Nhưng để Nghị quyết đi vào cuộc sống, cần sự năng động, sáng tạo của mỗi địa phương. Thành phố Hà Nội chú trọng xây dựng, bồi đắp văn hóa, con người cho thế hệ trẻ ngay từ khi các em còn trên ghế nhà trường và đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Nghị quyết số 33-NQ/TW ra đời khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với thế giới. Trong 10 năm triển khai thực hiện, Thành ủy quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo những chủ trương, quan điểm về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam của Trung ương với tình hình cụ thể của Hà Nội, từng bước đáp ứng yêu cầu và xu thế của thời đại.
Việc thực hiện Nghị quyết gắn bó chặt chẽ với thực hiện các chương trình công tác của Thành ủy, nhất là Chương trình số 06-CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020-2025.
Chủ trương đúng nhưng vẫn cần những giải pháp triển khai chủ động, sáng tạo, giàu tính thực tiễn mới có sức lan tỏa vào cuộc sống. Thực tế cho thấy, trong 10 năm qua, nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế đã được các ngành, các địa phương của thành phố triển khai. Ðặc biệt, các địa phương đều chú trọng xây dựng, bồi đắp văn hóa cho thế hệ trẻ.
Quận Hai Bà Trưng là khu vực nội đô cũ, nơi giàu giá trị văn hóa truyền thống. Trên cơ sở đánh giá thực tế tiềm năng, thế mạnh cũng như thách thức với địa phương, quận Hai Bà Trưng tập trung xây dựng văn hóa, con người ngay từ lứa tuổi học sinh.
Ban Thường vụ Quận ủy triển khai Chuyên đề số 12-CÐ/QU ngày 15/7/2021 về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học trên địa bàn quận giai đoạn 2021-2025, gắn với văn hóa học đường vì một "Trường học hạnh phúc". Tất cả trường học trên địa bàn đã triển khai và xây dựng nhiều mô hình, hoạt động văn hóa ứng xử trong trường học.
Qua đó, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, sự chuyển biến về nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động, cha mẹ học sinh và chính học sinh trong các nhà trường. Những mô hình trường học hạnh phúc, trường học xanh, sạch, đẹp được nhân rộng góp phần hình thành hệ giá trị tốt đẹp cho các em học sinh trong tương lai.
Tại quận Long Biên, bên cạnh nhiều giải pháp chung nhằm bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, xây dựng nếp sống văn minh, ngành giáo dục quận đã triển khai mô hình "Trường học sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh". Từ năm 2022, quận Long Biên nhân rộng việc thực hiện "Văn hóa cúi chào" trên cơ sở kinh nghiệm được triển khai ở Trường trung học cơ sở Ðô thị Việt Hưng.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Long Biên Ðinh Thị Thu Hương, các học sinh được giáo dục văn hóa ứng xử trong nhà trường, khi ra cộng đồng, khi về gia đình; trong đó, gói gọn trong những cụm từ dễ nhớ, dễ hiểu: "Khoanh tay - mỉm cười - cúi chào". Dần dần, đây đã trở thành nét đẹp trong văn hóa giao tiếp lan tỏa trong các trường học.
Tại khu vực ngoại thành, công tác xây dựng văn hóa người Hà Nội cho thế hệ trẻ cũng được chú trọng ở tất cả địa bàn. Huyện Ứng Hòa chú trọng giáo dục lối sống, nếp sống văn hóa, truyền thống cách mạng cho học sinh với nhiều hình thức phong phú: Tổ chức lễ phát hành sách, các cuộc thi tìm hiểu, kể chuyện danh nhân, giới thiệu lịch sử, di tích cách mạng...
Tất cả trường học giảng dạy lịch sử địa phương, duy trì đều đặn hằng năm gần 200 tiết lịch sử Ứng Hòa trong giờ sử địa phương, hoặc lồng ghép trong những giờ học cho các em học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông trên địa bàn huyện.
Các giờ giảng dạy lịch sử địa phương đã cung cấp cho học sinh kiến thức có tính hệ thống, cụ thể về nhân vật, di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng, sự kiện lịch sử diễn ra trên quê hương, khắc sâu những nét nổi bật về con người, mảnh đất quê hương, thấy được giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất Ứng Hòa anh hùng, giúp các em nhận thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc phấn đấu học tập và rèn luyện để xây dựng huyện giàu đẹp trong tương lai.
Với việc quan tâm xây dựng văn hóa, con người Hà Nội ngay từ khi các em học sinh đang trong quá trình hình thành nhân cách, Hà Nội bảo đảm chiến lược lâu dài trong việc bồi đắp văn hóa, xây dựng những thế hệ công dân tương lai yêu nước, có nền tảng văn hóa vững vàng để sẵn sàng hội nhập cũng như xây dựng, bảo vệ đất nước.