Để thôn bản không vắng bóng những cô đỡ

NDO - Tính đến nay, cả nước có 1.528 cô đỡ thôn bản có chuyên môn nhưng đã ngừng hoạt động, gây ra sự lãng phí lớn về nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp tại các tỉnh miền núi phía bắc, vùng sâu, vùng xa.
0:00 / 0:00
0:00
Cô đỡ thôn bản là cánh tay nối dài của ngành y tế trong chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa.
Cô đỡ thôn bản là cánh tay nối dài của ngành y tế trong chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa.

Những cô đỡ thôn bản vượt khó bám trụ

Trong suốt 7 năm làm cô đỡ tại các thôn bản, chị Lò Thị Đường (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) đã gặp không ít khó khăn để bám trụ với công việc này.

Con đường từ chốt xã vào chốt thôn mất khoảng 43km. Trong khi đó, địa hình nơi đây hiểm trở, không có điện, chợ lại xa khiến hành trình thăm khám các thai phụ của chị vốn đã vất vả giờ lại càng gian nan hơn.

Bên cạnh việc giám sát sức khỏe sinh sản cho 97 hộ dân, chị Lò Thị Đường phải kiêm nhiệm cả công tác phụ nữ và dân số. Công việc hằng ngày của chị là thăm khám các bà mẹ mang thai, chăm sóc sức khỏe của mẹ và bé sau khi sinh. Có những ngày, chị được bà con gọi đi đỡ đẻ vào lúc 1, 2 giờ sáng. Công việc vô cùng vất vả và bận rộn.

Quản lý gần 100 hộ dân chủ yếu là dân tộc Mông, thói quen sản xuất chủ yếu làm ruộng, nương trong rừng. Bởi vậy, để chăm sóc sức khỏe các sản phụ, một ngày, sản phụ Đường phải đi cả tiếng đồng hồ để gặp được từng sản phụ, tư vấn về khám sức khỏe định kỳ, thăm khám cho sản phụ. “Có phải lúc nào họ cũng ở nhà đâu, bà bầu vượt mặt vẫn lên nương, vào rừng, chúng tôi phải đi theo họ lên nương để vận động họ về nhà, đến cơ sở y tế khi gần đến ngày dự sinh”, chị Đường nói.

Để thôn bản không vắng bóng những cô đỡ ảnh 1

Cô đỡ thôn bản Lò Thị Đường.

Vất vả, bận rộn nhưng một tháng, chị chỉ được hỗ trợ 447.000 đồng. "200.000 đồng trong đó đã nạp tiền điện thoại, phục vụ cho việc gọi điện hỏi thăm sản phụ. Số tiền còn lại tôi mua xăng để đi tới nhà họ. Với kinh phí hiện tại không đủ để tôi trang trải cuộc sống. Thậm chí, tôi còn phải tự bỏ tiền túi ra để chi trả cho công việc. Nhưng người dân họ cần mình thì mình phải làm”, chị Lò Thị Đường tâm sự.

Dẫu không đủ kinh phí để trang trải cuộc sống, chị Lò Thị Đường (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) vẫn cương quyết gắn bó với công việc. Với chị, phải đến tận nơi, nhìn tận mắt, được tận tai lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của những sản phụ, những bà mẹ có con nhỏ thì mới có thể yên tâm làm những công việc khác.

Không nhớ nổi đỡ đẻ cho bao nhiêu ca nhưng khi nào các sản phụ cần là lúc ấy chị Đường có mặt. Kể cả 1-2 giờ đêm, họ gọi là chị chạy đến.

Chị Vàng Thị Thiêm (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Ngoài vai trò là một cô đỡ thôn bản, chị còn phải đi tăng gia sản xuất, làm thuê, làm mướn để kiếm thêm thu nhập. Khó khăn với vận động dân tộc Mông chị là sản phụ sinh đẻ không có kế hoạch, gia đình nào cũng muốn có con trai.

Vất vả là vậy nhưng mỗi lần giúp được các sản phụ sinh hạ thành công là chị lại có động lực tiếp tục theo nghề. Chị nhớ nhất một ca khó, trẻ bị đẻ rơi giữa đường, tím tái, không khóc được. Khi ấy, người nhà sản phụ từng nói “đứa trẻ chết rồi, đừng làm gì nữa”, nhưng chị vẫn cố gắng vận dụng hết những kiến thức và kinh nghiệm, hút mũi đờm, xoa bóp, nhấn ngực, 15 phút sau trẻ mới hồng dần và cất tiếng khóc.

