Tạo đột phá từ thực hiện việc mới, việc khó

Từ những áp lực ban đầu, nhiệm vụ đảm nhận giải quyết việc mới, việc khó tại Hà Nội đang từng bước phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, để cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm hơn, vẫn cần những "điểm tựa" vững chắc từ cấp ủy, chính quyền các cấp bằng những cơ chế, giải pháp cụ thể.
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ giải quyết tốt nhiều việc mới, việc khó, cảnh quan, hạ tầng của Hà Nội phát triển ngày càng khang trang, hiện đại. (Ảnh Phạm Hùng)
Nhờ giải quyết tốt nhiều việc mới, việc khó, cảnh quan, hạ tầng của Hà Nội phát triển ngày càng khang trang, hiện đại. (Ảnh Phạm Hùng)

Bài 4: Tạo sức ép để cùng chuyển động

Bên cạnh những chuyển động tích cực, Thành ủy Hà Nội thẳng thắn đánh giá, thành phố vẫn còn một số bất cập, hạn chế, còn những khó khăn chưa được giải quyết triệt để.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật

Ðó là công tác quản lý đô thị, cải tạo chung cư cũ, xây dựng bãi đỗ xe tĩnh hay tình trạng các dự án chậm tiến độ, nhất là các dự án giao thông trọng điểm mang tính động lực, không chỉ thúc đẩy phát triển cho địa phương mà còn của cả thành phố.

"Thâm niên" có dự án đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục (giai đoạn 1) dài 2,3 km, được triển khai từ năm 2017, có tổng mức đầu tư 7.200 tỷ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân được 36% kế hoạch vốn.

Mới hơn thì có các dự án: cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La-Xuân Mai; xây dựng tuyến đường cao tốc Ðại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến đường cao tốc Hà Nội-Hòa Bình đều có số vốn hàng nghìn tỷ đồng, nhưng tiến độ giải phóng mặt bằng đến nay khá ì ạch, qua hơn một năm khởi công mà giải ngân chưa được 10%.

Từ thực tế này, thành phố đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm để đề ra các giải pháp tháo gỡ. "Quan điểm của Thành ủy là không ngại khó, không ngại khổ cho nên từ trong cấp ủy phải tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, phải tạo ra sức ép, thậm chí sức ép lớn để cùng nhau chuyển động", Thường trực Thành ủy Hà Nội nêu rõ yêu cầu.

Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng được Thành ủy đề ra là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội" (Chỉ thị số 24). Nhiều cấp ủy không chỉ coi Chỉ thị số 24 là nhiệm vụ, mà còn chính là chìa khóa để xử lý.

Ban Thường vụ Quận ủy Long Biên đã dựa trên 25 biểu hiện vi phạm về kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc theo Chỉ thị số 24, từ đó nghiên cứu, cụ thể hóa thành 41 nội dung chi tiết để nhận diện đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý và 36 nội dung chi tiết để nhận diện đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo. Cùng với đó, Quận ủy Long Biên cũng đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề về Chỉ thị số 24, tiến hành nhận diện các biểu hiện vi phạm để triển khai có hiệu quả Chỉ thị trong thực thi công vụ theo nguyên tắc tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Ðảng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ðông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng lấy kết quả, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ làm căn cứ để đánh giá tập thể, cán bộ. Huyện cũng đã điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với sáu đồng chí, trong đó cho thôi làm nhiệm vụ đối với hai chủ tịch ủy ban nhân dân, bố trí công tác khác với bốn bí thư đảng ủy xã.

Tại quận Hoàng Mai, Chỉ thị số 24 đã tạo ra cơ chế giám sát và kiểm tra thường xuyên, giúp kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm về kỷ cương, kỷ luật trong quá trình giải quyết công việc. Nhiều vụ việc phức tạp đã được xử lý dứt điểm như trong các lĩnh vực: Giải phóng mặt bằng, quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng…

"Chỉ thị số 24 đã tạo sức ép tích cực, một số cán bộ lãnh đạo đơn vị (phòng, phường) tự nhận rõ về năng lực, trách nhiệm của mình, đã làm đơn xin thôi nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý", Phó Bí thư Thường trực quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Ðức Dũng thông tin.

Không chỉ cấp dưới, ngay cả đội ngũ cán bộ chủ chốt của quận cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm đến cùng với các vấn đề còn tồn tại. Như trong công tác thu ngân sách năm 2024, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai yêu cầu, nếu năm 2024 không thu được ít nhất 5.300 tỷ đồng như thành phố giao thì cả Bí thư và tất cả Thường trực Quận ủy khi đánh giá cuối năm đều sẽ không hoàn thành nhiệm vụ.

Điểm tựa cho cán bộ dám nghĩ, dám làm

Thực tế cho thấy, một trong những trở ngại khiến cho cán bộ còn e ngại với việc mới, việc khó là sự "hậu thuẫn" của tập thể lãnh đạo. Nhìn rõ vấn đề này, cùng với tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, khi thực hiện giao việc mới, việc khó, Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ xác định rõ: "Nếu như không bảo vệ được cán bộ thực hiện việc mới, việc khó thì chắc chắn không ai sáng tạo, không ai dám đổi mới, đột phá".

Do đó, ngoài việc phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng quận phát triển nhanh, bền vững, thì việc triển khai đăng ký việc mới, việc khó cũng chính là một trong những cơ chế để bảo vệ cán bộ dám đổi mới, sáng tạo giữa thời điểm nhiều cán bộ còn e ngại, dè dặt về làn ranh mong manh giữa đổi mới, sáng tạo với vi phạm pháp luật.

Có "điểm tựa" này, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã mạnh dạn, quyết liệt hơn trong thực hiện, giải quyết công việc. Trong khi đó, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Ðức Dũng cho rằng, với những việc khó, nếu trong Thường trực, Ban Thường vụ thống nhất cao thì triển khai sẽ thuận lợi, hiệu quả, khó đến đâu cũng được tháo gỡ, giải quyết.

Ðây cũng chính là tinh thần Thành ủy Hà Nội luôn quán triệt và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. Có như vậy, thành phố mới thực hiện được khối lượng rất lớn phía trước. Bởi bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Hà Nội đang triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược liên quan đến phát triển Thủ đô, như: Tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi); phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành Trung ương tham mưu các nghị định, nghị quyết, quyết định triển khai thực hiện để Luật sớm đi vào cuộc sống; chuẩn bị tốt các điều kiện và xây dựng kế hoạch để triển khai Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Ðiều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ðể thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đề nghị các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt phải tiếp tục nêu cao trách nhiệm phục vụ người dân và doanh nghiệp. "Với vị trí, vai trò là Thủ đô, Hà Nội phải là địa phương đi đầu trong triển khai thực hiện quyết liệt, đột phá, đổi mới sáng tạo số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", đồng chí Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh.

----------------------------------

(*) Xem trang Hà Nội Báo Nhân Dân từ số ra ngày 5/11/2024.