Để thủy sản Việt Nam vươn lên hàng đầu thế giới

NDO - Ngày 12/10, tại Sóc Trăng, Báo Tuổi Trẻ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; lãnh đạo các tỉnh, thành; ngành nông nghiệp 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Hội thảo còn có sự tham dự của hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản trong cả nước. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã phát biểu trực tuyến chào mừng Hội thảo.

Để thủy sản Việt Nam vươn lên hàng đầu thế giới ảnh 1

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khẳng định chủ trương phát triển thủy sản ở vùng đồng bằng sông Cửu Long của Chính phủ là hướng đi đúng, mang tầm chiến lược.

Đây là vựa lúa, trái cây, thủy sản của cả nước khi đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% các loại trái cây, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. Thủy sản là nguồn sinh kế cực kỳ quan trọng của khoảng 17 triệu dân sống ở 13 tỉnh, thành phố (chiếm 21% dân số cả nước).

Tuy nhiên, ngành thủy sản của vùng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như: Chất lượng tăng trưởng giảm, năng suất lao động thấp, cấu trúc nền kinh tế chưa thật sự ổn định, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, người lao động còn di cư đến các thành phố lớn và các trung tâm kinh tế ngày một gia tăng...

Sau 30 năm tái lập tỉnh, Sóc Trăng phát triển nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản, ngành chế biến xuất khẩu theo đó càng phát triển, ổn định về thị trường và ngày càng mở rộng. Ngành thủy sản chi phối đến đời sống của trên 50% dân số và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sóc Trăng.

Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trình bày nhiều vấn đề liên quan đến khả năng hiện thực hóa chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ. Đồng thời, các đại biểu cũng trình bày quan điểm và thảo luận về chiến lược quy hoạch và cơ chế phát triển vùng nuôi thủy sản dài hạn với sự tham gia của các thành phần trong xã hội để gia tăng sản lượng thủy sản, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho chế biến, đồng thời tránh được rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Đặc biệt, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận về những bất cập trong quá trình nuôi trồng và xuất khẩu, từ quy hoạch của địa phương đến các rào cản kiểm soát chất lượng bất hợp lý mà doanh nghiệp, người dân gặp phải. Từ đó đề xuất, hiến kế một số thay đổi để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư vùng nguyên liệu, xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường...

Năm 2022, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,7 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác khoảng 3,78 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 4,95 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,7 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng hải sản chiếm từ 37-39%.

Thể hiện quyết tâm của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, từ nay đến năm 2030, mục tiêu đề ra là giảm tỷ lệ khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và phải thúc đẩy phát triển thủy sản theo hướng bền vững bền vững. Các đơn vị, các địa phương có biển tăng cường thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, các văn bản hướng dẫn luật và đặc biệt là các khuyến nghị của EC.

Để thủy sản Việt Nam vươn lên hàng đầu thế giới ảnh 2

Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ cho rằng: "truyền thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển thủy sản Việt Nam".

Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ cho biết: “Diễn đàn Phát triển ngành công nghiệp thủy hải sản theo hướng Khai thác bền vững - Đẩy mạnh nuôi trồng là tuyến truyền thông nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa nhận thức chung trong xã hội về lợi ích của việc chuyển dịch từ khai thác đánh bắt triệt để sang nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản. Qua đó góp phần xây dựng những chính sách hỗ trợ nuôi trồng hữu hiệu, chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân đánh bắt thủy hải sản; đưa ra những bài học kinh nghiệm từ việc điều hành giám sát khai thác thủy hải sản bền vững cho đến hỗ trợ ngành nuôi trồng chế biến phát triển; nắm bắt các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế, tạo lợi thế cho cạnh tranh xuất khẩu... giúp ngành công nghiệp thủy sản phát triển ngày càng mạnh mẽ”.