Bài 2: Chủ động, tích cực trong hội nhập quốc tế
Trong những năm qua, ngoại giao kinh tế đã thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Việc tăng cường công tác ngoại giao kinh tế cũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Trên nền tảng vị thế và vai trò, tiềm lực kinh tế đất nước ngày càng đi lên, phương châm của ngoại giao kinh tế thời kỳ mới cần phải có những điều chỉnh, đẩy mạnh tư duy tham mưu, định hướng, đồng hành; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Để ngoại giao kinh tế trở thành động lực phát triển đất nước
Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của tình hình thế giới, công tác ngoại giao kinh tế cần nhanh chóng khắc phục kịp thời một số bất cập tồn tại để ứng phó linh hoạt, hiệu quả; chủ động, tích cực hơn trong hội nhập quốc tế.
Khắc phục những “điểm nghẽn”
Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động ngoại giao đã chuyển hướng mạnh mẽ sang phục vụ kinh tế, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là tạo môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế đất nước, lấy việc mở rộng ngoại giao kinh tế làm trọng tâm. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 192/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và tạo lập khuôn khổ quan hệ ổn định với hàng chục đối tác chiến lược, toàn diện. Từ đó, mở ra những thị trường xuất khẩu tiềm năng, đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch thương mại từ 2,9 tỷ USD vào năm 1986 lên hơn 732,5 tỷ USD vào năm 2022.
Ngành ngoại giao đã tích cực vận động, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các đối tác hàng đầu trên thế giới, góp phần đưa FDI từ 1,6 triệu USD (năm 1986) lũy kế đến năm 2022 đạt 438,7 tỷ USD. Nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá về du lịch, ẩm thực, kinh tế,… bên lề các hoạt động cấp cao cùng các sự kiện tổng hợp như chuỗi tuần, ngày Việt Nam ở nước ngoài do các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức đã phát huy hiệu quả.
Qua đó khẳng định với bạn bè thế giới về một Việt Nam phát triển, năng động, giàu bản sắc, mở ra những cơ hội lớn về hợp tác kinh tế của đất nước. Điều này đã giúp ngoại giao kinh tế dần thống nhất nhận thức, nội hàm và phương châm thực hiện “đột phá, mở đường, tham mưu, song hành và đôn đốc”, trở thành một trong ba trụ cột quan trọng của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam.
Đây là những lợi thế lớn, là cơ hội để Việt Nam tiếp tục đưa nền kinh tế đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác ngoại giao kinh tế cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Về mặt chính sách, chúng ta chưa hoàn thiện các định hướng lớn, chưa xây dựng một chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tăng cường hiệu quả và tính chủ động trong phối hợp liên ngành để triển khai các cam kết quốc tế.
Việc cung cấp thông tin tham mưu chiến lược về tình hình kinh tế thế giới, đối tác, thị trường trong thời gian qua dù được ngành ngoại giao tăng cường nhưng chưa đủ; công tác quảng bá hình ảnh đất nước, hỗ trợ xúc tiến kinh tế đối ngoại chưa ngang tầm với tiềm năng quan hệ Việt Nam với các nước đối tác. Đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại giao kinh tế năng lực còn hạn chế, chưa đủ kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết, nhất là trình độ ngoại ngữ, kiến thức luật kinh tế quốc tế trong thương lượng, đàm phán, vận động… Nhiều cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài chưa làm tốt chức năng phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp trong nước kịp thời xử lý các tranh chấp kinh tế quốc tế…
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, dù nhận thức về công tác ngoại giao kinh tế trong những năm qua đã có sự chuyển biến tích cực, nhưng có lúc, có nơi vẫn còn hiểu chưa đúng về ngoại giao kinh tế, chưa tích cực và chủ động trong hợp tác với Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
Việc triển khai công tác ngoại giao kinh tế chưa thật sự sáng tạo, nhạy bén, nhất là trong bối cảnh nhiều thách thức nổi lên chưa từng có tiền lệ. Chúng ta cũng chưa giải quyết dứt điểm những vướng mắc, khó khăn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp các nước đối tác, thí dụ trong vấn đề cấp thị thực cho doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam; chưa chủ động trong nghiên cứu, tham mưu và đẩy mạnh đổi mới trong triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế.
Vì vậy, trong thời gian tới, phải phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, nhạy bén, kịp thời, càng khó khăn, phức tạp càng cần bản lĩnh, bình tĩnh, kiên trì để tìm kiếm các giải pháp phù hợp “biến nguy thành cơ”. Tranh thủ hoạt động đối ngoại cấp cao nhằm thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác kinh tế thực chất, tạo đột phá trong quan hệ kinh tế với các đối tác. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả phối hợp, phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, của địa phương, doanh nghiệp trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế.
Phát huy cao nhất thế và lực của đất nước
Dưới góc độ của ngành công thương, theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, muốn công tác ngoại giao kinh tế đạt hiệu quả cao, cần đẩy mạnh triển khai hiệu quả các cam kết quốc tế, nhất là trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia để bảo đảm sự phát triển bền vững. Chú trọng thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại theo chiều sâu, nhất là quan hệ kinh tế với các đối tác lớn và có tiềm năng nhằm tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, thương mại trong nước.
Đồng thời, tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác nắm bắt, thông tin; kịp thời phản ánh những biến động của kinh tế thế giới và các chủ trương, chính sách mới của các nước sở tại. Từ đó, giúp các cơ quan nhà nước có những phản ứng chính sách hiệu quả, góp phần định hướng sản xuất trong nước; giúp các doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược và kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường thế giới.
Cần tập trung tháo gỡ “rào cản” kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập, kết nối cung cầu, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng Việt Nam tại các thị trường mới. Mặt khác, phải đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, thương mại điện tử, nhất là thương mại xuyên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Đặc biệt, phải chú trọng nâng cao năng lực công tác phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện, tranh chấp thương mại, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam trong thương mại quốc tế.
Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương mong muốn, thông qua ngoại giao kinh tế, đặc biệt các tham tán thương mại, đại sứ quán ở các nước giúp doanh nghiệp có thêm các thị trường mới; kiểm tra, kết hợp với các tùy viên về an ninh xác minh những công ty mà doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị hợp tác để bảo đảm an toàn trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng.
Ngoài ra, bản thân các cán bộ ngoại giao, tham tán cần nâng cao trình độ hơn nữa, phải kết nối được với khách hàng ở nước sở tại để có thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam, không để đến khi doanh nghiệp gặp sự cố đơn hàng mới vào cuộc tìm hiểu, cung cấp thông tin như trước. Tương tự, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho rằng, hiện nay ngoại giao kinh tế đã khác với trước rất nhiều, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không thuần túy chỉ hỗ trợ tìm kiếm khách hàng, làm cầu nối thương mại do các doanh nghiệp Việt Nam đã đủ lớn, có thương hiệu để trực tiếp tham gia đàm phán với các đối tác, khách hàng.
Thay vào đó, họ cần tham gia vào việc ngoại giao vận động chính sách nước sở tại nhằm hỗ trợ, dự báo, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường quốc tế. Đây là việc doanh nghiệp không thể tự mình làm được nên phải trông chờ và kỳ vọng vào ngoại giao kinh tế. Qua đó, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp để có sự chuẩn bị sớm các “bước đi” trong dài hạn, không để đến khi các nước đã cụ thể hóa thành luật sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam bị động, lỡ cơ hội thâm nhập, phát triển thị trường quốc tế,...
Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn thực hiện đường lối đối ngoại và các hoạt động ngoại giao kinh tế linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc để góp phần phát triển kinh tế và xây dựng đất nước. Tuy nhiên, công tác ngoại giao kinh tế thời gian tới cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.
Trong đó, tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững với nhiệm vụ trung tâm là phục vụ phát triển đất nước theo hướng tự lực, tự cường; đóng góp tích cực với các hoạt động rất cụ thể để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và sản xuất, xuất-nhập khẩu hàng hóa.
Đặc biệt, có sự định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để tiếp cận công nghệ tiên tiến, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc nhằm thay đổi tầm nhìn và kỹ năng lao động. Quan trọng nhất, chúng ta phải biết tận dụng, phát huy cao nhất thế và lực của đất nước để từ đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.