Ngay trong những ngày đầu năm mới 2025, Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn và các lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ 500 kg chân giò lợn đã qua sơ chế, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ.
Theo đó, Đội Quản lý thị trường số 6 và Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện xe ô-tô biển kiểm soát 29H-292.13, do ông H.V.D (ở thôn Co Khuông, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc) điều khiển có biểu hiện nghi vấn vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên đã tiến hành dừng xe để kiểm tra.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 500 kg chân giò lợn đã qua sơ chế, chuyển màu và có mùi hôi, được đựng trong nhiều bao tải. Tại thời điểm kiểm ra, chủ phương tiện không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, do đó, Đội Quản lý thị trường số 6 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Mới đây, ngày 8/1, Đội 7 - Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội phối hợp Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh tại địa chỉ ngõ 21 Tựu Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội do bà P.T.H, sinh năm 1992 làm chủ. Tổ công tác phát hiện hơn 2,1 tấn thực phẩm đông lạnh gồm nầm lợn, tràng trứng, tràng lợn, kê gà, mề gà...
Chủ cơ sở cũng không xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng như chất lượng kiểm định, giấy phép đăng ký kinh doanh, hóa đơn chứng từ hàng hóa. Trước đó, tổ công tác đã kiểm tra cơ sở kinh doanh tại thôn Bãi Thụy (xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng). Quá trình kiểm tra, đoàn phát hiện và thu giữ 14 tấn hàng hóa là thực phẩm (xúc xích các loại, thịt bò khô, bánh kẹo) không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ, không qua kiểm định an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Đại tá Nông Quang Tám - Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, những tháng cuối năm được coi là tháng cao điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm, với hàng loạt vụ vi phạm liên tục bị phát hiện, không chỉ ngăn chặn việc nhập lậu thực phẩm không rõ nguồn gốc mà cơ quan chức năng còn phát hiện tình trạng xuất lậu thực phẩm một số đối tượng chủ yếu vận chuyển thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc xuất xứ từ các tỉnh nội địa bằng xe ô-tô qua địa bàn Lạng Sơn để xuất lậu qua bên kia biên giới bằng thủ đoạn chia nhỏ hàng hóa, lợi dụng đêm tối, sơ hở của lực lượng chức năng để lén lút mang vác qua các đường mòn biên giới.
Riêng trong năm 2024, lực lượng biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ 56 vụ, tang vật thu giữ gồm 19.700 chân gà đông lạnh, 21.787 chân lợn đông lạnh, 1.125 kg thịt bò đông lạnh, 2.000 quả trứng, xử phạt hành chính hơn 300 triệu đồng.
Đánh giá hậu quả của thực phẩm không rõ nguồn gốc, Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quang Trung, Giám đốc Bệnh viện đa khoa thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh cho biết, thực phẩm nhập lậu hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ thường không được sản xuất, bảo quản, chế biến đúng theo quy định sẽ dẫn đến nguy cơ bị nhiễm khuẩn, ôi thiu và chứa hàm lượng quá mức các chất nguy hại cho cơ thể con người. Nếu sử dụng các loại thực phẩm nhiễm khuẩn, ôi thiu thì các tác nhân vi sinh vật có thể xâm nhập vào người dùng gây ngộ độc thực phẩm với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Đặc biệt nguy hiểm hơn, nếu thường xuyên sử dụng những loại thực phẩm chứa dư lượng kháng sinh, các chất kích thích tăng trưởng và thuốc diệt cỏ trong thời gian dài người dùng có nguy cơ âm thầm bị nhiễm độc mãn tính mà không biết. Khi các chất nguy hại này tích lũy trong cơ thể con người đủ để gây bệnh thì những tổn thương là rất nghiêm trọng và khó khắc phục như ung thư, suy gan, thận, suy các tuyến nội tiết.
Theo ông Nguyễn Đình Hưng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, xác định công tác đấu tranh, ngăn chặn thực phẩm bẩn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, do vậy, càng những ngày cao điểm cuối năm, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng là công an, biên phòng, hải quan cùng các đội công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình nhanh chóng, kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm bẩn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm dịp Tết, các chuyên gia an toàn thực phẩm lưu ý, người dân cần tránh mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn thông tin nhà phân phối, nhất là bánh kẹo nhập khẩu, nên tìm mua sản phẩm từ những thương hiệu uy tín từ cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại để được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm.