Tính từ 19 giờ ngày 22 đến 7 giờ ngày 23/7, khu vực Quảng Ninh-Hải Phòng mưa từ 50-100 mm; một số trạm lớn hơn như Cát Bà 276 mm, Cát Hải 128 mm; Cẩm Phả 150 mm, Lòng Dinh 147 mm, Than Hòn Gai 145 mm, Phong Cốc 143 mm. Tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), một số tuyến đường xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ; cây xanh, bảng biển quảng cáo, cột điện đổ gây ảnh hưởng đến các phương tiện đi lại.
Dự báo, khu vực Ðông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm, cục bộ có nơi hơn 300 mm; Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa mưa phổ biến từ 50-100 mm, cục bộ có nơi hơn 200 mm. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp, đô thị.
Ngày 23/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công điện về việc mở cửa xả đáy thứ 3 hồ thủy điện Hòa Bình. Vào hồi 16 giờ ngày 23/7, mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình ở cao trình 104,88 m, lưu lượng đến hồ 5.788 m3/giây, lưu lượng xả 5.481 m3/giây.
Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình: Mở tiếp cửa xả đáy thứ 3 hồ thủy điện Hòa Bình vào hồi 22 giờ ngày 23/7. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cùng ngày, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn về việc bảo đảm an toàn hạ du khi xả lũ gửi UBND các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Ðịnh, Ninh Bình. Các địa phương tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc; rà soát, bảo đảm an toàn các công trình đang thi công...