Đề xuất thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư

NDO - Dự án Luật Đường bộ bổ sung quy định thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình về dự án Luật Đường bộ. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình về dự án Luật Đường bộ. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Bổ sung quy định về trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 10/11, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình về dự án Luật Đường bộ.

Bộ trưởng cho biết, về kết cấu hạ tầng đường bộ, so với Luật Giao thông Đường bộ năm 2008, dự thảo Luật có nhiều điểm mới.

Theo đó, bổ sung đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ; phân loại đường; phân biệt rõ hệ thống đường giao thông nông thôn, đường đô thị và hệ thống đường địa phương; quy định tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị đối với đô thị xây dựng mới và đối với các đô thị tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, đô thị là di sản được UNESCO công nhận.

Bổ sung quy định về yêu cầu, vị trí xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo; yêu cầu, trách nhiệm của các chủ thể khi xây dựng, lắp đặt công trình khác trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; yêu cầu xây dựng, khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

Đề xuất thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư ảnh 1

Toàn cảnh phiên họp sáng 10/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Bổ sung quy định tổ chức giao thông; phân định rõ tốc độ thiết kế của đường, tốc độ khai thác trên đường bộ; trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình đường bộ; các trường hợp kết nối giao thông; bổ sung trách nhiệm quản lý, vận hành khai thác, sử dụng và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung quy định về trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh; quy định trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện.

Đồng thời, bổ sung quy định thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác; thanh toán điện tử giao thông.

Về đường bộ cao tốc, dự thảo Luật bổ sung quy định làm rõ đường bộ cao tốc; tiêu chuẩn, quy chuẩn và ứng dụng khoa học công nghệ trong thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác đường cao tốc; các chính sách phát triển, đầu tư, xây dựng đường cao tốc.

Bổ sung quy định việc mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đối với các dự án đường cao tốc; quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường cao tốc; bổ sung quy định về tạm dừng khai thác đường cao tốc; trạm dừng nghỉ, điểm dừng, đỗ xe trên đường cao tốc…

Về vận tải đường bộ, so với Luật Giao thông đường bộ 2008, dự thảo Luật làm rõ hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ để có những điều tiết phù hợp giữa 2 loại hình này, bảo đảm công bằng, minh bạch, an toàn trong hoạt động vận tải đường bộ; bổ sung quy định về hoạt động vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương; hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô…

Phí chồng phí là chưa bảo đảm minh bạch về chính sách

Thẩm tra nội dung dự án Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đề nghị nghiên cứu, tiếp tục làm rõ về phạm vi điều chỉnh cũng như một số nội dung của dự thảo luật với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho phù hợp, tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất và khả thi.

Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định phí sử dụng đường bộ thu qua phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác có thể dẫn tới việc thu trùng các loại phí liên quan đến đường bộ.

Đề xuất thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường bộ. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Bên cạnh đó, dự thảo luật quy định điều khoản chuyển tiếp giao Chính phủ thẩm quyền quyết định việc xử lý thu phí chồng phí là chưa bảo đảm minh bạch về chính sách.

Theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh, việc thu phí, quản lý, sử dụng phí phải đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Đồng thời vừa tạo nguồn lực để phát triển, duy trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, vừa khuyến khích phát triển, thúc đẩy hoạt động vận tải đường bộ và góp phần điều tiết kinh tế vĩ mô.

Do đó, đề nghị xem xét, đánh giá kỹ sự cần thiết, tính khả thi và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Về Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh, có ý kiến cho rằng, khoản 1 Điều 43 của dự thảo Luật Đường bộ và khoản 2 Điều 67 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh và Trung tâm chỉ huy giao thông đều là nơi “thu thập, lưu trữ, phân tích và xử lý dữ liệu”.

Do đó, đề nghị làm rõ chức năng, nhiệm vụ và các thông tin cần thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu của hai trung tâm này để tránh trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ và lãng phí về nguồn lực, bảo đảm tính thống nhất giữa hai dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị quy định một trung tâm quản lý điều hành giao thông cấp quốc gia và cấp tỉnh, còn chức năng khác thì bổ sung để dùng chung, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, tránh lãng phí và cần có lộ trình thực hiện, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi đầu tư.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu các ý kiến nêu trên để xây dựng các trung tâm quản lý, trung tâm chỉ huy giao thông tránh chồng chéo, lãng phí.