Chiều 31/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc ban hành Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bảo hiểm y tế toàn dân phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của nước ta.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Đồng thời, bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở khám, chữa bệnh, từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế; khắc phục được các tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế.
Bảo đảm thống nhất trong quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội) cho biết, về phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, hiện nay Quỹ bảo hiểm y tế chưa thanh toán cho các dịch vụ có tính chất dự phòng, sàng lọc.
Trong khi đó, các bệnh như ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường đang chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí điều trị. "Việc sàng lọc các bệnh này chưa được bảo hiểm y tế chi trả gây lãng phí tiềm năng phòng ngừa bệnh tật của hệ thống y tế", đại biểu phân tích.
Đại biểu kiến nghị bổ sung điểm 1 khoản 1 Điều 21 về phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế cho danh mục dự phòng sàng lọc định kỳ. Bộ trưởng Y tế quy định cụ thể danh mục bệnh, tần suất, khung giá các dịch vụ này.
Về thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định cụ thể giá khám bệnh, chữa bệnh bao gồm giá thành toàn bộ, tích lũy hoặc lợi nhuận dự kiến và các nghĩa vụ tài chính khác.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội) góp ý kiến vào dự thảo Luật. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Đại biểu kiến nghị hai phương án. Trong đó, phương án 1, sửa đổi dự thảo Luật theo hướng đồng bộ quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, giá bảo hiểm y tế sẽ tăng, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho quỹ, vì vậy, trong dự thảo phải có các chính sách để cân đối Quỹ như bổ sung nguồn quỹ, tăng cường hiệu quả sử dụng quỹ.
Phương án 2, thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế theo định suất, theo nhóm chẩn đoán. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất chung trên toàn quốc.
Cần bổ sung quy định liên thông kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở y tế
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) bày tỏ tán thành với quy định liên thông cấp chuyên môn kỹ thuật khi khám bệnh nhằm bảo đảm quyền hiến định của người dân được lựa chọn nơi khám bệnh phù hợp, tốt nhất cho bản thân khi có bệnh.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm quy định về liên thông kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở khám chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật và quy định rõ thời điểm thực hiện liên thông toàn quốc để công nhận kết quả cận lâm sàng của các cơ sở khám bệnh.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu). (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Theo đại biểu, nếu ngành y tế thực hiện được việc liên thông kết quả xét nghiệm thì sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng cho quỹ bảo hiểm y tế. Quan trọng hơn là giảm gánh nặng cho việc chi trả dịch vụ y tế của toàn xã hội, trong đó có hàng triệu người dân là bệnh nhân nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.
Đại biểu mong muốn Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền sẽ có quyết sách kịp thời thể hiện rõ về lộ trình thực hiện liên thông kết quả cận lâm sàng trong dự thảo Luật để mọi người dân đều có cơ hội thụ hưởng thành quả của chính sách về y tế.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, dự thảo Luật đã đơn giản hóa thủ tục chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, mở rộng hơn quyền lợi của người khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế. Điều này vô cùng phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Tuy nhiên, cùng với việc quy định đơn giản hóa thủ tục chuyển tuyến, đại biểu đề nghị cần xem xét quy định việc liên thông kết quả khám cận lâm sàng của cơ sở khám, chữa bệnh trước đó để giảm thời gian chờ đợi, khám, chữa bệnh của người bệnh; giảm chi phí của người bệnh; chống lãng phí, tiết kiệm chi phí cho quỹ bảo hiểm y tế.
Đây cũng là bước đệm quan trọng nhằm tiến tới đồng bộ và liên thông các hồ sơ, dữ liệu của bệnh nhân tại các cơ sở y tế trên toàn quốc và nâng cao trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh trong việc tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý chất lượng bệnh viện - đại biểu Việt Nga nhấn mạnh.