Những dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ
Tuổi dậy hiện nay được tính ở mốc 8-13 tuổi với trẻ gái và 9-14 tuổi ở trẻ trai. Bác sĩ Trần Văn Lưu, Khoa Nội tiết Sinh sản, Bệnh viện Nội Tiết Trung ương thông tin, khi bé gái có biểu hiện dậy thì trước 8 tuổi và bé trai có biểu hiện dậy thì trước 9 tuổi được gọi là dậy thì sớm.
Biểu hiện ở bé trai bao gồm phát triển chiều cao nhanh, mọc lông mu, phát triển mùi cơ thể, thay đổi giọng nói, tăng khối lượng cơ, tinh hoàn và dương vật phát triển nhanh… Dậy thì ở bé trai đánh dấu bằng lần xuất tinh đầu tiên.
Dấu hiệu dậy thì ở các bé gái phổ biến nhất là tuyến vú phát triển, tăng dịch tiết âm đạo. Bé gái được đánh giá hoàn thiện về dậy thì ở lần kinh nguyệt đầu tiên.
Bệnh viện Nội tiết Trung ương từng tiếp nhận thăm khám, điều trị cho nhiều trẻ dậy thì sớm. Trong đó, có trường hợp bé gái 6 tuổi tuy chưa phát triển ngực nhưng đã xuất hiện kinh nguyệt.
"Nguyên nhân dậy thì sớm của trường hợp này được đánh giá là do ngoại biên, không có các khối u ở não. Sau đó, bệnh nhi được điều trị. Kết quả điều trị hiệu quả, em chấm dứt hiện tượng kinh nguyệt, tâm lý của trẻ và gia đình cũng ổn định hơn", bác sĩ Lưu nói.
Những năm gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 100 cháu đến khám dậy thì sớm. Bệnh viện đang quản lý hơn một nghìn trẻ dậy thì sớm và đang có hơn 500 cháu được điều trị ức chế dậy thì bằng tiêm thuốc. Các trường hợp được can thiệp sớm điều trị rất thành công.
Những khuyến cáo cho bậc cha mẹ
Thực phẩm, chế độ ăn uống, sinh hoạt đều là nguyên nhân gây ra dậy thì sớm ở trẻ. Vì thế, lựa chọn bữa ăn cân bằng dinh dưỡng, đủ chất, không có các chất gây kích thích rất quan trọng với sự phát triển của trẻ.
Bác sĩ Lưu cũng cho rằng, chưa có kết luận nào về việc dùng sữa nhiều sẽ dậy thì sớm.
Để hạn chế nguy cơ dậy thì sớm cho trẻ, gia đình cố gắng có nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho trẻ, giáo dục cho trẻ từ sớm. Về chế độ dinh dưỡng, trẻ cần được ăn nhiều rau, hạn chế đồ ăn sẵn, nhiều đạm, nhiều đường, nhiều dầu mỡ, tránh uống nước ngọt có ga… Bố mẹ bổ sung canxi, vitamin D3 theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài thức ăn, thực phẩm sạch, chúng ta cần nhắc nhở con tập thể dục, tham gia các hoạt động phát triển thể chất như bơi lội, chạy… kích thích tăng chiều cao, giảm dậy thì sớm.
Trẻ cũng cần đi ngủ trước 22 giờ bởi quãng thời gian 22 giờ-3 giờ sáng, cơ thể tiết hormon giúp con phát triển chiều cao cân bằng nội tiết.
Phụ huynh cũng hạn chế cho con xem các nội dung, chương trình kích thích trí tò mò bé. Đồng thời, cha mẹ cũng khéo léo nói chuyện với con về vấn đề giới tính, hướng dẫn con cách vệ sinh, bảo vệ cơ thể.
Ngoài ra, giáo dục giới tính sớm không chỉ ở gia đình, cần được triển khai ở trường. Khi trẻ được được cung cấp kiến thức đúng, đủ, các con không tò mò tìm hiểu, tránh được việc tiếp xúc những nguồn thông tin lệch lạc.
Khi phát hiện con có bất thường, có các dấu hiệu dậy thì sớm, theo bác sĩ Lưu, phụ huynh nên bình tĩnh. Hiện tại, y học phát triển và có những can thiệp rất tốt để giúp trẻ trì hoãn dậy thì sớm. Gia đình nên ổn định tâm lý trẻ, động viên và đưa con đến khám chuyên khoa nhi hoặc nội tiết.
Các bác sĩ sẽ thăm khám, xác định nguyên nhân xem là dậy thì sớm trung ương (do các khối u ở vùng não hoặc khối u ngoại biên (khối u ở tinh hoàn, buồng trứng), từ trên não hình thành ra nội tiết tố, kích thích tuyến sinh dục phát triển sớm hay do trẻ tiếp cận hóa chất, hormone... để các bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp từng trẻ.
Với trường hợp trẻ không có khối u, dậy thì sớm do nguyên nhân ngoại lai, nếu tìm được nguyên nhân này, phụ huynh cần hạn chế nguyên nhân đó.
Với dậy thì sớm trung ương, trẻ sẽ được điều trị bằng thuốc chất GnRH đồng vận, để ngăn chặn làm tuyến yên không tiết ra nhiều chất gonadotpopin. Ngoài điều trị thuốc, điều trị tâm lý được đánh giá vô cùng quan trọng. Bác sĩ thông tin trẻ cần có sự đồng hành các chuyên gia tâm lý.
Trong 20 năm điều trị dậy thì sớm, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương nhận định thuốc có tác dụng rõ ràng trong làm chậm quá trình dậy thì. Trong đó, đặc biệt sẽ giúp cải thiện chiều cao của trẻ. Theo dõi những trẻ điều trị ức chế dậy thì, các bác sĩ thấy khi những trẻ này lớn lên lập gia đình vẫn có khả năng sinh con như những người phụ nữ bình thường khác, không có tác dụng phụ nào với buồng trứng.
Các bố mẹ cần trang bị cho con kiến thức, cách phòng tránh các nguy cơ, khắc phục tâm lý sợ hãi, tự ti, lo âu, tò mò. Những bạn phát triển nhanh về cơ thể nhưng chưa có kiến thức xã hội rất dễ bị lạm dụng, ảnh hưởng lớn đến trẻ. Sự chia sẻ, tư vấn của chuyên gia sẽ giúp không chỉ giúp cho con mà còn trấn an tâm lý cho các bậc phụ huynh.