Báo cáo của đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải cho biết, Dự án thành phần cao tốc đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết (qua tỉnh Bình Thuận) dài 100,8km, thực hiện đạt sản lượng 75,61% giá trị hợp đồng, chậm 8,17% so tiến độ. Dự án xây dựng đoạn Phan Thiết-Dầu Giây (qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai) dài 99km, thực hiện đạt 85,99% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng yêu cầu. So kế hoạch chung, tiến độ thi công đều chậm so yêu cầu, đặc biệt là việc thi công các hạng mục đường dẫn lên các cầu vượt ngang, đường gom dân sinh.
Nguyên nhân chủ yếu do các nhà thầu yếu kém về mặt tài chính, đặc biệt từ đầu năm 2023 đến nay nhà thầu không còn huy động nguồn tài chính cho công trường, dẫn đến thiếu vật tư, vật liệu để thi công 3 ca, 4 kíp; cả hai dự án đều thiếu nguyên liệu đất đắp với khối lượng lớn để làm đường gom dân sinh, đường dẫn lên cầu vượt ngang, trong đó dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết thiếu 0,92 triệu khối; dự án Phan Thiết-Dầu Giây thiếu 0,62 triệu khối.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi làm việc. |
Mặc dù Ban Quản lý dự án đã có các động thái xử lý nhà thầu chậm tiến độ như điều chuyển khối lượng trong liên danh nhưng do các thành viên đều chậm, cùng với đất đắp còn thiếu nên giải pháp vẫn chưa phát huy hiệu quả.
Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 Đinh Công Minh phụ trách đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết cho biết thêm, các mỏ đất được cấp phép theo Nghị quyết số 60/NQ-CP cung cấp cho dự án có thời hạn khai thác đến ngày 10/12/2022, trong thời gian thực hiện thủ tục gia hạn nên công tác thi công nền đường gom, nút giao, đường đầu cầu vượt bị gián đoạn; các nhà thầu thiếu hụt tài chính trầm trọng dẫn đến gián đoạn nguồn cấp vật liệu, nhiên liệu cho dự án.
Một số nhà thầu, đơn vị thi công còn chưa thực sự quyết liệt. Nhiều hạng mục có thể triển khai thi công nhưng các đơn vị chưa huy động đủ nhân sự, thiết bị, vật tư theo yêu cầu để triển khai thi công.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Phan Văn Đăng phát biểu tại buổi làm việc. |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Phan Văn Đăng cho biết, đến nay, Bình Thuận đã hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (giai đoạn 1) ảnh hưởng đến mặt bằng thi công của dự án.
Về giải quyết nguồn vật liệu đất đắp cho các dự án, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 21/2023 đồng ý cho phép Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận xem xét, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản cho 6 mỏ đất đắp mà nhà thầu trước đó đã khai thác trước đó (giấy phép đã hết hạn) để tiếp tục cung cấp vật liệu cho dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết.
Tuy nhiên, với việc Chính phủ đồng ý cấp lại mà không phải là gia hạn khai thác các mỏ này thì thời gian thực hiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật cũng rất lâu, ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành dự án. Tỉnh Bình Thuận đã có văn bản xin hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như phối hợp Bộ Giao thông vận tải trình kiến nghị Chính phủ điều chỉnh nội dung này để kịp thời gia hạn 6 mỏ đất đắp phục vụ cho dự án.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng phát biểu tại buổi làm việc. |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cũng nêu lên khó khăn của tỉnh trong việc cung cấp nguồn đất đắp cho dự án đoạn Phan Thiết-Dầu Giây, do tỉnh cấp phép các mỏ tận thu nguồn đất từ cải tạo đất nông nghiệp để phục vụ dự án nhưng hiện nay đã phải tạm ngừng.
Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân hai tỉnh cũng đề nghị, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án chủ trì cùng tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các nhà thầu kiểm tra, rà soát trên phạm vi toàn dự án, đề xuất giải pháp xử lý đồng bộ sửa chữa hư hỏng các tuyến đường gom cống thoát nước địa phương và công trình thủy lợi do thi công dự án.
Phát biểu tại biểu làm việc, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định, mục tiêu của dự án là không thay đổi, đến 30/4/2023 dự án cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây phải khánh thành. Trong thời gian tới, hai Ban Quản lý dự án hai đoạn cao tốc phải xây dựng lại ngay đường găng tiến độ của dự án trong 45 ngày còn lại, chỉ đạo kiểm đếm tiến độ theo từng ngày.
Kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các nhà thầu, nhất là việc tạm ứng, thanh toán, nghiệm thu cho các nhà thầu tuyệt đối không để dự án chậm tiến độ do thiếu tài chính; chịu trách nhiệm toàn diện về kiểm soát chất lượng dự án, phải bảo đảm tiến độ và chất lượng, không đội giá. Có chế tài, xử lý và thay thế kịp thời các nhà thầu vi phạm.
Đối với các nhà thầu phải tập trung đủ nguồn nhân lực, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, tài chính, bố trí đủ các mũi thi công và tổ chức 3 ca 4 kíp để bảo đảm hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đã đề ra; phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong quá trình thi công dự án.
Các nhà thầu thi công lắp đặt dải phân cách cứng tại gói thầu XL-04, đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết. |
Đối với tỉnh Bình Thuận, hỗ trợ kiến nghị của Ban Quản lý dự án trong việc giải phóng mặt bằng, di dời những công trình kỹ thuật còn nằm trong khu vực dự án. Về nguyên vật liệu đất đắp, Bình Thuận phối hợp Bộ Giao thông vận tải báo cáo lại Chính phủ để điều chỉnh lại nội dung cấp lại mỏ khoáng sản cung cấp đất đắp cho dự án theo hướng cho phép gia hạn đối với 6 mỏ này.
Đối với tỉnh Đồng Nai trong lúc chờ kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ thì cho phép tỉnh gia hạn chỉ riêng các mỏ tận thu nguồn đất từ cải tạo đất nông nghiệp để phục vụ dự án.
Bộ trưởng cũng đồng ý với những kiến nghị của hai tỉnh đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án, các nhà thầu rà soát bổ sung vị trí sửa chữa các đường gom, cống thoát nước... trong phạm vi của dự án.
Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã đi kiểm tra thực tế tại hiện trường hai dự án cao tốc đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết và đoạn Phan Thiết-Dầu Giây.