"Đến giờ thằng bé cũng gần 10 tuổi rồi, mỗi lần gặp, mẹ bé lại nhắc “nếu không nhờ cô, thằng bé chết rồi”, chị Thiêm tự hào nói.

Tâm tư của những cô đỡ thôn bản

Bà Lý Thị Đảm, Phó Trưởng Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang chia sẻ, Hà Giang là tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số. Tại đây, mỗi cô đỡ thôn bản chỉ được hưởng 0,5 mức lương cơ bản. Trung bình mỗi người thu nhập khoảng 700.000 đồng mỗi tháng.

Tuy nhiên, nhiều lần công việc này bị gián đoạn vì thiếu phụ cấp, họ phải làm thêm các công việc khác kể có thu nhập.

Việc các cô đỡ thôn bản ngừng hoạt động vì khó khăn kinh tế là sự lãng phí vô cùng lớn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi họ đã được đào tạo bài bản và lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc bản địa, nhằm phục vụ nguồn bệnh nhân tại chỗ, ở những nơi mà hệ thống y tế chưa phát triển.

Theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, mặc dù đã có nhiều quyết sách quan trọng để duy trì, củng cố và phát triển đội ngũ cô đỡ thôn bản, việc thực thi các chính sách còn có sự khác nhau giữa các địa phương, dẫn tới việc duy trì hoạt động của đội ngũ cô đỡ gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương không bố trí kinh phí hỗ trợ cho cô đỡ hoạt động.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 31/1/2023 đã có 1.528 cô đỡ thôn, bản được đào tạo nhưng đã ngừng hoạt động do không có kinh phí. Hiện tại, số cô đỡ được hưởng phụ cấp đã giảm xuống chỉ còn 911 người, trong đó có 732 người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản.

Cố gắng bám trụ hàng chục năm, các cô đỡ thôn bản cũng tìm mọi cách để vừa trang trải cuộc sống, vừa duy trì công việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các sản phụ. Nhưng họ còn đó rất nhiều tâm tư.

Để thôn bản không vắng bóng những cô đỡ ảnh 2
Cô đỡ thôn bản Triệu Thị Phấy và Tần Thị Phách có hàng chục năm gắn bó với công việc tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Chị Triệu Thị Phấy (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), người theo dõi sức khỏe sinh sản cho hơn 100 gia đình dân tộc Dao đỏ của thôn bày tỏ: “Tôi mong muốn các ban, ngành, đoàn thể luôn luôn quan tâm và bổ sung kinh phí hoạt động cho những cô đỡ thôn bản”.

Là người đồng hành với dân tộc Dao 7 năm qua, chị Tần Thị Phách (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) mong muốn được hỗ trợ thêm các dụng cụ y tế, trang thiết bị máy móc và tham gia thêm các lớp tập huấn chuyên ngành.

Với chị Lò Thị Đường, điều mong muốn nhất của chị là được đào tạo, tập huấn thêm học hỏi kinh nghiệm các tỉnh để vận dụng vào cơ sở của mình. Tôi cũng hy vọng các cô đỡ thôn, bản như mình nhận phụ cấp cao hơn để đủ chi phí hoạt động tốt hơn, bảo đảm chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tốt hơn ngay từ các tuyến thôn bản. Các ca chuyển tuyến không nguy hiểm tính mạng.

Bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện tổ chức UNICEF Việt Nam khẳng định: “Việc duy trì và mở rộng đội ngũ cô đỡ thôn bản có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả đạt được về sức khỏe bà mẹ, cứu sống các bà mẹ và trẻ sơ sinh”.

Điều này đòi hỏi nguồn ngân sách cần được phân bổ đầy đủ và hợp lý, tăng cường nhân lực chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Việt Nam, huy động hỗ trợ từ các đối tác phát triển, doanh nghiệp và tổ chức xã hội có liên quan, đặc biệt là việc đào tạo, nâng cao năng lực cho các cô đỡ thôn bản.