Đề cao trách nhiệm giải trình trong đầu tư công

Tại kỳ họp thứ 15, khóa 16 vừa qua, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã xem xét, quyết nghị nội dung về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024; cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố và phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công. Các quyết nghị của kỳ họp cho thấy, các cấp, các ngành của thành phố thực hiện nghiêm túc yêu cầu về đề cao trách nhiệm giải trình, tiếp thu giải trình trong các lĩnh vực, nhất là trong đầu tư công.
0:00 / 0:00
0:00
Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua 18 nghị quyết tại kỳ họp thứ 15, khóa 16.
Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua 18 nghị quyết tại kỳ họp thứ 15, khóa 16.

Sau khi xem xét tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố, báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế-Ngân sách và ý kiến của các đại biểu tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân thành phố đã quyết nghị phê duyệt điều chỉnh văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai và hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị bằng nguồn vốn không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Liên minh châu Âu (EU).

Trong số 27 dự án được trình tại kỳ họp lần này, Hội đồng nhân dân thành phố thống nhất phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư 25 dự án thuộc lĩnh vực giao thông đô thị, văn hóa-xã hội, thủy lợi đê điều. Hai dự án chưa được thông qua là dự án cải tạo hè phố Núi Trúc và hè phố Nam Cao (quận Ba Đình) do chưa được bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn, cần xem xét lại thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, hiện trạng; và dự án tu bổ di tích cách mạng kháng chiến Quán cơm cụ Tắc - Cây gạo chợ Bỏi (huyện Đông Anh) do Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị tiếp tục được rà soát và trình tại kỳ họp tiếp theo.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế-Ngân sách đã được Ủy ban nhân dân thành phố tiếp thu giải trình một số nội dung, số lượng dự án đã được Hội đồng nhân dân phê duyệt rất lớn. Tổng số vốn trung hạn thành phố Hà Nội cần phải tiếp tục giao kế hoạch và hấp thụ vốn trong hai năm 2024-2025 là hơn 140.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 55% tổng vốn ngân sách phải thực hiện. Ủy ban nhân dân thành phố cần có các chỉ đạo, giải pháp quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, chuẩn bị các dự án đầu tư...

Đáng chú ý, đối với nội dung điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thống nhất chưa thông qua 21 dự án phát triển nông thôn mới nâng cao, vì chưa được giải trình thỏa đáng về sự phù hợp nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn. Đơn cử, có những xã đã bảo đảm tiêu chí thủy lợi, hoàn thành tiêu chí nông thôn mới lại tiếp tục được bố trí đầu tư vào thủy lợi.

Bà Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, đối với 21 dự án liên quan chương trình nông thôn mới, Ủy ban nhân dân thành phố cần tiếp tục rà soát danh mục, dự án theo các tiêu chí, thứ tự ưu tiên. Nếu địa phương, cơ quan thấy cần thiết phải điều chỉnh tiêu chí, bổ sung nguồn lực thì cần giải trình làm rõ, bố trí vốn phải bảo đảm các nguyên tắc.

Theo giải trình của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn, sau khi hoàn thành nông thôn mới, vẫn phải cần bổ sung nguồn lực, ưu tiên hơn nữa. Có những xã đã đạt nông thôn mới nâng cao, tiếp tục phấn đấu đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là những xã đã được xem xét, chọn lựa, phân bổ nguồn lực và dựa trên nhu cầu của địa phương. Ông Đỗ Anh Tuấn cũng cho biết, áp lực cho giải ngân đầu tư công các năm 2024-2025 còn rất lớn. Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã đưa ra năm chuyên đề, trong đó có bốn chuyên đề xử lý tiến độ, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, một chuyên đề chuẩn bị, định hướng cho danh mục đầu tư công giai đoạn 2026-2030.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền giải trình, đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, thành phố đã thực hiện rất tốt, hoàn thành các mục tiêu cơ bản. Phấn đấu đến năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành chương trình về yêu cầu 20% số huyện phải đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao để đủ tiêu chuẩn công nhận Hà Nội hoàn thành mục tiêu nông thôn mới. Bên cạnh đó, việc bổ sung thêm các dự án còn phục vụ cho mục tiêu trở thành quận của các huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng. Với nhóm các xã nông thôn mới kiểu mới, Hà Nội đặt mục tiêu 20% số xã đạt mục tiêu nông thôn mới nâng cao, tuy nhiên qua rà soát còn thiếu 26 xã. Rút kinh nghiệm về 21 dự án liên quan chương trình nông thôn mới không được thông qua, Phó Chủ tịch đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố và quá trình phối hợp các ban của Hội đồng nhân dân thành phố, việc chuẩn bị báo cáo giải trình cần phải sát hơn, rõ hơn.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ đạo, Ban Kinh tế-Ngân sách, các ban của Hội đồng nhân dân, các sở, ngành đã có quy chế phối hợp cần tiến hành rà soát trước các nội dung, giải trình phải rõ ràng, chặt chẽ để trình Hội đồng nhân dân thành phố các dự án còn chưa được thông qua tại kỳ họp tiếp theo, dự kiến tổ chức vào tháng 5/2024.