Để giữ nhịp tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn

Những khó khăn nền kinh tế phải đối mặt trong hai tháng đầu năm 2023 như số liệu công bố của Tổng cục Thống kê là những vấn đề không nằm ngoài dự báo của cơ quan điều hành và các chuyên gia kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Thành Đạt
Ảnh minh họa: Thành Đạt

Bởi thực chất, những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện ngay từ cuối quý IV/2022. Tuy nhiên, những khó khăn này đã bị che khuất bởi thành tích tăng trưởng rất ấn tượng của cả năm, và chỉ bộc lộ rõ nét khi tất cả các động lực tăng trưởng đều trở nên thách thức trong khi dư địa chính sách điều hành dường như đã tới hạn.

Lần đầu tiên, dữ liệu đăng ký kinh doanh ghi nhận tình trạng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường thấp hơn rất nhiều so với số doanh nghiệp rời bỏ thị trường.

So với cùng kỳ năm 2022, các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, chỉ số sản xuất công nghiệp đều giảm so với cùng kỳ.

Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm hoạt động thương mại là thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường, lạm phát của các nước tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới giảm khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó về đơn hàng.

Ðáng lưu ý, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo luôn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Khi khu vực này gặp khó sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP của cả năm 2023.

Bình quân hai tháng đầu năm, lạm phát đã tăng 4,6% so cùng kỳ năm trước, là mức tăng khá cao trong vòng 5 năm trở lại đây, khiến dư địa chính sách điều hành trở nên hạn hẹp vì phải "trông chừng" lạm phát.

Bình quân hai tháng đầu năm, lạm phát đã tăng 4,6% so cùng kỳ năm trước, là mức tăng khá cao trong vòng 5 năm trở lại đây, khiến dư địa chính sách điều hành trở nên hạn hẹp vì phải "trông chừng" lạm phát.

Trong khó khăn, điểm sáng của nền kinh tế tập trung ở hoạt động giải ngân vốn đầu tư công đang được cải thiện rất tích cực; hoạt động du lịch tiếp tục hồi phục; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng ở mức hai con số... Với những chỉ đạo quyết liệt và nhiều giải pháp mạnh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giải ngân đầu tư công bắt đầu có những chuyển biến rất tích cực ngay từ những ngày đầu, quý đầu, tạo nguồn vốn mồi cho tăng trưởng của tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Do đó, kỳ vọng đầu tư công có thể là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Ðể giữ nhịp tăng trưởng trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen, các bộ, ngành, địa phương cần nhất quán trong điều hành theo phương châm đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời, hiệu quả… như đã đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ. Ðặc biệt, cần đưa ra các giải pháp chủ động điều hành chính xác, kịp thời, phù hợp tình hình mới, góp phần hóa giải những khó khăn, thách thức và tận dụng mọi cơ hội để tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế.