Để hương thơm bay xa

Cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng 20km, làng Chóa nay được đổi tên là thôn Lạc Trung (xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) nổi tiếng với nghề làm hương đen truyền thống từ hàng trăm năm nay. Mùi hương nhựa trám thanh mát, thoang thoảng, dịu nhẹ mà ấm áp nhắc nhớ hương vị Tết xưa…
0:00 / 0:00
0:00
Bà Đào Thị Son cùng con vẫn miệt mài ngày đêm giữ nghề truyền thống của gia đình.
Bà Đào Thị Son cùng con vẫn miệt mài ngày đêm giữ nghề truyền thống của gia đình.

Những ngày này, khi Tết Nguyên đán đã cận kề, các hộ làm hương trong làng Chóa đang tất bật trộn bột, se hương để kịp phục vụ khách đến mua. Thời tiết thất thường, cuối năm mưa nhiều, nên nhiều khi hương se xong không kịp phơi để phục vụ nhu cầu ngày càng nhiều của khách.

Làng hương vào vụ

Bên hiên nhà, bà Đào Thị Son, năm nay đã 62 tuổi đang thoăn thoắt se những que hương đen đều tăm tắp, đen bóng, thơm mùi nhựa trám.

Bà Son chia sẻ: Làm hương cả năm nhưng chúng tôi trông nhất vào vụ Tết. Từ tháng 10 âm lịch đến tháng Chạp, các thương lái liên tục đến để lấy hương để chuyển đi khắp nơi, bận rộn nhưng vui vì thu nhập tăng cao. Gần 50 năm gắn bó với nghề làm hương đen, tôi rất mừng khi ngày càng có nhiều người biết đến hương đen, không chỉ dịp lễ Tết mà họ đã tin dùng hương đen vào nhiều dịp khác.

Từ nguyên liệu tự nhiên như nhựa trám, than hoa, cật nứa, cật tre, qua nhiều công đoạn chế biến và bí quyết riêng của những người thợ lâu năm, hương đen làng Chóa đã dần trở nên quen thuộc với nhiều người.

Chị Vũ Thu Nga, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: "Nhờ có một chị bạn lấy chồng người láng Chóa mà tôi mới biết đến hương đen. Lúc đầu thì cũng không thích vì hương có màu đen, vậy mà khi đốt một nén, thấy khói nhiều nhưng không có cảm giác bị ngộp, cay mắt, hương thơm mát là tôi ưng ngay. Tết này, tôi cũng sẽ thắp hương đen để mùi hương quẩn quanh, ấm áp khắp phòng".

Để hương thơm bay xa ảnh 2

Người dân làng Chóa phơi chân hương và hương để hương bóng đẹp, cháy đượm, giữ được lâu.

Những người làm hương trong làng kể, để có một cây hương bóng đẹp, đạt tiêu chuẩn phải qua rất nhiều công đoạn công phu, kỹ lưỡng, từ việc lựa chọn nguyên liệu đến công đoạn se hương, phơi hương.

Đặc biệt, nếu làm bằng tay, thời gian tốn hơn, công đoạn se hương yêu cầu độ tỉ mỉ và khéo léo để bột hương quấn đều quanh thân nhưng hương sẽ cháy được lâu hơn, việc bảo quản cũng tốt hơn.

Với hương đen được làm thủ công, một que hương cỡ nhỡ có thể cháy trong 3 giờ, hương sào từ 8 đến 12 giờ. Tuy nhiên, cách làm này năng suất không cao, trung bình một hộ chỉ làm được vào khoảng 400 đến 500 que hương mỗi ngày.

Chính vì vậy, để nâng cao năng suất, một số gia đình trong làng đã chuyển sang làm hương đen theo hướng công nghiệp. Gia đình bà Ngô Thị Bảy là hộ đầu tiên trong làng từ năm 2005 đã tự chế tạo thành công chiếc máy se hương tự động.

