Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” tại Bình Phước đã góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công. Đó là những hoạt động thiết thực như: tặng nhà nhà tình nghĩa, giúp đỡ chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng, bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi cùng nhiều hoạt động tình nghĩa thiết thực.
Tích cực "Đền ơn đáp nghĩa"
Ông Lê Văn Mãi, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, cho biết, tính từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã vận động xây dựng và sửa chữa 684 căn nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí trên 43,4 tỷ đồng; tặng 167 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá 451 triệu đồng; tổ chức, giải quyết điều dưỡng chăm sóc sức khỏe cho 10.575 lượt người có công.
Riêng 6 tháng đầu năm 2022, Bình Phước đã xây mới 59 căn nhà và sửa chữa 106 căn nhà tình nghĩa cho người có công khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng; toàn tỉnh đã mua 26.908 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, thân nhân người có công và giải quyết cấp trang thiết bị dụng cụ chỉnh hình cho 41 đối tượng thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; thăm, tặng quà cho đối tượng người có công dịp Tết Nguyên đán hơn 11 tỷ đồng.
Hiện nay, toàn tỉnh Bình Phước các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời 49 người có công, trong đó có 14 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với mức phụng dưỡng hằng tháng là 1.500.000 đồng/tháng.
Theo đó, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được hưởng ứng tích cực, nhân rộng điển hình trở thành phong trào “xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công”. 100% xã, phường trong tỉnh được công nhận và giữ vững danh hiệu xã, phường làm tốt công tác chính sách người có công. Toàn tỉnh không còn gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo, 100% gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Ngoài các chính sách hỗ trợ trên, công tác quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, xác định thông tin để trả lại tên cho liệt sĩ cũng như công tác chăm sóc, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.
Trở lại thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Trương Thị Nên (ở ấp Cây Điệp, xã Tân Phước Đồng Phú) có chồng và con trai là liệt sĩ. Thật xúc động khi mẹ đang từng ngày yếu đi vì tuổi cao. Khi nhắc lại những hy sinh của chồng và con trai, mẹ Nên lại rơm rớm nước mắt.
Mẹ Nên nói, mẹ tự hào khi những hy sinh của chồng, con đã góp phần làm nên nền độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, cho đất nước ta giàu đẹp như ngày hôm nay. Đặc biệt, công tác chăm lo cho người có công của Đảng, Nhà nước và các thế hệ trẻ đã góp phần làm ấm lòng những người còn sống có hoàn cảnh như mẹ đây.
Tỉnh Bình Phước tuyên dương các tập thể, cá nhân làm tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa. |
Tại Trung đoàn 719 (Binh đoàn 16), những năm qua đơn vị đã tận tình phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Bảy, xã Bình Minh (Bù Đăng), đồng thời thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, khám bệnh, động viên, chia sẻ vui buồn với những gia đình người có công trên địa bàn đơn vị đóng chân.
Trung tá Đậu Văn Thành, Trung đoàn phó Trung đoàn 719 cho biết: Hằng năm, đơn vị luôn chú trọng và làm tốt công tác phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà các đối tượng chính sách, đồng bào nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn các xã đơn vị đóng quân.
Đồng hành cũng sự phát triển của tỉnh
Đã ngoài 70 tuổi, từng tham gia khắp các chiến trường ở miền Đông Nam Bộ, thương binh ¾ Trần Tấn Đồng (xã Đa Kia, Bù Gia Mập) trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, xứng đáng với lời dặn của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Sau những năm tháng ở chiến trường, trở về với đời thường, ông không ngừng phát triển kinh tế góp phần xây dựng quê hương. Và là một trong những người đầu tiên nuôi chim yến ở đất Bình Phước. Đến nay, hai nhà yến cho gia đình ông thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập, cho biết: Đồng chí Trần Tấn Đồng là đảng viên gần 50 năm tuổi Đảng, thương binh ¾, là hội viên cựu chiến binh tiêu biểu của xã. Ngoài tích cực phát triển kinh tế, ông còn làm nhiều điều tốt cho xã hội, nhất là giúp cựu chiến binh phát triển kinh tế.
Cứ đến tháng 7, thương binh ¾ Đào Đức Cường lại đến nhà bia tưởng niệm của xã Lộc Hưng (Lộc Ninh) để thắp nhang tưởng nhớ những đồng đội đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam. Tri ân đồng đội, ông không chỉ cùng nhân dân địa phương đóng góp xây dựng nên tấm bia ghi công mà bản thân ông luôn quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng kinh tế gia đình vững mạnh.
Với sự năng động, sáng tạo, hằng năm gia đình thương binh ¾ Đào Đức Cường thu về trên 1 tỷ đồng từ việc trồng cây công nghiệp. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với thu nhập hằng tháng 7-8 triệu đồng. Ông còn hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho quỹ phúc lợi của địa phương và các gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Ông Cường tâm niệm, cứ còn sức là ông còn lao động và sẽ tiếp tục giúp đỡ những đồng đội còn khó khăn cũng như các gia đình nghèo trên địa bàn.
Từng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, sau khi giải ngũ, bệnh binh Trần Xuân Đê đã đi xây dựng kinh tế mới ở ấp Thanh Trung, thị trấn Thanh Bình (Bù Đốp). Sau hơn 30 năm trên vùng đất mới, là đảng viên gần 50 năm tuổi Đảng, cựu chiến binh Trần Xuân Đê trở thành tấm gương điển hình trong phong trào thi đua lao động sản xuất.
Ông Đê chia sẻ: Khi đất nước có chiến tranh mình đã xả thân chiến đấu để bảo vệ. Khi hòa bình, mình phải lăn lộn trồng tiêu, điều, chăn nuôi dê, gà để làm giàu cho gia đình và xã hội; làm tấm gương để con cháu cũng như đảng viên trẻ trong chi bộ học tập noi theo. Mình là anh bộ đội Cụ Hồ thì ở bất cứ nơi nào, bất cứ chỗ nào mình cũng hoàn thành nhiệm vụ.
Với những nỗ lực không ngừng, nhiều thương binh, bệnh binh trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã góp phần bảo vệ nền độc lập của dân tộc, xây dựng quê hương Bình Phước ngày càng giàu đẹp.
Trong dịp 27/7 này, tỉnh Bình Phước đã tổ chức họp mặt, tuyên dương các tập thể có đóng góp tích cực cho phong trào Đền ơn đáp nghĩa và 11 gương người có công tiêu biểu. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công tiêu biểu.