Cụ thể, dự thảo nghị quyết quy định về trường hợp áp dụng, thẩm quyền áp dụng và việc thực hiện biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hà Nội xem xét quyết nghị quy định áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước
Đối tượng áp dụng là cá nhân, tổ chức quản lý sử dụng, sở hữu các công trình phải áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 33 Luật Thủ đô năm 2024; người có thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước và cá nhân, tổ chức có liên quan trên địa bàn thành phố Hà Nội. Dự thảo quy định ba nhóm công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
Tại hội nghị phản biện, nhiều đại biểu đánh giá, các bước trong quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ việc xin chủ trương của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố đến việc thành lập Ban soạn thảo, nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan, đánh giá thực tiễn tại thành phố. Nội dung của Nghị quyết đã cụ thể hóa, chi tiết đầy đủ các trường hợp cần thiết để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố để các cấp có thẩm quyền ra quyết định cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các dịch vụ về điện, nước thực hiện việc ngừng cung cấp hoặc chấm dứt áp dụng việc ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước sau khi đã chấm dứt hoàn toàn vi phạm của các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Tiếp thu các ý kiến phản biện, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đánh giá cao công tác chuẩn bị của đơn vị tham mưu soạn thảo tờ trình và dự thảo Nghị quyết về quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn thành phố Hà Nội. Dự thảo tờ trình và Nghị quyết đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, nội dung khoa học, kết cấu phù hợp. Cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật có liên quan, đánh giá thực tiễn kỹ càng và có xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn.
Theo đồng chí Nguyễn Lan Hương, việc ban hành Nghị quyết là thực sự cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Nghị quyết sau khi được ban hành sẽ góp phần hạn chế tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc giao quyền cho Ủy ban nhân dân các cấp đặc biệt là cấp xã, huyện thực hiện biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ bởi đây là cấp trực tiếp quản lý các vi phạm trong xây dựng công trình và trong các hoạt động dịch vụ.
Trên cơ sở ý kiến phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu và hoàn thiện dự thảo tờ trình, dự thảo Tờ trình và Nghị quyết đảm bảo ngắn gọn, rõ nghĩa, rõ công việc để trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành trong kỳ họp chuyên đề vào ngày 19/11. Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục coi trọng, phát huy công tác giám sát và tiếp thu các ý kiến phản ánh của Ban Thanh tra nhân dân tại cơ sở.
Ngoài ra, đối với việc xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng cần đảm bảo công khai, nghiêm khắc, kịp thời, đặc biệt là tình kịp thời để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cũng như trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Cơ quan soạn thảo cũng cần nghiên cứu tích hợp thêm các quy định xử lý những trường hợp cho hộ vi phạm trật tự xây dựng sử dụng nhờ điện, nước. Cần phải cụ thể trường hợp này vào Nghị quyết để thực hiện. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể rõ trách nhiệm, rõ công việc tới từng cấp, từng ngành, từng chức danh để tránh việc đùn đẩy trong xử lý vi phạm.