Trước đây, vì điều kiện kinh tế khó khăn, cho nên nhiều thai phụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS ở Gia Lai không có điều kiện đến các cơ sở y tế thăm khám sức khỏe. Bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về phong tục tập quán, tại các làng, phần lớn phụ nữ đều sinh đẻ tại nhà, thậm chí có nơi còn buộc các chị phải lên rừng để sinh. Nhiều người sinh thành công nhưng cũng có ca sinh khó khiến cả mẹ và con đều chết. Tại Gia Lai, lớp đào tạo đầu tiên cho cô đỡ thôn bản người DTTS trong thời gian từ ba đến sáu tháng do Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) tổ chức từ năm 1998, đến nay đã có hơn 200 cô đỡ được đào tạo. Sau khóa đào tạo, với những kiến thức cơ bản được trang bị, cập nhật, họ đã góp phần đáng kể trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, giảm tai biến sản khoa tại cộng đồng. Hầu hết các cô đỡ đều thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, khám thai, đỡ đẻ đúng kỹ thuật, tư vấn tốt về chế độ dinh dưỡng và các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản; đồng thời thường xuyên thông tin hai chiều với các trạm y tế cơ sở về số trẻ sẽ sinh, sẽ tiêm chủng trong tháng...
Nhắc đến chị Rơ Châm Alui, người có 14 năm làm cô đỡ thôn bản, bà con làng Mrông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh luôn dành những tình cảm trân trọng, biết ơn. Chị H’Thá cho biết: “Mình mang thai lần đầu, không có nhiều kinh nghiệm nên rất lo lắng. Thật may, ngay từ khi mang thai, chị Alui thường xuyên tới nhà thăm khám, tư vấn, hướng dẫn tận tình việc ăn uống, vận động, sinh hoạt nhằm bảo đảm sức khỏe cho mẹ và bé, cho nên mình rất yên tâm”. Cũng nhờ có Alui mà giữa tháng 3-2019, con gái bà Rơ Châm Phe đã “vượt cạn” thành công tại nhà. Bà Phe kể lại: “Chín giờ tối, con mình có dấu hiệu chuyển dạ, tôi chạy qua báo tin và Alui đã có mặt giúp đỡ kịp thời. Alui còn thường xuyên chăm sóc mẹ và bé cho đến khi cháu bé rụng rốn. Gia đình tôi cảm động và biết ơn Alui nhiều lắm!”. Đối với chị Rơ Châm Alui, việc làm cô đỡ thôn bản là quyết định đúng của chị, đem đến cho chị nhiều niềm vui và hạnh phúc. Chia sẻ về công việc đang làm, chị Alui cho biết: “Năm 2005, Trạm y tế xã cử mình đi học khóa đào tạo cô đỡ thôn bản tại Bệnh viện Từ Dũ. Qua sáu tháng đào tạo, mình có thêm kiến thức trong việc khám thai, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai trước và sau sinh, nhất là kinh nghiệm trong việc đỡ đẻ an toàn. Sau khóa học, mình trở về làng và bắt đầu nghề cô đỡ từ đó đến nay...”. Chị Alui cũng bày tỏ, dù không có lương hay các chế độ phụ cấp nhưng chị vẫn quyết tâm gắn bó, bởi công việc này cần thiết và có ý nghĩa, giúp đỡ được mọi người. Có vất vả đến mấy chị Alui đều cố gắng vượt qua. Nhiều khi nhận được tin các thai phụ chuyển dạ lúc đêm khuya, mưa gió là chị nhanh chóng có mặt. Có những ca vượt cạn khó khăn, thai phụ chuyển dạ từ chiều đến tận sáng hôm sau mới sinh nhưng chị vẫn luôn ở bên cạnh động viên, trợ giúp. Với những ca sinh khó, Alui hỗ trợ gia đình chuyển thai phụ đến cơ sở y tế sinh đẻ kịp thời, tránh được tai biến sản khoa. “Công việc vất vả nhưng nhìn mẹ và bé khỏe mạnh, an toàn là mình quên hết mệt nhọc”, chị Alui chia sẻ.
Cũng như chị Alui, bà Hoàng Thị Huyên, dân tộc Tày, thôn Hà Ra, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang, cũng được tham dự lớp cô đỡ thôn bản tại Bệnh viện Từ Dũ từ năm 2005. Đến nay, mặc dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn tận tâm với công việc của cô đỡ thôn bản. Bà Huyên chia sẻ: “Sau khóa học, tôi nắm bắt được các kiến thức về khám thai, đỡ đẻ, nhận biết các bệnh lý về thai nghén. Tôi tâm niệm, đã theo nghề thì phải có tấm lòng, nhiệt huyết với công việc. Hễ có ai cần giúp thì bất kể giờ giấc, tôi nhanh chóng lên đường. Sau khi giúp sản phụ vượt cạn thành công, mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc”.
Bà Huyên cho biết, tại nơi bà sinh sống, đến nay nhiều phụ nữ DTTS vẫn còn thói quen sinh đẻ tại nhà. “Vì vậy, trong quá trình thăm khám, giúp đỡ các chị em trong vấn đề sinh đẻ, tôi vẫn thường tuyên truyền, vận động các thai phụ nên đến cơ sở y tế để sinh đẻ an toàn, đề phòng tai biến sản khoa”, bà Huyên nói.
Theo thống kê, trong 5 năm qua, tại tỉnh Gia Lai đã có 1.672 sản phụ sinh tại nhà và 1.596 sản phụ sinh tại cơ sở y tế được cô đỡ thôn bản hỗ trợ; 5.750 phụ nữ có thai được cô đỡ thôn bản giới thiệu đến các cơ sở y tế. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai Mai Xuân Hải cho biết: “Đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS ở Gia Lai còn gặp nhiều khó khăn; nhiều hủ tục lạc hậu vẫn ảnh hưởng đến chất lượng sống nói chung và sức khỏe sinh sản của phụ nữ nói riêng. Các cô đỡ thôn bản là những tuyên truyền viên tích cực trong việc tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu; tư vấn, giáo dục sức khỏe; kế hoạch hóa gia đình, vận động sản phụ đi khám thai và sinh con tại trạm y tế xã; phát hiện thai nghén có nguy cơ để chuyển tuyến kịp thời… Nhờ đó, tỷ lệ sản phụ bị tai biến, nhiễm trùng hậu sản, trẻ em bị uốn ván ở địa phương đã được hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, hiện đời sống của các cô đỡ thôn bản gặp khá nhiều khó khăn, cho nên chúng tôi mong thời gian tới, Nhà nước, chính quyền và các ngành, các cấp nghiên cứu để có chế độ, chính sách hỗ trợ thiết thực cho đội ngũ này”.
Với những nỗ lực của mình trong thời gian qua, đội ngũ cô đỡ thôn bản ở Gia Lai chính là những “cánh tay nối dài” của ngành y tế, góp phần chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe ban đầu cho đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.