Theo ông Đào Sỹ Bình, chồng bà Bảy, từ khi chuyển sang làm máy, gia đình đã tiết kiệm được nhân công và tăng năng suất lao động gấp mười lần so với làm phương pháp thủ công, vào dịp cao điểm Tết cũng chỉ cần 5-7 người, không phải thuê khoảng 15-20 nhân công như trước.

Để hương thơm bay xa ảnh 3

Máy móc giúp tăng sản lượng hương.

Những ngày giáp Tết, tại cơ sở làm hương của nhà bà Bảy, không khí luôn bận rộn. Mỗi người một công đoạn, từ nấu nhựa trám, nghiền than, trộn bột, se nhang đến phơi nhang.

Tất cả tạo thành một guồng quay nhịp nhàng, hiệu quả, với mong muốn đem những sản phẩm hương đen tốt nhất phục vụ thị trường.

Lưu giữ nghề truyền thống

Những năm gần đây, khách hàng đã biết đến hương đen nhiều hơn nhưng nghề làm hương đen tại làng Chóa cũng gặp không ít thăng trầm. Với nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên ngày một khó khai thác, thu nhập không đều, chỉ tập trung vào những tháng cuối năm nên nhiều gia đình trong làng chỉ coi việc làm hương đen là nghề phụ.

Bên cạnh đó, công đoạn làm hương truyền thống cần sự tỉ mỉ, mất nhiều thời gian, nên nhiều người trẻ trong làng đã lựa chọn đi làm tại các khu công nghiệp thay vì tiếp nối nghề truyền thống.

Để hương thơm bay xa ảnh 4

Hương thành phẩm được bó lại gọn gàng theo từng chục.

Mặc dù vậy, vẫn còn không ít người làng Chóa vẫn đau đáu với nghề truyền thống của cha ông. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, hương đen làng Chóa được sản xuất theo nhiều kích cỡ khác nhau: từ 30cm đến 1m2, với mức giá thấp nhất từ 25.000 đồng, tùy theo thời điểm.

Thị trường tiêu thụ nhiều nhất là Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn và các tỉnh phía nam. Đặc biệt, trước yêu cầu phong phú của khách hàng, ngoài hương thẻ đen truyền thống, người dân làng Chóa hiện đã sản xuất nụ hương, hương vòng bằng chính những nguyên liệu tự nhiên.

Anh Nguyễn Thế Đoàn, 42 tuổi, gắn bó với nghề làm hương đen vì yêu nghề của cha ông, vì những ký ức tuổi thơ, thấy mùi hương trám là thấy mùi Tết. Dù hiện nay có nhiều công việc cho thu nhập cao hơn nhưng anh Đoàn vẫn chọn công việc làm hương với hy vọng xu hướng tiêu dùng của người dân đang hướng đến những sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường thì hương đen làng Chóa sẽ được nhiều người biết đến. Anh cũng mong muốn cơ sở sản xuất của gia đình được mở rộng, để có thể yên tâm gắn bó với nghề.

Để hương thơm bay xa ảnh 5

Bà Đào Thị Son chọn cách làm hương thủ công để giữ gìn nghề truyền thống gia đình.

Nhiều người con của làng cũng góp phần đưa hương đen làng Chóa đến rộng rãi hơn với mọi người bằng cách quảng bá thương hiệu trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo và các sàn thương mại điện tử như: Shopee hay Lazada.

Ông Ngô Quang Thu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Dũng Liệt (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, hiện cả làng còn khoảng 50 hộ đang làm nghề hương đen. Hằng năm, xã đã và đang vận động nhân dân duy trì nghề, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từ đó phát huy và duy trì nghề truyền thống lâu đời cũng như lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của quê hương.

Bắc Ninh - Kinh Bắc nổi tiếng là đất trăm nghề và mỗi nghề đều có nét đặc sắc, độc đáo riêng. Bảo tồn, phát triển làng nghề cũng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống và văn hóa của làng nghề Bắc Ninh, qua đó góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn bền vững.