với nhiều người cũng tạm ổn rồi”, anh Quốc chia sẻ.

Anh Quốc vẫn đang làm giúp cho người đã đưa anh sang Nga, một người trẻ xuất thân từ Hà Tĩnh vốn vẫn có tiếng thành đạt và chăm lo kỹ càng cho người trong nhà. Một người không muốn được gọi là “ông chủ”, chỉ nhận mình là người dìu dắt anh em, để biết ơn cuộc đời và những người đi trước đã cho anh cơ hội đổi đời. Cùng với anh Quốc, còn bốn, năm người nữa cũng là anh em quen biết, đang phụ trách một cửa hàng rộng khoảng 80m2, bán quần áo thể thao nam, nữ trong chợ. Công việc phân công rõ ràng. Người bán hàng, người lo làm kho. Anh Quốc là người có kinh nghiệm nên được giao bán hàng chính và quản lý tiền, sổ sách.

Trong thành phần gia đình anh Quốc đang buôn bán ở Nga, có những người trước đây muốn đi Hàn Quốc hay Nhật Bản nhưng không thành. Có người ở Việt Nam không có công việc ổn định, cũng có người ly hôn và có cả người từng “sa cơ lỡ vận”, nợ nần chồng chất. Họ quyết tâm ra đi và nước Nga không tiếc họ những cơ hội để làm lại cuộc đời.

Chuyện bán hàng ở chợ Nga ảnh 1

Anh Quốc thường xuyên bận bịu với công việc ở cửa hàng.

Mục tiêu kinh tế

Chợ Liu được xây dựng hiện đại, kiên cố, bảo đảm an ninh. Mua bán diễn ra trong nhà nên mùa đông người đi buôn không phải chịu cái rét căm căm như ở nhiều khu chợ tại những thành phố khác. Nhưng mùa hè, nhất là những ngày nắng nóng hơn 30oC, không khí có phần ngột ngạt. Người lạ vào chợ sẽ cảm nhận ngay không khí như đặc quánh. Nhưng những người ở chợ lâu dần rồi cũng quen. Hôm nào khó chịu quá, thì thỉnh thoảng họ lại chạy ra ngoài hít một hơi dài, rồi lại vào.

“Ngày 12 tiếng ở chợ, quanh năm như thế, anh trụ nổi không?”, tôi hỏi anh Quốc. “Trước đây, vì chán, làm được hai năm rưỡi mình quyết định về Việt Nam. Đến sân bay Nội Bài, lẩm nhẩm rằng sẽ không trở lại nước Nga thêm lần nào nữa. Người trẻ ai chẳng muốn tự do một tí, bay nhảy một tí. Ở Nga, quanh năm ngồi trong chợ thì khó chịu lắm”, anh Quốc bày tỏ.

Về quê nhà, với số tiền tích lũy được, anh mở một cửa hàng bán phụ kiện điện thoại. Nhưng buôn bán khó khăn. Ba năm sau, anh trở lại Nga. “Về Việt Nam không biết làm gì để sống. Kinh doanh thì cảm giác luôn đi sau người ta. Mình cứ chậm lại, khó thích nghi”, anh Quốc giải thích cho quyết định trở lại nước Nga, nơi mà anh vẫn cảm thấy thời gian dành cho công việc ở chợ quá nhiều, không có thời gian riêng cho bản thân. Nhiều người mới sang muốn bỏ hết mà về. Nhưng về rồi sang lại là câu chuyện “nghe đi nghe lại” với người Việt đi Nga làm ăn.

Trong hàng chục nghìn người buôn bán ở chợ, chủ yếu vẫn là người Việt Nam, người Trung Quốc hay các quốc gia láng giềng với Nga. Chắc chỉ có họ mới đủ kiên trì, nghị lực để sống một cuộc sống lặp đi lặp lại như thế. “Người Tây họ không sống được như mình đâu. Làm sao mà một năm họ chỉ nghỉ có vài ngày được. Làm sao mà ngày nào họ cũng phơi mặt trong cái không gian chật hẹp này được”, anh Quốc nói.

Ngồi ngay bàn uống nước nơi cửa vào, anh Quốc ngoái đầu nhìn cô gái trẻ đang đứng tựa vào cánh cửa. Đó là Thơ, tốt nghiệp ngành luật ở Việt Nam, rồi bay luôn sang Nga muốn thử sức với cơ hội nơi khu chợ. Nhưng chỉ tám tháng sau ngày đầu đặt chân lên miền đất hứa, cô đã quyết định trở về. Lý do là cô thấy cuộc sống ở đây có nhiều điểm không phù hợp.

Đức, em trai của ông chủ cửa hàng, tốt nghiệp đại học ở Anh năm 2017, giờ cũng đang miệt mài trong chợ. Đức chọn sang Nga vì hai lý do. Một là, sau khi ở Anh về, Đức đi làm ở thành phố Hồ Chí Minh trong vòng một năm, song thu nhập không như kỳ vọng. Hai là, trong quãng thời gian mới lập nghiệp ở Việt Nam, anh không về nhà được lần nào. Hai điều đó khiến Đức quyết định sang Nga làm ăn, vì có anh em bạn bè đông đủ. Nhưng Đức quả quyết, nếu không có họ hàng bên này thì anh khó lòng mà chọn nước Nga.

Hơn 10 năm quanh ra quẩn vào ở chợ, anh Quốc cố gắng gửi tiền về cho gia đình đều đặn. Anh cũng đã xây được nhà cho bố mẹ. Đó là điều khiến anh cũng như nhiều người Việt Nam chọn ra nước ngoài làm việc cảm thấy hạnh phúc. Còn niềm vui cá nhân, hay có một người bạn đời san sẻ nơi đất khách quê người, cần thì cần thật đấy, nhưng nhiều người dần dần rồi cũng chẳng còn nghĩ ngợi đến nhiều.

Thơ chọn trở về và bất chấp phía trước có nhiều thử thách. Cô gái trẻ tâm sự không muốn để thanh xuân của mình mắc kẹt nơi quanh năm suốt tháng chỉ biết đến hàng hóa. Cô còn trẻ, lại học hành bài bản, cô muốn chọn một cuộc sống phù hợp hơn với mình. Còn anh Quốc và nhiều người khác chắc vẫn sẽ ở lại dài, vì ngoài mục đích kinh tế, trợ giúp gia đình, anh còn cảm thấy khu chợ ở nước Nga rộng lớn đã trở nên quá đỗi thân thuộc. Chưa kể, nhiều người đã thành công, nhờ kiên trì vượt qua những khó khăn để bám trụ và tìm cơ hội nơi đây.